11 công nghệ có thể biến mất vào năm 2025
Đến năm 2025, nhiều công nghệ sẽ biến mất khỏi đời sống của chúng ta.
Thế giới công nghệ luôn thay đổi, biến chuyển hàng ngày. Nhiều công nghệ sẽ trở nên lạc hậu và nhanh chóng được thay thế. Thế giới năm 2025 chắc chắn sẽ rất khác thời điểm hiện tại. Và người ta dự đoán những công nghệ dưới đây sẽ biến mất vào năm 2025.
1. TV LCD
Cách đây chưa đầy một thập kỷ, những chiếc TV màn hình tinh thể lỏng (LCD) đã tạo ra một cơn sốt trên thị trường với thiết kế mỏng và tiết kiệm năng lượng hơn rất nhiều lần so với màn hình CRT. Kể từ đó, những chiếc TV LCD liên tục được cải tiến để ngày một mỏng hơn, sáng hơn, giá rẻ hơn. Nhưng không có gì là bất biến, những tên tuổi lớn của làng TV như LG đã chuẩn bị sẵn một công nghệ thay thế LCD: TV dùng công nghệ diode phát sáng hữu cơ (OLED).
Bởi vì OLED phát ra ánh sáng của riêng mình và không cần đèn nền nên loại màn hình này sử dụng năng lượng hiệu quả và cho chất lượng hình ảnh vượt trội so với LCD. Một ưu điểm khác của màn hình OLED là nó có thể được chế tạo rất mỏng, linh hoạt, thậm chí có thể cuộn lại. Tại CES 2017 vừa qua, LG đã trình làng dòng TV OLED W Series mới chỉ dày 0,25cm (có thể gắn lên tường bằng nam châm) và sẽ sớm có mặt trên thị trường vào cuối năm nay.
2. Bóng đèn LED
Mặc dù giá cả bóng đèn LED truyền thống đã trở nên phải chăng hơn, có nhiều ưu điểm hơn so với đèn huỳnh quang nhưng các chuyên gia công nghệ dự đoán công nghệ OLED sẽ được sử dụng cho ngành công nghiệp chiếu sáng trong tương lai. Ngoài yếu tố hình thức như mỏng, cong, đèn OLED còn có ưu thế về tiết kiệm điện năng so với các loại đèn truyền thống.
Trên thực tế, tiềm năng của đèn OLED đã được chú ý bởi các công ty như Philips và Osram từ năm 2014. Tuy nhiên, các hãng cần có một thời gian nữa để làm cho loại để này trở nên rẻ hơn, đủ sức thay thế đèn huỳnh quang và đèn LED hiện tại.
3. Thiết bị lưu trữ vật lý
Các thiết bị lưu trữ như đĩa CD, VCD đã nhanh chóng nhường chỗ cho ổ nhớ USB hay ổ cứng gắn ngoài dung lượng lớn, tốc độ cao. Tuy nhiên, tương lai thuộc về các dịch vụ lưu trữ đám mây và các thiết bị lưu trữ vật lý có thể biến mất trong vài năm tới.
Tại sao không? Chúng ta đang kết nối Wi-Fi tại nhà hoặc LTE trên điện thoại, tốc độ internet ngày càng tăng dẫn đến việc truyền tải các tập tin có dung lượng lớn ngày càng dễ dàng hơn. Các công ty như Box, Amazon và Google đã cung cấp các dịch vụ lưu trữ dựa trên đám mây hấp dẫn, giá cả phải chăng (hoặc miễn phí) làm cho chúng ta có thể dễ dàng tải lên và truy cập các tập tin bất cứ nơi nào có kết nối.
4. Máy chơi game console
Thật khó hình dung một thế giới không có các thiết bị chơi game cầm tay như Xbox One hay PlayStation 4. Tuy nhiên, nếu như những công ty như NVIDIA trình làng các công nghệ chơi game dựa trên đám mây, những chiếc máy chơi game cầm tay có thể sớm trở thành quá khứ.
NVIDIA vừa tung ra GeForce Now - một dịch vụ stream game hay chơi game từ xa cho phép người chơi trải nghiệm hơn 100 ở tốc độ 60 khung hình giây và độ phân giải 1080p. Đặc biệt, độ trễ khi chơi game cực thấp và điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào cấu hình phần cứng chiếc PC của bạn. Các hoạt động xử lý đồ họa game đều được thực hiện trên các máy chủ của Nvidia với GPU Pascal và CPU Tegra. Điều này cho phép Nvidia đưa những công nghệ chơi game mới đến nhất game thủ mà không cần họ trang bị các phần cứng mới để hỗ trợ.
5. Kính chiếu hậu ô tô
Tất nhiên, gương chiếu hậu ít khi được xem là một sản phẩm công nghệ cao, trừ khi nó trang bị những tính năng đặc biệt như công nghệ làm mờ của Gentex. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển của công nghệ, trong thời gian tới kính chiếu hậu có thể sẽ được chuyển sang màn hình hiển thị trong ô tô.
Bên cạnh đó, đạo luật mới của Mỹ yêu cầu các xe phải lắp camera kể từ tháng 5 năm 2018 cùng với sự phổ biến ngày càng nhiều của xe tự lái khiến kính chiếu hậu trở nên thừa thải và không còn cần thiết nữa.
6. Sạc có dây
Samsung đã tích hợp công nghệ sạc không dây cảm ứng vào các thế hệ smartphone gần đây – bạn chỉ cần đặt điện thoại lên tấm sạc và chờ nó làm đầy pin mà không cần phải cắm dây bất tiện như trước đây. Những tin đồn gần đây cũng cho thấy thế hệ iPhone tiếp theo sẽ được trang bị công nghệ sạc không dây. Công nghệ này sẽ trở nên phổ biến trong vài năm tới.
Nhìn xa hơn nữa, người ta còn có thể sử dụng sóng Wi-Fi để sạc pin cho thiết bị mà không cần bất cứ tiếp xúc vật lý nào.
7. Điều khiển từ xa
Điều khiển từ xa là một phụ kiện không thể thiếu của hệ thống giải trí trong phòng khách. Tuy nhiên, sự ra đời của các thiết bị có thể điều khiển bằng giọng nói có thể khiến mọi thứ thay đổi.
Ví dụ, bạn có thể ra lệnh bằng giọng nói cho Amazon Echo, Google Home, cảm biến Kinect điều chỉnh âm thanh, chuyển kênh TV, tìm nội dung, mở ứng dụng, tắt máy …. Tất nhiên, một khi không cần chạm tay vào chiếc điều khiển từ xa nữa thì việc phụ kiện này trở thành lịch sử cũng là điều dễ hiểu.
8. Thẻ tín dụng
Theo Bloomberg, hơn 80% chi tiêu của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ không còn thực hiện bằng tiền mặt. Nhờ vào các dịch vụ như PayPal và Apple Pay, người mua hàng có thể hoàn thành giao dịch mà không cần tiền mặt, thậm chí không cần thẻ tín dụng. Nhiều quốc gia như Ấn Độ cũng đang chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt. Cùng với sự phát triển của smartphone với khả hỗ trợ thanh toán bằng các dịch vụ thanh toán di động, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ không còn cần đem theo thẻ tín dụng trong ví của mình nữa.
9. Mật khẩu
Công bằng mà nói, mật khẩu không hẳn là một sản phẩm công nghệ cao nhưng hiện tại nó vẫn là tính năng không thể thiếu của nhiều thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chuỗi mật khẩu khó nhằng đang dần được thay thế bằng công nghệ bảo mật sinh trắc học như quét vân tay, mống mắt.
Ví dụ, cảm biến vân tay trên iPhone giúp bạn mở khóa điện thoại, xác thực cho các giao dịch. Về lâu dài, công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ trở nên chính xác hơn và sẽ cùng với quét vây tay, mống mắt thay thế dần mật khẩu trên các thiết bị và dịch vụ.
10. Các thiết bị truyền tải nội dung kỹ thuật số
Chromecast, Roku, Fire TV và Apple TV ngày càng trở nên phổ biến vì giá rẻ, dễ dùng và có thể khiến chiếc TV của bạn trở nên “thông minh” hơn. Tuy nhiên, khi mà smart TV trở nên phổ biến hơn, các thiết bị trên sẽ không còn cần thiết nữa. Theo thống kê của HIS, hơn một nửa TV bán ra thị trường trong năm ngoái là TV thông minh và dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
11. Máy hút bụi truyền thống
Máy hút bụi truyền thống sẽ tiếp tục mất thị phần vào tay những robot hút bụi. Năm 2014, Colin Angle - giám đốc điều hành iRobot nói rằng robot hút bụi chiếm khoảng 15% trong tổng doanh số máy hút bụi bán ra.
Theo thống kê thì trong quý mới đây, lợi nhuận từ mảng robot gia dụng của hãng này đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 168 triệu USD với các sản phẩm chủ lực là robot quét sàn hút bụi Roomba và Braava. Trong tương lai, với lợi ích thiết thực của mình, robot hút bụi sẽ dần thay thế những chiếc máy hút bụi truyền thống.
Tham khảo: Time