Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia: Malaysia và Việt Nam cần có những cái bắt tay để ngành công nghiệp dầu cọ tiến xa hơn
Việt Nam cần 1,5 triệu tấn dầu ăn và dầu cọ nhưng hiện chỉ sản xuất được hơn 500 ngàn tấn. Thị trường này còn rất tiềm năng để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư. Cơ hội là vô hạn đối với khu vực tư nhân ở cả Việt Nam và Malaysia để mở rộng mảng kinh doanh dầu ăn và dầu cọ.
Đó là chia sẻ của bà Teresa Kok, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội chợ và Hội thảo Thương mại Dầu cọ 2019 giữa Malaysia-Việt Nam (POTS) tại Tp.HCM mới đây. Triển lãm cũng là sự kiện tăng cường quan hệ đối tác và tìm kiếm các cơ hội giao thương giữa 2 quốc gia.
Theo thông tin đưa ra, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 453.260 tấn dầu cọ từ Malaysia và trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia được ghi nhận ở mức 242.700 tấn - tăng gần 23.200 tấn so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này do một số yếu tố, trong đó có giá cả cạnh tranh, sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế rất tốt trong nước.
Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để các NĐT nước ngoài vào đầu tư, đặc biệt ở lĩnh vực chế biến thực phẩm. Ảnh: P.N
Theo bà Teresa Kok, Việt Nam là điểm đến lớn thứ 8 đối với xuất khẩu dầu cọ của Malaysia, trị giá 8,24 tỷ USD trong năm 2018. Việt Nam phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và chất béo để bổ sung cho tiêu dùng nội địa, vì sản xuất trong nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 40% yêu cầu trong nước. Gần 1 triệu tấn dầu và chất béo đã được nhập khẩu vào năm 2018 để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tổng cộng có 880.000 tấn dầu và chất béo nhập khẩu là dầu cọ, trong đó 56% là từ Malaysia.
Nhận xét về thương mại song phương giữa Malaysia và Việt Nam, bà Teresa Kok cho biết, Việt Nam là một đối tác thương mại chiến lược và quan trọng đối với Malaysia. Thương mại đã phát triển từ các mặt hàng như gia vị, quần áo và thực phẩm, đến các mặt hàng hiện tại như hàng hóa đặc biệt là dầu cọ, dầu khí, hóa chất và hàng hóa thành phẩm, bà bổ sung thêm.
Bà Teresa Kok cũng kêu gọi các nhà đầu tư dầu và mỡ Malaysia và Việt Nam bắt tay vào một số sáng kiến hợp tác để tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại đối với mặt hàng này. Các bên liên quan đến dầu và mỡ cần làm việc cùng với nhau để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam. “Cơ hội là vô hạn đối với khu vực tư nhân ở cả Việt Nam và Malaysia, để định hình lại các phương thức kinh doanh - cho dù dưới hình thức hợp tác và liên doanh chiến lược hoặc tạo lập các kế hoạch mới để mở rộng mảng kinh doanh dầu ăn và dầu cọ”, nữ Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, xu hướng hợp tác để thay đổi thói quen của người Việt, từ dùng mỡ động vật sang dầu thực vật không chỉ là câu chuyện về thương mại mà còn là câu chuyện về sức khỏe
Cũng tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, so với thế giới thì Việt Nam cần nhiều nguồn cung cấp dầu, các doanh nghiệp Malaysia tiếp cận với thị trường Việt Nam cũng vì lý do trên. Việt Nam là thị trường đang cần nhiều lượng dầu thực vật, trong khi dầu cọ chi phí còn thấp được xem là tiềm năng cho các NĐT nước ngoài đến để đầu tư.
Lượng dầu thực vật mà người Việt Nam tiêu thụ là khoảng 15 kg/người/năm, trong khi thế giới lượng này là 22 kg/người/năm. Như vậy, số lượng tiêu thụ dầu của Việt Nam còn thấp hơn thế giới. Trong khi người Việt vẫn giữ thói quen dùng mỡ động vật để chế biến thực phẩm, theo nghiên cứu thì không tốt cho sức khỏe. Do đó, theo các chuyên gia, xu hướng hợp tác để thay đổi thói quen của người Việt, từ dùng mỡ động vật sang dầu thực vật không chỉ là câu chuyện về thương mại mà còn là câu chuyện về sức khỏe.
Thực tế, ngành dầu cọ ở Việt Nam đã được đầu tư ở một số thị trường phía bắc và Tp.HCM. Đã có một số doanh nghiệp mang dầu cọ vào thị trường Việt để đầu tư nhưng chưa rõ nét.
Theo bà Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia, mới đây đoàn Malaysia đã có buổi tiếp xúc với Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM để giới thiệu về thị trường dầu cọ và những đầu tư của Malaysia tại Việt Nam và Tp.HCM. Được biết, về phía Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm, cũng đã gửi lời mời và kêu gọi đầu tư từ các NĐT Malaysia trong lĩnh vực chế biến sản phẩm. Đồng thời bày tỏ có một trung tâm chế biến thực phẩm tại Tp.HCM và dự kién sẽ thăm quan Malaysia vào cuối năm nay để tìm hiểu thêm về thị trường công nghiệp Malaysia. “Tôi rất mong muốn ngành dầu cọ Malaysia hợp tác và đóng góp vào thị trường của chế biến thưc phẩm Việt Nam”, bà Teresa Kok nhấn mạnh.