Quyết toán ngân sách Nhà nước 2015 chuẩn bị trình Quốc hội: Bội chi hơn 260.000 tỷ đồng, chiếm 6,28% GDP

19/05/2017 16:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo thông lệ tại Việt Nam, báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước của một năm sẽ được công bố tại thời điểm 2 năm sau đó.

Trong thời điểm Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sắp sửa cận kề, báo cáo quyết toán và sau đó là kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho tình hình ngân sách của năm ở thời điểm 2 năm trước – năm 2015 đã được chính thức công bố.

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều đã nhất trí rằng quyết toán này đã đủ điều kiện để mang trình ra Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Cụ thể, về kết quả kiểm toán báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã cơ bản nhất trí với báo cáo quyết toán của Chính phủ đưa ra trước đây. Những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp thu, xử lý.

Trên cơ sở đó, con số thu chi của ngân sách năm 2015 sẽ được trình lên cho Quốc hội phê chuẩn bao gồm có số thu, chi và bội chi ngân sách Nhà nước. Các con số này bao gồm có:

- Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 đạt là 1.291.342 tỷ đồng (đã bao gồm cả nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước);

- Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016);

Như vậy, toán toán ra, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 đạt 263.135 tỷ đồng, tương đương với 6,28% GDP của năm cùng kỳ. Đây là con số chưa bao gồm con số kết dư ngân sách địa phương là 52.288 tỷ đồng.

Nhìn cả về nền tài khóa năm 2015 thì báo cáo nêu rõ rằng thấy tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 2015 đạt 87.117 tỷ đồng, đã tăng 9,6% so với dự toán. Hầu hết các khoản thu này đều đạt hoặc vượt dự toán được giao. Cơ cấu thu có cũng sự điều chỉnh theo hướng ngày càng ổn định, vững chắc.

Ở bên phía ‘tiền đi ra’ thì chi ngân sách Nhà nước đã ngày càng được quản lý chặt chẽ, bám sát dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thiết lập. Các khoản chi này đã bảo đảm được việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...

Về tình hình kinh tế năm 2015, báo cáo viết: “Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch; mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,68% cao nhất trong 08 năm qua (kế hoạch tăng 6,2%), kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (năm 2015 được đánh giá là năm có mức lạm phát thấp nhất trong 14 năm trở lại đây)”.

Cũng trong phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra vừa qua, bên cạnh các con số thu, chi, bội chi ngân sách, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Kiểm toán nhà nước để xem xét, thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau giữa các bên về báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015.

Đó là các vấn đề liên quan đến khoản hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, số tiền 30.000 tỉ đồng vốn ODA phân bổ chưa kịp thời hay về các khoản thu sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước với số tiền gần 3.600 tỉ đồng còn chưa được thống nhất giữa Kiểm toán nhà nước với Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Đặc biệt, báo cáo quyết toán chỉ ra một con số đáng chú ý về nền tài khóa nước nhà ở thời điểm 2 năm trước là về nợ công, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia tuy vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP và nợ công cũng đã chạm đến mức 61,8% GDP.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM