Rút ngắn khoảng cách công nghệ nhờ... R&D

03/02/2017 09:08 AM | Kinh doanh

Tập đoàn Samsung - Hàn Quốc hồi tháng 1/2016 đã đầu tư 300 triệu USD cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D) tại Hà Nội. Đây được xem là trung tâm R&D độc lập với quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam, vẫn có nhiều điều phải bàn.

Năm 2016, tổ chức xếp hạng chỉ số đổi mới Bloomberg (Bloomberg Innovation Index) xếp hạng Hàn Quốc là đất nước có nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, vượt qua Đức, Thụy Điển, Nhật Bản và Thụy Sĩ. Các chỉ số đánh giá quốc gia sáng tạo theo sáu hạng mục, bao gồm R&D, công ty công nghệ cao, sản xuất, lực lượng nghiên cứu, sáng chế và giáo dục.

Với chiến lược đầu tư vào R&D bài bản, Hàn Quốc đã có những bước đột phá trong đổi mới công nghệ, yếu tố quan trọng để củng cố khả năng cạnh tranh xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ vừa qua. Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu tiêu dùng nội địa về các mặt hàng công nghệ cao mà còn phản ánh mục tiêu của Chính phủ Hàn Quốc là xây dựng nền kinh tế sáng tạo.

Việt Nam đã chi nhiều chục triệu USD để xây dựng những trung tâm nghiên cứu quốc gia, song hiệu quả không cao. Những sáng chế do các chương trình trọng điểm cấp nhà nước cung cấp hằng năm còn nghèo nàn, ít ỏi.

Nhìn vào 4 khu vực kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước xem như "không cần sáng tạo", hoạt động chủ yếu theo chức năng, nhiệm vụ, nên những đầu tư cho R&D ở khu vực này là không đáng kể.

Khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân cũng có rất ít sáng chế được ghi nhận, càng ít hơn nữa các sáng chế được ứng dụng và hầu như không có sáng chế được thương mại hóa. Khác với các nước, khu vực tư nhân là chủ lực để phát triển những ngành nghề có tính sáng tạo.

Cuối cùng là khu vực DN FDI, các trung tâm R&D được Bosch, HP, Intel, Samsung đầu tư, hầu hết theo nhu cầu của chính các tập đoàn này.

Ngay cả khi tập trung cao theo hướng nhập khẩu sáng chế và thiết bị công nghệ hiện đại, cũng phải mất hai thập kỷ để hiện thực hóa khoa học - công nghệ nước ngoài thành nội lực, thành hệ thống sáng tạo của nước ta, cũng như rút ngắn khoảng cách về khoa học - công nghệ với các nước phát triển.

Một điểm nữa, Việt Nam đang thiếu ý tưởng phát triển. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song chủ yếu là do thiếu các thể chế cần thiết để du nhập, lựa chọn và thực thi.

Trong những thể chế đó, yếu hơn cả là thể chế cho phép thử nghiệm sáng chế, lấy kết quả thực tế để triển khai rộng rãi. Những ý tưởng về phát triển kinh tế thị trường hiện đại mà nhân loại đã tích lũy đến nay còn rất nhiều, nhưng nước ta chỉ mới áp dụng một phần nhỏ, trong đó các ý tưởng về kinh doanh, quy hoạch cũng chưa tiếp cận được bao nhiêu.

R&D không chỉ là những báo cáo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, mà còn có các nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm của nghiên cứu ứng dụng là bằng sáng chế. Đây là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào nhưng khả năng sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay hoặc là kém, hoặc không được phép áp dụng.

Ông Nguyễn Đăng Lương ở quận 7, TP.HCM có hai bằng sáng chế về tàu lặn, một do Việt Nam cấp và một do Mỹ cấp, nhưng vẫn lo không biết ai, tổ chức nào sẽ sử dụng sáng chế của mình.

R&D là một vấn đề hết sức khó đối với các DN Việt Nam. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công cho R&D là tính khả thi bởi các công nghệ được lựa chọn phải có khả năng thương mại hóa cao và có nhà đầu tư.

