Quyết cạnh tranh với Agoda, Booking, startup này tuyên bố sẽ 'nướng' 27 tỷ đồng của nhà đầu tư trong năm đầu, Shark Phú vẫn quyết đầu tư nếu…
Mang giấc mơ sẽ là VietJet trong mảng phân phối phòng khách sạn trực tuyến, Atadi muốn gọi vốn đầu tư 27 tỷ đồng cho 10% cổ phần, và sẽ “nướng” sạch khoản đầu tư này trong năm đầu tiên theo kế hoạch tài chính. Shark duy nhất đồng ý xuống tiền là ông Nguyễn Xuân Phú…
Công ty Atadi tạm gọi là thành công khi là công ty số 1 về mảng bán lẻ vé máy bay nội địa, theo lời của Cofounder kiêm CEO Nguyễn Văn Phong. Công ty do anh Phong và một Cofounder nữa là anh Phạm Thanh Tùng, một Thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ thông tin.
Đến với Shark Tank, anh Phong muốn kêu gọi 27 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần, hoặc 62 tỷ đồng cho 30% cho một mảng mới hoàn toàn – một nền tảng phân phối phòng khách sạn trực tuyến, đối đầu với các ông lớn Agoda, Booking.com, Traveloka, Expedia...
Định giá Startup 180 tỷ đồng, đặt mục tiêu trở thành VietJet trong mảng phân phối phòng khách sạn
Mảng bán vé của công ty vận hành từ 4 năm trước. Sau khi lỗ trong 2 năm đầu, đến năm 2017, doanh thu 8 tỷ đồng, thu đã đủ bù chi. Dự kiến năm 2018, doanh thu cho riêng mảng bán vé sẽ ở mức 16 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận 30%.
Tự tin vì đã thành công với mảng bán vé, anh Phong vạch ra kế hoạch tài chính cho mảng đặt phòng tương tự - lỗ tới 3 năm đầu, riêng năm đầu tiên sẽ tốn toàn bộ số tiền nếu huy động được lần này, tức 27 tỷ đồng.
Với kế hoạch “nướng” tiền liên tục trong 3 năm, dự kiến Atadi sẽ chiếm được 32% thị phần trong mảng phân phối phòng khách sạn trực tuyến.
“Họ (Agoda, Booking.com… - PV) đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực và tài lực để đánh chiếm phân khúc bình dân. Nhưng qua khảo sát của chúng tôi, chỉ chưa tới 8% lượng phòng khách sạn bình dân này được phân phối qua các website online kể trên”, anh Phong thuyết trình trong Shark Tank Việt Nam tập 5.
Hiện công suất phòng của phân khúc bình dân chỉ ở mức 38%, 92% số đó đặt phòng qua TA (Văn phòng du lịch) và TO (Du lịch trực tuyến). Trong khi khách hàng bình dân luôn đặt giá là ưu tiên số 1 khi lựa chọn, thì công nghệ sử dụng khi phân phối phòng của các hãng hiện nay đa phần thủ công, dẫn tới chi phí cao và không minh bạch.
Anh Phong viện dẫn case study của VietjetAir. Khi VietJet ra đời cách đây 5 năm, có lẽ chỉ có các Sharks đi máy bay, nhưng giờ đến bà bán rau cũng đi được máy bay. Dung lượng thị trường đã tăng từ 12 triệu hành khách lên tới 28 triệu hành khách.
“Phòng khách sạn 3 sao “cùi bắp” hiện nay có giá 600.000 đồng/phòng/đêm, trong khi phòng 4 sao đẹp long lanh phục vụ khách quốc tế chỉ 800.000 đồng/phòng/đêm. Cái giá đó chúng ta phải kéo nó về với giá hợp lý để làm sao nó chỉ ở mức 300.000 đồng/phòng/đêm”.
“Tôi là người có thể thay đổi cuộc chơi đấy bằng công nghệ phân phối mới, đơn thuần là ăn cắp mô hình hàng không giá rẻ vào phân khúc thị trường này. Trong vòng 1 năm nữa, anh sẽ thấy rất nhiều các đại lý offline sẽ phải phá sản”, anh Phong nhấn mạnh.
Shark Nguyễn Xuân Phú: Tôi sẽ đầu tư cho anh 27 tỷ đồng, nhưng…
Shark Thái Văn Linh – Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital – chia sẻ 2 năm trước, anh Phong đã đến gặp chị kêu gọi đầu tư mảng vé máy bay. Nhưng chị cho rằng công ty lúc đó hơi trẻ, và muốn tiếp tục nói chuyện sau khi đã hiểu rõ hơn về thị trường đó. Hôm nay anh Phong đến với Shark Tank, nhưng lại gọi vốn đầu tư một mảng khác.
Vẫn với lý do ngày xưa – “mô hình hơi trẻ”, bà Linh quyết định không đầu tư.
Trong 4 Sharks còn lại, duy nhất Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse - bày tỏ sự hào hứng, ông muốn rót 27 tỷ đồng, nhưng đổi lại 50% cổ phần, và sẽ đầu tư phân đoạn.
“Nếu mảng bán vé máy bay đi đúng tiến độ, tôi sẽ đầu tư tiếp, còn mảng vé chết thì tôi không thể đầu tư tiếp”, Shark Phú nói.
Cofounder của Atadi muốn giảm tỷ lệ sở hữu của Shark xuống 30%, nhưng Shark Phú đưa ra quyết định cuối cùng là 27 tỷ đồng rót vốn, đổi lại 45% cổ phần.
Anh Phong nâng mức đàm phán: 27 tỷ đồng đổi lấy 35% cổ phần nhưng không nhận được cái gật đầu của Shark Phú. Cuộc gọi vốn bất thành.
Trước việc các Sharks cho rằng ông Phú “gấu” khi định rót 27 tỷ đồng vào Atadi, ông Phú giải thích: “Vấn đề quan trọng nhất là mình nhìn thấy tiềm năng của nó, còn cách thức làm thì thất bại kiểu này có thể xoay sang kiểu khác. Vấn đề là nó phải có giá trị chính, có khả năng thành công để bù lại cho cái khác”.
Kết thúc vòng gọi vốn, Phong trải lòng: “Khi chúng tôi xây dựng một công ty thì chúng tôi đam mê và đặt toàn bộ nhiệt huyết của mình vào đó. Cho nên, với mức cổ phần nhà đầu tư đưa ra là 45% thì chúng tôi chỉ còn lại 55% cổ phần cho 2 người, không có nhiều động lực để chúng tôi làm việc, nhất là trong giai đoạn đầu tiên khi mọi thứ còn rất nhiều khó khăn”.
“Các bạn tưởng tượng tôi phải nắm quyền phủ quyết để đưa ra kế hoạch kế hoạch kinh doanh. Còn nhà đầu tư vào tới 45% thì tôi không có đủ quyền phủ quyết, khi đó các kế hoach đưa ra sẽ không thể thực thi được”.
Thông tin về Atadi
- Lĩnh vực: Bán lẻ vé máy bay và phân phối phòng khách sạn trực tuyến
- Mảng vé máy bay: ước tính doanh thu đạt 8 tỷ đồng trong năm 2017, dự kiến doanh thu 2018 đạt 16 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận 30%
- Mảng đặt phòng khách sạn: Kế hoạch lỗ liên tiếp trong 3 năm đầu để chiếm được 32% thị phần, riêng năm đầu tiên lỗ 27 tỷ đồng. Từ năm thứ 4 sẽ có dòng tiền quay về.
- Gọi đầu tư 27 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần, hoặc 62 tỷ đồng cho 30% (Tương đương định giá Startup từ 180 – 206 tỷ đồng)
Kết quả: Không chấp nhận điều kiện đầu tư từ Shark vì tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư đòi quá cao, Founder không còn động lực làm việc, cũng như không còn đủ quyền phủ quyết