Sa lầy vào bất động sản, May Phú Thịnh dừng may, rời HNX sau 10 năm lên sàn

25/12/2016 19:32 PM | Kinh doanh

Từ một doanh nghiệp ngành may mặc có mức cổ tức khá đều đặn nhưng vướng vào bất động sản, May Phú Thịnh rơi vào thua lỗ và chuẩn bị chia tay sàn chứng khoán.

CTCP May Phú Thịnh - Nhà Bè (HNX: NPS) vừa mới tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016. Nội dung chính được đưa ra lấy ý kiến cổ đông là để thông qua các quyết định ngừng hoạt động sản xuất may mặc và hủy niêm yết tự nguyện tại Sở GDCK Hà Nội.

Theo đó, cổ đông đã đồng ý thông qua quyết định dừng hoạt động sản xuất hàng may mặc tại xưởng may của CTCP May Phú Thịnh - Nhà Bè, dự kiến bắt đầu từ ngày 12/01/2017. Nguyên nhân theo ban quản trị NPS đưa ra là do nguồn hàng không ổn định, lao động khan hiếm và chi phí tăng cao dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh giảm.

Cổ đông NPS cuối cùng đã chấp nhận thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện gần 2,2 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX). Kết thúc hành trình 10 năm lên sàn chứng khoán của NPS.

Vướng bất động sản, bỏ luôn dệt may

Công ty Cổ phần May Phú Thịnh - Nhà Bè (HNX: NPS) tiền thân là Xí Nghiệp May 12 và 13 (Khu C) trực thuộc Công ty May Nhà Bè. Công ty chính thức chuyển đổi hình thức hoạt động thành Công ty Cổ phần từ tháng 01/2004. Tháng 12/2006, cổ phiếu của công ty chính thức niếm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. NPS là Công ty thành viên của Công ty cổ phần May Nhà Bè hoạt động chính là sản xuất, mua bán hàng may mặc; mua bán nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, linh kiện ngành dệt may.

Trong giai đoạn 2009 -2014, NPS là doanh nghiệp có tỷ lệ trả cổ tức khá đều, bình quân trên 15%/năm. Kể từ khi lên sàn, NPS chỉ 1 lần tăng vốn duy nhất từ 10,6 tỷ đồng lên 21,7 tỷ đồng năm 2009. Trong suốt thời gian đó, NPS hầu như không có sự đầu tư cho may mặc, thậm chí dành nguồn lực lớn cho bất động sản khiến cho hoạt động kinh doanh chính ngày càng sa sút.

Từ năm 2013, NPS đã có sự sụt giảm lợi nhuận khi giảm từ mức hơn 7 tỷ đồng năm trước đó xuống còn hơn 3 tỷ đồng năm 2013. Năm 2015 chứng khiến sự sụt giảm mạnh nhất khi cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh. Doanh thu giảm gần 30% trong năm 2015, chỉ đạt 42 tỷ đồng và lợi nhuận thì giảm sâu xuống còn 370 triệu đồng so với hơn 3,3 tỷ đồng năm 2014.

9 tháng đầu năm 2016, NPS báo doanh thu 26 tỷ đồng và khoảng hơn 700 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Thế nhưng, theo dự thảo của NPS trong đại hội, doanh thu thuần năm nay giảm 21,5% so với năm trước, chỉ đạt 33 tỷ đồng. Đồng thời, giá vốn hàng bán và các khoản chi phí khá cao nên lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 2 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2016, NPS còn hơn 1 tỷ đồng tiền mặt. NPS dường như đã có sự chuẩn bị cho quyết định ngưng hoạt động từ trước khi các khoản hàng tồn kho, phải thu đều đã giảm xuống mức thấp từ đầu năm 2015. Cho đến thời điểm 30/09/2016, tổng khoản phải thu và tồn kho chỉ còn khoảng 4 tỷ đồng.

Ngoài ra, tài sản cổ định của NPS cũng đã được khấu hao gần hết, còn 3 tỷ đồng trong giá trị 16 tỷ đồng giá trị ban đầu.

Tài sản lớn nhất của NPS hiện nay chính là dự án chung cư đang dở dang có giá trị 56 tỷ đồng, chiếm khoảng 77% tổng tài sản. Cũng trong cuộc họp này, cổ đông NPS cũng đã thông qua việc tìm đối tác chuyển nhượng dự án xây dựng chung cư cao tầng tại địa chỉ 13A Tống Văn Trân, quận 11, TPHCM.

Đây là dự án NPS hợp tác với CTCP Bất động sản Nhà Bè vào năm 2008 nhưng đến nay dự án này đã bị đình trệ do sự bất ổn của thị trường bất động sản và tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trạm trung chuyển rác chưa được xử lí.

Cổ đông NPS cũng đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ các khoản góp vốn này cho đơn vị khác. NPS hiện đang có gần 8 tỷ đồng góp vốn vào các công ty khác, trong đó có 5,7 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Bất động sản Nhà Bè.

Tổng nợ của NPS tính đến 30/09 là hơn 38 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản, trong đó có hơn 8 tỷ đồng vay ngắn hạn.

Theo Hoàng Trung

Cùng chuyên mục
XEM