Rủ nhau đi xem đất thời 100.000 đồng/m2, nay giá tăng 200 lần: Người có chục mảnh vườn thả gà nuôi cá, người chê đắt vẫn "tay trắng"

11/04/2025 15:49 PM | Bất động sản

Sau nhiều năm, anh D.N (Hà Nội) đã có được chục mảnh vườn thả gà, trồng rau, nuôi cá. Còn người bạn cùng đi xem đất với anh nhưng luôn chê đắt thì giờ không thể mua nổi.

Chia sẻ câu chuyện liên tiếp nhiều năm cùng người bạn thân đi xem đất ở vùng ven Hà Nội, anh D.N cho biết, năm 2016, anh rủ bạn lên Hòa Lạc mua đất, vì thấy trong tương lai khu này sẽ đẹp, đi lại đủ gần, lại đủ xa khỏi ô nhiễm. Lúc đó giá đất chỉ quanh ngưỡng 100.000 đến 500.000 đồng/m2 tùy vị trí, bao gồm đất trồng cây lâu năm và có khoảng 300-400m2 đất thổ cư.

Người bạn đi cùng anh D.N chê giá đắt đỏ, đất đai toàn đá sỏi, trồng cỏ còn không lên, vậy thu hồi kiểu gì. Thế nhưng, anh D.N nhận thấy tiềm năng và vẫn quyết định xuống tiền mua lúc đó.

Năm 2019, giá khu đất này lên gấp 4 lần. Mảnh đất anh mua 500.000 đồng/m2 đã lên 2 triệu đồng/m2. "Cậu bạn thỉnh thoảng vẫn lên xem và kết luận chỉ có ngu mới mua giá 2 triệu đồng", anh D.N kể lại.

Đến tháng 2 và tháng 3/2021, "sốt đất" diện rộng diễn ra từ Bắc vào Nam. Đây được coi là "cơn sốt" lớn nhất năm khi tại hàng loạt khu vực, giá đất tăng chóng mặt. Lúc này, mảnh vườn có hồ nước của nhà anh D.N cũng tăng lên 10 triệu đồng/m2, còn nơi không có hồ cũng lên 3 triệu đồng/m2. Cậu bạn vẫn chê đắt và chê trách người mua ngáo giá.

Hơn 2 năm sau, tức vào năm 2023, mảnh vườn nhà anh D.N tăng lên 20 triệu đồng/m2, còn đất trong làng khoảng 5-6 triệu đồng/m2. Tất nhiên là mức giá này vẫn quá đắt so với tư duy của người bạn.

Anh D.N cho biết bây giờ người bạn vẫn tích cực đi xem đất. "Mấy hôm nay thấy xe cộ ùn ùn lên xem đất cậu cũng sốt ruột vì mơ ước có quả đồi chưa thành. Nhưng với kiểu ô tô nối đuôi thế này, giá cứ tăng từng ngày, cậu bạn tôi lại chê đắt mà thôi!", anh D.N chia sẻ.

Tổng kết lại sau mấy năm, anh D.N đã có được chục mảnh vườn thả gà, trồng rau, nuôi cá. Còn người bạn của anh vẫn miệt mài hàng tuần lái xe đi xem đất. Chia sẻ quan điểm khi mua đất, anh D.N cho biết, anh không đầu tư để chờ giá tăng rồi bán mà chỉ mua để tạo thêm nguồn thức ăn, thực phẩm sạch sẽ, đảm bảo cho sức khỏe gia đình.

Cùng quan điểm với anh D.N, chị Nguyễn Ngọc bày tỏ may mắn khi mua được mảnh vườn tại Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) vào năm 2019. Chị Ngọc cho hay thời điểm đó đất mua theo lô, tính ra cũng chỉ vài trăm nghìn mỗi m2, giờ giá đã lên 5 triệu đồng/m2.

"Để tìm được mảnh vườn có vài trăm m2 đất ở, có hồ, view đồi giờ cũng khó kiếm. Tôi thấy may mắn khi mua được khu vườn này nên giá có lên nữa cũng không quan tâm vì xác định mua để sử dụng và mình được hưởng thụ không khí trong lành", chị Ngọc nói.

Rủ nhau đi xem đất thời 100.000 đồng/m2, nay giá tăng 200 lần: Người có chục mảnh vườn thả gà nuôi cá, người chê đắt vẫn

Thị trường bất động sản vùng ven được săn đón. Sự tích cực chỉ mang tính chất cục bộ.

Theo quan sát, kể từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội như Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Hòa Lạc (Hà Nội) hay Lương Sơn, Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình (Hòa Bình), Hưng Yên… đều xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực. Mặt bằng giá rao bán có dấu hiệu tăng lên, lượng người quan tâm cũng tăng so với cuối năm 2024.

Báo cáo từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2025, giá rao bán đất nền vùng ven Hà Nội tăng từ 30% đến 80% tùy khu vực, chẳng hạn như Quốc Oai đã ghi nhận mức tăng 74%.

Đất nền tại huyện Thạch Thất hiện tăng khoảng 10% so với tháng 7 và tháng 8/2024. Tại Hòa Lạc, khu vực các xã Yên Bài, Vân Hòa, Yên Bình, Sơn Tây, Đồng Mô, Tiến Xuân đang thu hút đông lượng khách xem. Lý do là hiệu ứng lan tỏa từ việc công bố các chính sách của Chính phủ về phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, gần đây một số nhà đầu tư đã bắt đầu hành trình đi mua gom đất nền tại khu vực ven đô, khiến giá đất có xu hướng đi lên.

Tuy nhiên, theo ông Chung, hiện nay sự tích cực mới chỉ mang tính cục bộ, diễn ra ở thị trường đất nền ngoại thành Hà Nội. Phải đến quý 2 thị trường mới có thể thấy rõ hơn diễn biến. Đầu tư đất nền thời điểm này cần xác định thu hồi vốn trung hạn ít nhất từ 1-3 năm, thay vì có thể "lướt sóng".

Ông nhìn nhận hiện nay giá đất nền vùng ven Hà Nội cũng đã cao, rủi ro có thể xảy ra. Do đó, nếu muốn đầu tư đất nền lúc này, nhà đầu tư nên tìm tới những khu vực, địa phương có hạ tầng đồng bộ, kinh tế phát triển tốt nhưng giá đất chưa tăng quá nhiều thời gian qua.

Cùng với đó, nhà đầu tư không nên mua gom, mua số lượng lớn mà nên lựa chọn dự án có tính pháp lý, sản phẩm có giá hời hoặc địa điểm có đủ tiện ích, ông Chung khuyến cáo.

Theo Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Làm phẳng cấu trúc: Bên trong chiến lược khiến 8.000 nhân viên Microsoft mất việc chỉ trong 5 tháng, nhiều big tech khác cũng đang áp dụng

Xu hướng của các Big Tech hiện nay như Amazon, Google và Microsoft là giảm bớt các vai trò quản lý cấp trung để tập trung nguồn lực cho kỹ sư và các cá nhân đóng góp chính.

Vietnam Airlines triệu tập gấp ĐHĐCĐ, bàn 2 chuyện cực kỳ quan trọng

Vietnam Airlines triệu tập đại hội cổ đông bất thường ngày 15/5 để trình kế hoạch tăng vốn điều lệ và dự án trị giá gần 93.000 tỷ đồng.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội ngàn năm hay thách thức thế kỷ?

"Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội ngàn năm có một, nhưng nếu không sẵn sàng, nó cũng có thể là thách thức thế kỷ đối với ngành xây dựng Việt Nam nói chung và nhà thầu trong nước nói riêng" - ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho hay.

Chính thức: VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đăng ký đầu tư dự án đường sắt Bắc - Nam

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và sẽ chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD).