Quỹ đầu tư BĐS đầu tiên niêm yết trên HOSE có điều gì hấp dẫn?

24/02/2017 17:15 PM | Kinh doanh

Theo quy định, Quỹ phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho nhà đầu tư dưới hình thức lợi tức bằng tiền mặt hoặc phát hành thêm chứng chỉ quỹ.

Ngày 27/02 tới đây, Quỹ Đầu Tư Bất Động Sản Techcom Việt Nam (TCREIT) sẽ niêm yết trên HOSE ngày với mã FUCVREIT , giá dự kiến là 10.000đ/ chứng chỉ quỹ. Đây là quỹ nội đầu tư bất động sản đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, do Công ty TNHH Quản lý Quỹ Kỹ Thương (TCC), môt công ty con 100% vốn của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank đăng ký thành lập. Thời gian hoạt động của Quỹ là không xác định. Thay đổi về thời hạn hoạt động của Quỹ sẽ được thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán có thêm sản phẩm mới là một tin vui. Nhưng nhà đầu tư đã biết gì về Quỹ đầu tư bất động sản?

Quỹ đầu tư Bất động sản (Real Estate Investment Trust, gọi tắt là REIT) là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư thông qua việc mua chứng chỉ quỹ phát hành, sau đó ủy quyền quản lý cho ban đại diện quỹ. Như tên gọi của loại hình quỹ này, REIT thường dành phần lớn giá trị tài sản quỹ để đầu tư nắm giữ bất động sản hoặc cổ phiếu của công ty bất động sản.

Ở Việt Nam hiện nay đã có một số quỹ đầu tư bất động sản của nước ngoài như quỹ đầu tư bất động sản Vinaland VNL của VinaCapital, quỹ VPF của Dragon Capital, quỹ ILH - ILH2 và ILH3 của Indochina Capital, quỹ VPH của Saigon Asset Management… Các quỹ này huy động vốn từ thị trường nước ngoài, đầu tư vào bất động sản và/hoặc cổ phiếu bất động sản tại thị trường Việt Nam và sau đó được niêm yết tại thị trường nước ngoài.

Theo quy định hiện hành, cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ đầu bất động sản phải đáp ứng tối thiểu 65% và tối đa 100% giá trị tài sản ròng của quỹ vào các bất động sản hoặc cổ phiếu của công ty bất động sản; tối đa 35% giá trị tài sản ròng của quỹ vào các tài sản khác như tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu….

Khi Quỹ gọi vốn lần đầu (IPO) và/hoặc phát hành tăng vốn, nhà đầu tư có thể mua thêm chứng chỉ quỹ bằng tiền mặt hoặc góp vốn bằng bất động sản vào Quỹ và nhận lại số chứng chỉ quỹ tương ứng với phần giá trị đã góp vào Quỹ. Đây có thể coi là điểm mới giúp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản đối với nhà đầu tư sở hữu bất động sản, bằng việc góp bất động sản vào Quỹ và nhận lại chứng chỉ quỹ, sau thời gian hạn chế chuyển nhượng ban đầu có thể thoái vốn dần thông qua chuyển nhượng chứng chỉ quỹ trên sàn.

Ngoài ra, phân chia lợi tức của quỹ là một đặc điểm có thể coi là hấp dẫn nhất của loại hình quỹ REIT. Theo quy định, Quỹ phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho nhà đầu tư dưới hình thức lợi tức bằng tiền mặt hoặc phát hành thêm chứng chỉ quỹ.

TC REIT được thành lập dưới hình thức quỹ đóng với số vốn ban đầu là 50 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng vốn trong tương lai để đáp ứng nhu cầu đầu tư khi xác định được thêm những bất động sản mục tiêu tiềm năng. Thông qua sở hữu chứng chỉ quỹ TC REIT, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư nội địa, có thể sở hữu một phần những bất động sản tiềm năng và hưởng thu nhập đều đặn, ổn định từ bất động sản đó mà không cần phải bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu các bất động sản đó. Thêm vào đó, với việc niêm yết lên HOSE, nhà đầu tư có thể dễ dàng mua đi bán lại chứng chỉ quỹ chứ không khó khăn trong thanh khoản như việc sở hữu một bất động sản khi có nhu cầu chuyển nhượng.

Chiến lược đầu tư bất động sản của TC REIT là dài hạn, tập trung vào các bất động sản tòa nhà văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại… nhằm mang lại nguồn thu ổn định cho Quỹ từ việc cho thuê và khai thác kinh doanh các bất động sản này. Ngoài ra, Quỹ cũng sẽ xem xét các bất động sản nhà ở, dự án, chung cư… được đầu tư xây dựng bởi các tổ chức uy tín, có xu hướng tăng giá tốt nhằm thu được lợi nhuận từ tăng giá bất động sản.

Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa loại hình quỹ REIT và các loại hình quỹ truyền thống khác đã có trên thị trường:

Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM