Nguyễn Trung Tín, người sáng lập Dreamplex: Trong coworking, địa điểm là quan trọng nhất, nhưng dịch vụ sẽ làm nên người chiến thắng

15/08/2018 08:59 AM | Kinh doanh

Nguyễn Trung Tín, người sáng lập chuỗi coworking space Dreamplex cho rằng startup của anh có lợi thế vì Tập đoàn Trung Thủy, nơi anh đang làm CEO, chuyên về bất động sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp khác sẽ có lợi thế khác. Và bên nào có dịch vụ tốt, bên đó sẽ chiến thắng.

Dreamplex, nơi từng đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, là một công ty khởi nghiệp của Nguyễn Trung Tín. Hiện Dreamplex có 2 địa điểm tại TPHCM. Điểm thứ 3 và thứ 4 sẽ hoàn thành trong vòng một tháng tới.

Bắt đầu từ mặt bằng thanh lý của một... spa

- Chào Trung Tín, cơ duyên nào đưa anh đến với mô hình co-working?

- Rất tình cờ đó là vào năm 2015 khi tôi đang điều hành tập đoàn. Khi đó Dreamplex đang là một spa. Do spa đó không hiệu quả nên phải di dời đi. Lúc đó, tôi thấy mặt bằng trống thì cho thuê.

Nhưng lúc đó, tôi tự hỏi là có thể có một mô hình kinh doanh khác, mới lạ và tạo thêm giá trị cho tòa nhà, cho môi trường xung quanh không? Tôi lên Google để tra cứu và thấy xu hướng không gian làm việc chung đã phát triển trên thế giới. Nhiều nơi trên thế giới đã rất thành công với mô hình này.

Tôi đã dành thời gian nghiên cứu thị trường. Và may mắn, tôi có nhiều bạn làm startup mảng công nghệ. Tôi tham khảo ý kiến của bạn bè và thấy họ có phản ứng rất tích cực về mô hình này. Dựa vào những nghiên cứu của bản thân và những ý kiến mà tôi tham khảo, tôi đã quyết định đến với mô hình này.

Công việc thiết kế và thi công 2 tháng là xong. Sau đó, khách đến rất đông và hết chỗ trống.

Thị trường coworking lúc đó rất mới, chỉ có Start Sài Gòn hoạt động ở quận 3. Họ cho thuê vài chục ghế nhưng mô hình chưa thực sự cụ thể. Và lúc đó, tôi đã quyết định phát triển mô hình này. Cùng lúc, Toong ngoài Hà Nội cũng bắt đầu khai trương.

- Vậy thị trường coworking hiện tại và ngày ấy khác nhau như thế nào?

- Rõ ràng là rất khác. 3 năm trước đây không ai biết coworking là thế nào, là quán cafe hay mô hình kiểu gì. Chính vì vậy, phải cần thời gian để người dùng nhận biết.

Còn giờ đây, nhiều người đã biết đến mô hình coworking, lợi ích của nó, giá cả, tiện ích cũng đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng. Khách hàng là những người tiêu dùng thông thái.

Nguyễn Trung Tín, người sáng lập Dreamplex: Trong coworking, địa điểm là quan trọng nhất, nhưng dịch vụ sẽ làm nên người chiến thắng - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama từng đến Dreamplex trong chuyến thăm Việt Nam.

- Thị trường coworking đã thay đổi rất nhiều. Anh đánh giá thế nào về mô hình này hiện nay?

- Hiện tỷ lệ m2 sàn của mô hình này đang chiếm dưới 1% toàn thị trường bất động sản nhưng dư địa thì hoàn toàn có thể tăng lên 10-15% tổng m2 sàn. Các quốc gia như Ấn Độ, tỷ lệ m2 sàn của mô hình này rất cao. Nhu cầu môi trường làm việc chia sẻ là có thật.

Các công ty nhỏ không có ngân sách quá lớn để đầu tư cơ sở vật chất thì có thể chọn mô hình này vì họ có thể tăng giảm nhân sự. Nếu thuê văn phòng kiểu truyền thống, khi số lượng nhân viên tăng lên, thì có thể họ không còn chỗ. Cơ hội phát triển thị trường còn rất nhiều.

Địa điểm là yếu tố quan trọng nhất. Nhiều khi địa điểm tôi rất thích nhưng lại không chọn vì không phù hợp.

Nguyễn Trung Tín, người sáng lập Dreamplex: Trong coworking, địa điểm là quan trọng nhất, nhưng dịch vụ sẽ làm nên người chiến thắng - Ảnh 2.

Địa điểm là yếu tố quan trọng nhất trong co-working

- Địa điểm là yếu tố quan trọng nhất. Vậy yêu cầu của một địa điểm để có thể mở được coworking là như thế nào thưa anh?

- Địa điểm mở coworking phải nằm ở vị trí trung tâm, dễ kết nối, dễ đi lại và có chỗ đỗ xe cùng các tiện ích xung quanh.

Một yêu cầu khác là mặt bằng phải đủ lớn, 1 sàn phải tối thiểu là 500 m2.

Ví dụ, một căn nhà 10 tầng nhưng sàn chỉ 200 m2 thì không ổn lắm vì các thành viên đâu thể đi lên đi xuống để gặp nhau. Chính sự gặp nhau hay ăn cơm chung mới tạo ra cái gọi là “co” trong "coworking". Ký được một tòa nhà trung tâm, tiện ích, giá thuê vừa phải, 3 sàn 1.500 m2 hiện tại khá khó.

- Vậy khó nhưng làm được, thậm chí làm tốt đúng không anh?

- Cũng chưa tốt lắm (cười), nhưng làm được. Giờ Dreamplex mới có 2 địa điểm, sắp tới là mở điểm 3 và điểm 4, chứ chưa nhiều lắm. 4 địa điểm thì đâu có gì là nhiều. Mục tiêu của chúng tôi là 20 điểm điểm. Mỗi năm 5 địa điểm.

- Vậy khó khăn của Dreamplex là gì để có thể đạt mục tiêu mở 5 điểm mỗi năm?

- Tôi cho rằng cần một người không phải là Trung Tín để dẫn dắt Dreamplex lên vị trí tốt nhất của thị trường. Dreamplex sẽ có một CEO mới vào tháng 8 này. Anh cũng là cổ đông của Dreamplex. Anh ấy sẽ toàn tâm, toàn ý với Dreamplex. Thời gian vừa rồi, tôi một mình mà “2 chân” đó.

Trong 1-2 tháng tới, Dreamplex sẽ mở một điểm tại Hà Nội, 1 điểm tại Trần Quang Khải (TP HCM).

Dreamplex 3 sẽ cao cấp, Dreamplex 4 cao cấp hơn 1,2. Chúng tôi chăm chút hơn về nội thất. Từ Dreamplex 3 trở đi, chúng tôi mời giám đốc thiết kế ở bên Anh, từng thiết kế cho Google, và vài team Tech lớn bên Anh. Cô ấy sẽ thiết kế cho Dreamplex. Khi nào có tiền, chúng tôi sẽ nâng cấp 1-2 lên.

- Về lượng khách thuê ở Dreamplex thì sao?

Tỷ lệ khách thuê theo mùa, tùy từng thời điểm. Hiện giờ, tỷ lệ lấp đầy khoảng 80% ở Dreamplex 1 và 70% ở Dreamplex 2. Có những khách hàng, khi đã lớn mạnh, họ muốn thuê văn phòng riêng. Khi họ chuyển đi thì chúng tôi cần thời gian để người mới tới thuê.

Nguyễn Trung Tín, người sáng lập Dreamplex: Trong coworking, địa điểm là quan trọng nhất, nhưng dịch vụ sẽ làm nên người chiến thắng - Ảnh 3.

Mới cung cấp không gian đẹp, sáng tạo, nhưng chưa bán được dịch vụ

- Thị trường thì rất tiềm năng và hiện tại cũng đã có nhiều “tay chơi”. Theo anh, “tay chơi” nào đang làm tốt?

Một số coworking ở Việt Nam vẫn chỉ là nhà cung cấp không gian, không gian đẹp, sáng tạo, Internet nhanh, nhưng chưa bán được dịch vụ. Nhưng Dreamplex đã hỗ trợ kết nối được các dịch vụ cho member (thành viên) như các dịch vụ tư vấn pháp lý, nhân sự, kế toán, đầu tư… Ví dụ, anh cần gì tôi có đó. Anh cần mua dịch vụ của công ty này thì tôi kết nối….

Đây là cơ hội rất lớn cho Dreamplex. Và dịch vụ mới là sự khác biệt. Còn nếu chỉ có phòng, rồi bàn ghế thì rất nhiều người có thể làm được.

- Từ trải nghiệm của bản thân, anh thấy ở nước ngoài, sản phẩm dịch vụ của các coworking như thế nào?

- Các coworking quốc tế tạo event về cộng đồng rất hay. Họ kết nối với nhau tại sự kiện để biết người này người kia.

