Sai lầm của Malaysia trong vượt bẫy thu nhập trung bình và bài học cho Việt Nam qua lời kể của cựu Thứ trưởng Malaysia

20/09/2019 13:00 PM | Xã hội

"Chúng tôi đã sai khi chỉ tập trung vào giáo dục đại học, lơ là đào tạo nghề", ông K.Yogeevaran, cựu Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hoá Malaysia nói. Ông nhìn nhận Việt Nam cũng đang gặp vấn đề này.

Sau một thời gian đạt tăng trưởng kinh tế cao từ thập niên 1970, Malaysia đã bước vào giai đoạn "vật lộn" để nâng cấp nền kinh tế từ thu nhập thấp lên thu nhập cao.

Nếu như Hàn Quốc, cùng xuất phát điểm với Malaysia (năm 1969) chỉ mất 26 năm để đưa nền kinh tế từ thu nhập thấp lên thu nhập cao (năm 1995), thì Malaysia lại mất nhiều thời gian hơn vậy, dù đã tăng trưởng nhanh trong quá khứ.

Cụ thể, ông K.Yogeevaran cho biết nước này đã mất 27 năm (từ 1969 – 1996) để từ nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và mất 18 năm để nâng cấp trở thành một nước có thu nhập cao (1996 – 2014).

Ông K.Yogeevaran nói rằng phải đến năm 2020, khoảng cách thu nhập của Malaysia so với ngưỡng tối thiểu của quốc gia thu nhập cao theo phân loại của World Bank là 8%.

Cựu Thứ trưởng cho biết Malaysia gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có thu nhập cao như tăng trưởng không đồng đều giữa các vùng, đầu tư vào công nghệ suy giảm, việc làm kỹ năng thấp và bất cân đối trên thị trường lao động, chi phí sống tăng lên…

"Dù Malaysia đã tiếp nhận nhiều FDI như Việt nam nhưng chủ yếu là đầu tư vào công nghệ thấp, vào công trình vật chất, thay vì máy móc thiết bị", ông nói.

Hay sự mất cân đối trên thị trường lao động cũng là vấn đề lớn. 48% lao động nước này có kỹ năng trong khi nhu cầu thị trường chỉ là 5%, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, vốn được đào tạo bài bản ở bậc đại học.

Ông thừa nhận nước này đã "sai" khi thúc đẩy đào tạo nhiều ở bậc đại học mà lơ là đào tạo nghề. "Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung hơn vào vấn đề đào tạo nghề", ông cho biết.

Chia sẻ đòn bẩy chính sách để trở thành quốc gia thu nhập cao với Việt Nam từ kinh nghiệm của Malaysia, ông K.Yogeevaran đưa ra 7 đầu mục.

Thứ nhất là tăng cường vốn về con người, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai là chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến.

Thứ ba là giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm.

Thứ tư là tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh.

Thứ năm là cải cách thể chế và quản trị nhà nước.

Thứ sáu là nâng cao năng suất.

Thứ bảy là đổi mới sáng tạo hướng đến thịnh vượng.

Ông K.Yogeevaran cũng nhấn mạnh tăng trưởng nhờ yếu tố đầu vào sẽ không bền vững trong dài hạn, thay vào đó, phải dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo. Việc sáng tạo cũng cần định hướng để tạo ra giá trị kinh tế. Nguồn vốn FDI được thu hút nhiều cũng cần được sử dụng, phân bổ hợp lý nhằm đem lại lợi ích tối đa.

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM