Tỷ phú Trịnh Văn Quyết lý giải vì sao lại đầu tư vào bất động sản
Tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán khá lạc quan với bất động sản mặc dù đang có nhiều thông tin cảnh báo về nguy cơ thừa nguồn cung ở phân khúc cao cấp.
"Với riêng tôi, ưu tiên đầu tư số một trong năm 2017 vẫn là chứng khoán, và thứ hai mới là bất động sản. Còn với vàng và USD, tôi chưa bao giờ lựa chọn đầu tư vào hai kênh này". Đó là chia sẻ của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trên trang facebook cá nhân của mình mấy ngày vừa qua.
Chia sẻ với chúng tôi, vị tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán khá lạc quan với bất động sản mặc dù đang có nhiều thông tin cảnh báo về nguy cơ thừa nguồn cung ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, theo doanh nhân này quan trọng vẫn là sự lựa chọn hợp lý.
"Tôi cho rằng, cơ hội cho bất động sản trong năm 2017 và dài hạn vẫn rất lớn bởi nhu cầu nhà ở thực của người dân còn thiếu nhiều. Vì vậy, với phân khúc bất động sản khu đô thị, quan trọng nhất vẫn là chọn phân khúc giá nào, vị trí ra sao và chất lượng xây dựng, uy tín chủ đầu tư như thế nào", ông Quyết nói thêm.
Cũng theo ông Quyết, do nhu cầu nhà ở sẽ rất cao bởi tốc độ đô tăng dân số nhanh, trong đó tăng hữu cơ và tăng do di dân về thành phố đều rất lớn. Do đó về dài hạn thị trường BĐS vẫn tốt.
"Mấy năm trước chúng ta còn lo hàng tồn kho lớn, dự án đắp chiếu… nhưng đến nay nhìn lại, số dự án mới phát triển thực ra còn lớn hơn nhiều số dự án tồn của giai đoạn trước. Nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn, và tôi tin cơ hội đầu tư vào đây vẫn còn nhiều. Các phân khúc khác của bất động sản cũng vậy thôi. Ở những chu kỳ ngắn, nhà đầu tư có thể lỗ khi mua đúng đỉnh, nhưng nhìn dài hạn, bất động sản vẫn tăng giá." Ông Quyết chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Quyết dư địa của BĐS sẽ vẫn còn tăng trưởng lớn bởi nền kinh tế Việt Nam ngày một tăng cao. Thêm vào đó, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã rất cởi mở, từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính đến các chính sách tài khóa, tiền tệ… sẽ kích thích thị trường BĐS phát triển mạnh trong giai đoạn dài tới.
Về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, năm 2016 chứng kiến sự bùng nổ ở phân khúc này, từ các tỉnh thành ven biển cho đến miền núi... với tỷ lệ hấp thụ nhiều dự án tới 80%. Không ít ý kiến lo ngại tình trạng bội cung bất động sản nghỉ dưỡng có thể xảy ra trong nay mai. Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng phân khúc này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Vị chuyên gia này đưa ra dẫn chứng cho thấy 10 năm trước, hầu hết người dân coi đi nghỉ dưỡng còn là xa xỉ, nhưng năm 2015 - 2016 lại có nhu cầu rất cao. Không chỉ các dự án của FLC mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng cháy phòng vào mùa cao điểm.
Thu nhập tăng lên, xu hướng dịch chuyển của giới trẻ và đặc biệt là toàn cầu hóa đang mở ra cơ hội phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cho Việt Nam. Nhìn vào mật độ và trình độ phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Thái Lan sẽ thấy rằng, Việt Nam vẫn chỉ trong giai đoạn đầu.
Chẳng hạn, bình quân mỗi du khách đến Việt Nam chỉ chi 106 USD/ngày, trong khi tại Thái Lan, họ tiêu đến 160 USD/người/ngày. Với hơn 10 triệu khách quốc tế và hàng chục triệu khách nội địa, rõ ràng chúng ta đã đánh rơi vài tỷ USD mỗi năm nếu chỉ so với Thái Lan.
Thứ Việt Nam thiếu trong lĩnh vực này chính là hạ tầng du lịch và tư duy dịch vụ. Nếu các doanh nghiệp Việt tăng cường hơn nữa chất lượng dịch vụ thì có thể chỉ 10 năm nữa, chúng ta sẽ tạo bộ mặt du lịch rất khác.