Bên cạnh yếu tố thị trường, cần chú trọng đến những nghiên cứu dài hạn với những kết quả có tác động mạnh đến sự phát triển của cả một lĩnh vực công nghệ. Muốn làm R&D, DN phải có năng lực tài chính lớn và nguồn nhân lực có trình độ cao, cả hai yếu tố này hầu hết DN Việt Nam chưa đạt được.

Thực trạng này cảnh báo một sự trì trệ, nhất là khi nước ta chưa có cơ chế nhập khẩu bằng sáng chế, chỉ nhập khẩu máy móc, thiết bị, nên khó có bứt phá về phát triển kinh tế. Bằng chứng là hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) giai đoạn 2011-2015 đạt 6,91, giảm so với giai đoạn 2006-2010 là 6,96, nhưng vẫn là mức cao so với các nước trong khu vực.

Lịch sử thế giới ghi nhận hai con đường phát triển khoa học - công nghệ. Theo tuần tự, các quốc gia phải đầu tư rất lớn cho nghiên cứu cơ bản, sáng chế, ứng dụng và thương mại hóa. Cùng với đó, một thể chế tự do cho những tìm tòi, sáng tạo là yếu tố không thể thiếu để có thể tạo được bứt phá. Thành công chỉ đến với những nước có sự vượt trội về sáng tạo, như Anh, Pháp, Đức, Mỹ chẳng hạn.

Khôn ngoan hơn, các nước đi sau chọn con đường nhập khẩu sáng chế, tiến hành nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng và thương mại hóa. Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã chọn con đường này và đã thành công với khoảng thời gian được rút ngắn. Không nên hiểu nhập khẩu đơn giản là đi mua, vì mua sáng chế mới không dễ, mà có nhiều cách, chẳng hạn thông qua các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường nội địa.

Phát triển kinh tế, Việt Nam chắc chắn phải đi theo con đường thứ hai. Đáng tiếc, trong chiến lược và chính sách phát triển khoa học - công nghệ của nước ta, định hướng này tuy đã được đề cập nhưng chưa được xem là chủ đạo để phát triển kinh tế đất nước. Trong danh mục nhập khẩu, mục nhập khẩu bằng sáng chế rất hạn chế, chủ yếu là mục nhập khẩu máy móc, thiết bị, chiếm tới 20 - 30% tổng kim ngạch nhập khẩu, thậm chí vẫn dành chỗ cho nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Trong bối cảnh thị trường thế giới chưa khởi sắc, Trung Quốc đang thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất có giá trị thấp, cần nhiều lao động sang lĩnh vực sản xuất có giá trị cao. Việt Nam cần nghiên cứu để ban hành thể chế mới khuyến khích nhập khẩu bằng sáng chế và có chính sách ưu tiên các dự án đầu tư có R&D theo hướng miễn thuế, hỗ trợ tín dụng, mặt bằng.

Việt Nam có thể học Thái Lan, họ không chỉ thu hút đầu tư theo lĩnh vực, mà còn có các hình thức thưởng thêm cho những công trình có đầu tư R&D. Ví dụ, công trình có đầu tư ít nhất 1% doanh thu cho R&D sẽ được miễn thuế thêm một năm.

Nhà nước cũng cần đầu tư một số trung tâm nghiên cứu ứng dụng các sáng chế nhập khẩu, cho áp dụng và thương mại hóa. Cạnh đó, khuyến khích các tập đoàn nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và chủ động nhập khẩu sáng chế để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam cũng cần có chính sách trọng dụng nhân tài khoa học - công nghệ trong và ngoài nước, bởi chỉ khi có chính sách đãi ngộ hợp lý mới thu hút được lực lượng cốt lõi tham gia xây dựng và vận hành các trung tâm R&D.

Theo PGS-TS. VÕ ĐẠI LƯỢC

Cùng chuyên mục
XEM