Sài thành tuần qua có gì: Từ chuyện Digiworld phân phối trở lại điện thoại Nokia đến những khu "chợ ma", "biệt thự ma" ở TP HCM
Sự trở lại của Nokia bằng cách bắt tay với nhà phân phối Digiworld, trang thương mại điện tử Vuivui.com của Thế giới Di động chỉ bán hàng tiêu dùng nhanh FMCG, ngôi chợ “ma” ở quận 9 là những thông tin đáng chú ý của TP HCM tuần qua.
Nokia - Digiworld bắt tay trở lại
Ngày 26/9 vừa qua, HMD, đơn vị sở hữu độc quyền thương hiệu Nokia về điện thoại, máy tính bảng, và Digiworld đã bắt tay đánh dấu sự hợp tác trở lại của 2 đối tác này. Lần này, Digiworld sẽ tiếp tục là nhà phân phối các sản phẩm Nokia, trong đó các sản phẩm chủ đạo là điện thoại nghe gọi cơ bản và điện thoại thông minh.
Đại diện HMD cho biết, dòng điện thoại cơ bản vẫn đang chiếm ưu thế hơn so với điện thoại thông minh. Còn đại diện Digiworld, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Digiworld, thì tin tưởng rằng Nokia sẽ giành lại được vị trí vốn có trong lòng người Việt.
Cơ sở để ông Việt tin tưởng là vì theo GFK, tính từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2018, Nokia đã chiếm tới 25% thị phần điện thoại di động tại Việt Nam, nghĩa là cứ 4 người mua điện thoại thì có 1 người mua sản phẩm của Nokia.
Thế Giới Di Động chỉ bán hàng tiêu dùng nhanh trên trang Vuivui.com
Trong công văn gửi cho đối tác mới đây, CTCP Thế Giới Di Động cho biết sẽ đóng tất cả mặt hàng không phải là hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên trang thương mại điện tử Vuivui.
Theo công văn này, TGDĐ cho biết trang thương mại điện tử (TMĐT) Vuivui.com chỉ tập trung kinh doanh các nhóm hàng FMCG nên sẽ đóng các mặt hàng không liên quan đến ngành hàng này trên website. Thời gian chính thức đóng các mặt hàng ngoài FMCG bắt đầu từ ngày 1/10.
Vuivui.com là website TMĐT theo mô hình B2C (doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng), được thành lập cách đây hơn một năm. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, từng kỳ vọng trang TMĐT này sẽ vượt doanh thu Thế Giới Di Động trong vòng 5 năm tới. Thế nhưng theo cáo bạch của công ty, kết thúc năm 2017, doanh thu của Vuivui.com là 75 tỷ đồng, không đóng góp nhiều vào cơ cấu doanh thu của công ty mẹ.
Nở rộ dịch vụ "văn phòng chia sẻ" tại TP HCM
Giới đầu tư văn phòng cho thuê ở TP HCM nhận định chưa bao giờ thị trường cho thuê không gian làm việc chung lại sôi động như hiện nay.
Sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM vài năm gần đây đã tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp (DN) mới hoạt động khá sôi động, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ sáng tạo. Đồng thời, cũng thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt không gian làm việc chung (co-working space) ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM.
Các “tay chơi” như Toong, DreamPlex, Up, Circo… và mới đây WeWork đã đến Việt Nam hứa hẹn nhiều cuộc cạnh tranh trong thị trường này.
Chợ xây tiền tỷ ở TP.HCM… cho hơn 10 tiểu thương buôn bán
Với kinh phí 1,2 tỷ đồng, hiện chợ Phú Hữu (quận 9, TP.HCM) có hơn 10 tiểu thương, và cũng chỉ buôn bán trước chợ. Hàng trăm kiosk bị bỏ không, hư hỏng suốt chục năm qua.
Nằm cạnh đường Nguyễn Duy Trinh, chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu, quận 9) khá yên ắng khi chỉ có vài quầy cơm tấm, bún thịt nướng, nước giải khát vào mỗi buổi sáng.
Bà Bình (nhân vật đã thay đổi tên), một người sống lâu năm tại đây, ví chợ Phú Hữu là ngôi “chợ ma” vì số tiểu thương buôn bán chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn người mua cũng chỉ có bà và vài hộ xung quanh.
Ở TP HCM, không chỉ chợ Phú Hữu mới vắng như vậy. Nhiều khu chợ khác cũng gặp tình trạng tương tự do sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
“Khó” trong việc cấp phép kinh doanh karaoke, massage
Sáng 24/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết địa phương này đang gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch và mong Bộ KH&ĐT có hướng dẫn, tháo gỡ.
Một trong những vấn đề mà ông Ngọc Anh đề cập đến là hiện nay đặt ra là quản lý quy hoạch. Ông lấy ví dụ những ngành kinh doanh như karaoke, massgae… pháp luật không cấm nhưng vẫn chưa có quy hoạch để cơ quan chức năng quản lý.
Nhiều biệt thự bỏ hoang tại “khu nhà giàu” Thảo Điền
Ngay tại khu Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2, nơi được ví như khu nhà giàu của Sài Gòn, hàng chục căn biệt thự hạng sang, giá trị lên đến hàng 20 tỉ đồng/căn lại rơi vào tình trạng hoang tàn nhiều năm nay. Những căn biệt thự này hiện tại đang trở thành nơi sống tạm của 10 hộ dân lao động.
Hay ở đường Tạ Hiện, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cũng có nhiều biệt thự bỏ hoang.
Khu dân cư Khang An ở phường Phú Hữu, quận 9, cũng gặp tình trạng tương tự.