8 mẹo công nghệ cho người du lịch Tết ở nước ngoài
Đừng bỏ qua những mẹo này nếu bạn muốn có một chuyến du lịch Tết vui vẻ và trọn vẹn.
Tắt chế độ xác thực hai yếu tố
Xác thực hai yếu tố là tốt nhưng nó khá bất tiện khi bạn đi du lịch. Khi sử dụng xác thực hai yếu tố, mỗi lần bạn đăng nhập vào Gmail hay Facebook, các dịch vụ này sẽ yêu cầu bạn nhập một mã xác thực gửi tới bằng tin nhắn điện thoại, thế nhưng bạn có thể đã tháo SIM chính ra và dùng một SIM khác khi du lịch nước ngoài. Vậy là xong, bạn sẽ không thể nhận mã xác thực, càng không thể đăng nhập vào tài khoản.
Nếu bạn vẫn muốn dùng xác thực hai yếu tố, hãy thiết lập một tài khoản phụ để nhận mã xác thực thay vì nhận qua tin nhắn điện thoại.
Hiểu vấn đề của iMesssages
Nếu bạn là một người sử dụng iPhone, iMessage là một ứng dụng tuyệt vời… cho đến khi bạn nhớ ra rằng mình đang dùng một số điện thoại khác. Từ đó, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Đừng quên, iMesssage dựa trên dữ liệu, không phải SMS, thế nên nếu bạn kết nối qua internet (Wi-Fi hay dữ liệu di động), đổi SIM khi đi ra nước ngoài và gửi iMessage tới những người khác, người đó sẽ nhận được tin nhắn iMessage từ một số điện thoại lạ chứ không phải là tài khoản tên bạn như khi nhắn tin bằng các ứng dụng nhắn tin OTT tương tự.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể giúp người thân nhận ra tin nhắn iMessage của bạn bằng cách chọn gửi và nhận bằng địa chỉ email. Cụ thể là vào phần Settings > Messages > Send & Receive, chọn địa chỉ email trên cả hai phần “can be reached” và “start new conversations from”).
Sử dụng ứng dụng nhắn tin của bên thứ 3
Nhắn SMS quốc tế là một điều cực kỳ lãng phí. Thứ nhất là cước rất đắt, thứ hai là bạn sẽ nhắn cho người kia bằng một số lạ hoắc. Cách tốt hơn là sử dụng các ứng dụng nhắn tin của bên thứ 3.
Bạn có thể dùng Facebook Messenger, không bị ràng buộc bằng số điện thoại của bạn, dù đi đâu thì cách dùng vẫn không thay đổi. Hơn thế, bạn còn gọi được video. Bạn chỉ cần có 2 điều kiện: internet và tài khoản Facebook.
Ngoài ra, bạn có thể chuyển sang dùng Textnow hoặc WhatsApp. Textnow là một ứng dụng khá tốt bởi nó vẫn giữ nguyên số điện thoại của bạn dù bạn dùng SIM nào và bạn còn có thể gửi tin nhắn cho những người không dùng Textnow.
Cài Google Translate
Để giao tiếp với người nước ngoài mà bạn không thạo tiếng, bạn làm thế nào? Dùng ngôn ngữ, dùng cử chỉ? Nhưng vẫn có những thứ bạn không thể dùng cử chỉ hay vốn tiếng ít ỏi của mình để giải thích cho người bản xứ hiểu. Chính vì thế Google Translate là lựa chọn tuyệt vời nhất. Đôi khi Google Translate đưa ra những bản dịch khá ngớ ngẩn nhưng miễn là bạn lựa chọn cấu trúc đơn giản, hầu như mọi thứ đều có thể dịch đủ hiểu.
Để tiết kiệm thời gian và dữ liệu mạng, tốt nhất bạn nên tải trước về ngôn ngữ mà mình sẽ sử dụng. Chọn biểu tượng Settings > Offline translation > nút dấu trừ ở góc trái trên cùng sau đó chọn ngôn ngữ mình muốn tải về.
Đem theo một bộ sạc dự phòng
Khi đi ra nước ngoài hẳn ai cũng nhắc bạn rằng cần phải đem theo ổ cắm đa năng. Thế nhưng rất có thể một người thân khác trong gia đình lại đang cần sử dụng chiếc ổ cắm đó cho một mục đích khác. Thế nên, cách tốt hơn là hãy mang theo một cục sạc dự phòng. Với cục sạc này, bạn không chỉ sạc được điện thoại mà còn cả máy tính bảng, tai nghe và loa Bluetooth.
Mang theo loa
Một bộ loa không dây nhỏ gọn thực sự là thứ bạn sẽ không hối hận khi mang theo. Có rất nhiều sản phẩm trên thị trường bạn có thể lựa chọn, gồm nhiều mức giá và pin khá bền bỉ. Với một chiếc loa không dây, cuộc vui của bạn sẽ tưng bừng hơn bao giờ hết.
Tải sẵn phim và bài hát mình thích
Bạn đừng quá tin tưởng vào Wi-Fi của khách sạn. Vì thế hãy chuẩn bị tinh thần để không cần dùng mạng nghe nhạc hoặc xem phim. Hãy tải về những bài hát và bộ phim mình dự định xem và tận hưởng thời gian xem phim offline tiện lợi, không giật lag, không quảng cáo.
Mách nhỏ: Sở hữu một chiếc SIM KnowRoaming
Mọi người thường nói rằng khi đi ra nước ngoài, bạn chỉ cần mua một chiếc SIM và chuyển sang dùng mạng của quốc gia đó. Thế nhưng thời thế đã thay đổi, lời khuyên này cũng chẳng còn chính xác. Bạn có thể dễ dàng tìm được một hàng bán SIM điện thoại ở ngay sân bay nhưng bạn có thực sự muốn đổi số, rào cản ngôn ngữ của chiếc SIM có làm bạn nản lòng?
Lời khuyên dành cho bạn là đây: Hãy mua SIM trước. Giá phải trả có thể sẽ đắt hơn nhưng bạn có thể roaming ngay lập tức khi máy bay hạ cánh. Nếu có điều kiện hãy sắm cho mình một chiếc SIM KnowRoaming. Loại SIM này có thể thay thế hoàn toàn SIM bạn đang dùng hoặc giống như một miếng sticker dán vào SIM sẵn có của bạn. KnowRoaming hỗ trợ 55 quốc gia, tiếc là chưa có Việt Nam nhưng trong đó có nhiều nước châu Á như Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Israel, Kazakhstan, ngoài ra còn có Úc và New Zealand…
Giá nhắn tin và gọi bằng KnowRoaming khá rẻ, bạn có thể mua một gói không giới hạn dung lượng sử dụng với giá 7,99 USD/ngày. Đương nhiên là giá sử dụng internet ở một vài quốc gia có thể rẻ hơn so với con số này nhưng 8 USD là cái giá hợp lý cho sự tiện nghi.