Sai lầm tiền bạc tuổi 20 dạy tôi bài học thấm thía năm 30 tuổi, cùng đọc để không rơi vào ‘cái bẫy’ do chính mình đặt ra
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng nói: "Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu mà hãy tiêu số tiền còn lại sau khi tiết kiệm".
*Bài viết là chia sẻ của một cây bút của Business Insider
Giống nhiều người ở độ tuổi đầu 30, tôi từng mắc một số sai lầm về tài chính ở tuổi 20. Từ việc nợ nần cho đến đưa ra quyết định theo cảm tính… tất cả đã dạy cho tôi những bài học quý giá cho ngày hôm nay.
Dưới đây là những thói quen tiền bạc tồi tệ nhất mà tôi đã từ bỏ thành công ở tuổi 30:
Chi tiêu theo cảm tính
Vào cuối những năm 20 tuổi, tôi có một công việc toàn thời gian với mức lương ổn cùng một nguồn thu nhập khác từ làm thêm. Ngoài ra, do khoản vay sinh viên đã được trả hết, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy tình hình tài chính của mình được đảm bảo. Chính vì vậy, tôi chi tiêu tương đối thoải mái.
Ở một mức độ nào đó, việc tiêu tiền khiến tôi cảm thấy mình có tiền. Những thứ đẹp đẽ mà tôi mua dần trở thành biểu hiện cho sự thành công của tôi. Bởi biết rằng mình có thể trả nợ tín dụng khi đến hạn, tôi đã chi tiêu phóng khoáng. Tuy nhiên sau một thời gian, tôi nhận thấy thu nhập khả dụng bắt đầu giảm dần.
Cuối cùng, sự phấn khích khi mua đồ mới của tôi cũng "nguội" đi và tôi nhận ra mình cần một cách hiệu quả hơn để sử dụng tốt thu nhập nhưng vẫn cảm thấy như tôi đang gặt hái thành quả từ sự lao động chăm chỉ của mình. Từ đó, tôi bắt đầu tiết kiệm, đầu tư và hạn chế chi tiêu theo cảm tính.
Ảnh minh họa.
Một trong những sai lầm tiền bạc lớn nhất của tôi thời đó là dành quá nhiều thời gian mua sắm trực tuyến. Tôi đã xem rất nhiều video giới thiệu sản phẩm làm đẹp trên YouTube của các vlogger nổi tiếng và không ngần ngại chi tiền. Giải pháp đơn giản là không mua sắm quá đà nữa. Tôi đã hủy tài khoản Amazon Prime để không "tiện tay" đặt mua những thứ không quá cần thiết.
Ngoài ra, tôi lập một bảng tính tất cả nhu yếu phẩm (dầu gội, xà phòng, giấy vệ sinh…) và đợi đến khi có khuyến mại rồi mua với số lượng đủ dùng trong cả năm. Nhờ đó, tôi đã tiết kiệm được hàng trăm USD.
Khi giới hạn bản thân chỉ mua những thứ cần thiết, tôi đã hạn chế thói quen mua sắm bốc đồng cũng như để ra được một món tiền đáng kể. Về quần áo, tôi đặt ra quy tắc: Cách duy nhất để mua thêm một thứ gì đó là cho một thứ tương tự ra ngoài bằng cách thanh lý hoặc cho bạn bè, người thân.
Không đầu tư vào sức khỏe
Khi còn trẻ, tôi có những thói quen không lành mạnh như thức khuya và thường xuyên dùng đồ ăn nhanh. Điều đó đã khiến tình trạng sức khỏe của tôi không được tốt trong một thời gian dài.
Ăn nhiều rau xanh và tập thể dục rất tốt cho sức khỏe.
Sau đó, tôi quyết định thay đổi bằng cách tuân theo chế độ ăn uống hợp lý, đi ngủ đúng giờ và chăm tập thể dục thể thao. Bất kể bạn đầu tư vào lĩnh vực nào, đừng quên đầu tư vào sức khỏe bởi đó mới là khoản đem lại lợi nhuận cao nhất. Không một ai có thể làm việc gì thành công nếu không có sức khỏe. Khi thể chất mạnh mẽ hơn, tinh thần của bạn sẽ tốt hơn để xử lý các vấn đề trong công việc và cuộc sống.
Không theo dõi chi tiêu
Giống không ít người ở độ tuổi 20, tôi đã ảo tưởng về tình hình tài chính của mình. Một trong những ảo tưởng đó là không theo dõi chi tiêu. Để thay đổi, tôi bắt đầu liệt kê những món đồ đã mua trong một tuần và tìm cách cắt giảm những thứ thừa thãi.
Hai bữa cà phê, bữa sáng với sandwich mỗi ngày, bữa trưa 20 USD và đôi khi là một số bữa ăn đêm. Theo tính toán, tôi đã chi ít nhất 40 USD hàng ngày vào việc ăn uống linh tinh. Lại có những lần tôi "bóp mồm bóp miệng" cả tuần, chỉ ăn uống nhẹ nhàng nhưng cuối tuần lại bỏ ra hàng trăm USD cho một bữa ăn sang chảnh.
Tôi đã tải ứng dụng theo dõi chi tiêu. Sau đó, tôi tiến hành cắt giảm. Thay vì sandwich 7 USD mỗi ngày, tôi chọn một vài món ăn khác rẻ và có lợi cho sức khỏe hơn mà vẫn cung cấp đủ năng lượng.
Thói quen uống cà phê đá hai lần mỗi ngày của tôi cũng được thay đổi vì nó vừa tốn kém lại vừa không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, tôi tìm đến loại đồ uống khác cũng đem lại sự tỉnh táo là trà. Khi tự pha, tôi lại tiết kiệm thêm được một khoản nữa.
Bữa trưa của tôi vẫn được giữ nguyên trong hầu hết các ngày. Bữa tối, tôi ăn đơn giản và lành mạnh hơn. Sau một thời gian, chi phí thực phẩm của tôi đã được cắt giảm mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Không đặt mục tiêu
Sau vài năm, tôi mới nhận ra hầu hết vấn đề tài chính ở độ tuổi 20 của tôi đều bắt nguồn từ việc không đặt mục tiêu.
Một mẹo khá hay tôi học được là hãy đặt tên cho các khoản tiết kiệm. Ví dụ như "mua xe", "du lịch" hay "mua nhà". Việc đó sẽ giúp hạn chế "cám dỗ" dùng tiền sai mục đích. Ngay khi nhận lương, bạn hãy chuyển ngay một khoản cố định vào các quỹ đó. Huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng nói: "Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu mà hãy tiêu số tiền còn lại sau khi tiết kiệm".
Không chỉ tiết kiệm, bạn nên đặt mục tiêu cho bất cứ thứ gì liên quan đến tài chính cá nhân. Như vậy, mọi việc sẽ dễ dàng hơn và bạn sẽ ít vướng phải rắc rối không đáng có.
Sau những sai lầm ở tuổi 20, tôi cảm thấy mình chính là người đặt ra "cái bẫy" tiền bạc và tự chui vào đó rồi mắc kẹt. Có lẽ nếu không tỉnh ngộ sớm hơn, tôi sẽ còn ở trong tình trạng tài chính không ổn định trong một thời gian dài nữa!
Nguồn: Business Insider