Dreamplex cũng đang nỗ lực tạo dựng văn hóa rõ nét cho cộng đồng tại đây. Chúng tôi tổ chức các hoạt động thường niên cho member như: Happy birthday party, Beer party... Ngoài ra chúng tôi cũng phối hợp với các đối tác để tổ chức các event kết nối cộng đồng Dreamplex với các cộng đồng khác, mang lại những cơ hội phát triển mối quan hệ hay cơ hội hợp tác cho các member như các sự kiện cho Startup hay những chủ đề về Blockchain, Marketing, công nghệ thông tin…

Ở nhiều người, tại các không gian làm việc chung, họ đã tự động hóa bưu điện, kiểu như người ở chi nhánh 1 có thể kết nối với người ở chi nhánh 2.

- Vậy đối tượng khách hàng mà Dreamplex hướng tới là gì?

Chúng tôi có 4 đối tượng khách hàng: startup, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và freelancer.

Nguyễn Trung Tín, người sáng lập Dreamplex: Trong coworking, địa điểm là quan trọng nhất, nhưng dịch vụ sẽ làm nên người chiến thắng - Ảnh 4.

"Giá thuê ở Dreamplex đắt gấp 2-3 lần thuê phòng truyền thống nhưng lại có nhiều tiện ích"

- Nếu họ thuê văn phòng truyền thống, thì giá đó chênh lệch so với Dreamplex như thế nào?

- Dreamplex sẽ đắt gấp 2-3 lần. Dreamplex khoảng 65 USD/m2, trong khi văn phòng truyền thống khoảng 27 USD.

Nhưng những giá trị Dremplex mang lại cho member là rất lớn. Đối tượng thuê Dreamplex sẽ là những người không muốn tốn kém đầu tư ban đầu và có chỗ ngồi khi nhân sự tăng. Họ không cần mua cafe, không cần lễ tân, không cần phòng họp. Nếu thuê văn phòng truyền thống, khi họp thì phải thuê địa điểm. 

Ở đây, phòng sẵn rồi và giống như tiện ích công cộng. Quan trọng nhất là cộng đồng thành viên của Dreamplex rất rộng lớn và đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Nó mang lại những cơ hội mà bạn khó tìm thấy ở những văn phòng truyền thống. Đã có rất nhiều member cùng hợp tác với nhau hay cùng nhau đưa ra các giải pháp cho các ý tưởng mới.

Còn với freelancer thì giá thuê khoảng 3 triệu đồng/tháng. Có nước, cafe phục vụ.

Tôi cho rằng, bài toán dễ hiểu với ai nhìn lâu dài, thích gặp người này người kia.

- Thách thức hiện tại của Dreamplex là gì?

- Thách thức lớn của Dreamplex là con người, thì sắp tới sẽ có CEO mới vào.

Thứ nữa là xây 20 điểm Dreamplex trong 4 năm.

Tiếp đó là phải có nguồn vốn và việc sử dụng vốn hợp lý.

Một điều quan trọng nữa là tìm địa điểm để hợp tác lâu dài. Vì dựa vào nguồn vốn của mình thì không đủ.

Ai có dịch vụ tốt hơn sẽ chiến thắng

- Anh nói anh có lợi thế vì làm bất động sản khi khởi nghiệp coworking Dreamplex. Anh có thể nói rõ lợi thế như thế nào?

Đúng là lợi thế. Chúng tôi có đội ngũ về "bóc" khối lượng, thiết kế, nghiên cứu thị trường để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, các công ty khác cũng có lợi thế riêng. Mỗi người đều đi đến thị trường này với góc khác nhau.

Dreamplex có lợi thế riêng và các công ty khác cũng có lợi thế riêng. Nhưng cuối cùng, ai có dịch vụ tốt nhất thì sẽ thắng, chứ không phải ai có nhiều lợi thế sẽ thắng.

- Hai thị trường chính của Dreamplex là Hà Nội và TP HCM nhưng Dreamplex sẽ tập trung vào thành phố nào nhiều hơn?

TP HCM chúng tôi sẽ tập trung vào nhiều hơn, khoảng 70%. Chúng tôi đang cân nhắc thêm thành phố Nha Trang để tạo điều kiện cho khách nước ngoài đến đây nghỉ ngơi và làm việc.

TP HCM lớn hơn và như bạn thấy đó, các công ty về công nghệ, kinh doanh thường bắt đầu ở TP HCM trước. Mức lấp đầy ở TP HCM cũng cao hơn Hà Nội.

Thị trường sắp tới sẽ còn tốt nữa vì dự án nhà ở nhiều nhưng dự án văn phòng thì không có nhiều. Do đó, tôi thấy thị trường coworking sẽ còn cần rất nhiều. Khi nào văn phòng rẻ và rất nhiều thì khi đó, coworking sẽ khó phát triển hơn.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Lan Đỗ

Cùng chuyên mục
XEM