Quốc gia khởi nghiệp và ông bán phở bị truy tố
“Quốc gia khởi nghiệp gì mà ông bán café phạt tới 17 triệu vì chậm đăng ký kinh doanh, rồi đưa ra truy tố. Những việc ấy không thể nào chịu được, lấy đâu tinh thần để người dân, DN phát triển được nữa”, bà Phạm Chi Lan nói.
DN phá sản: Không thể nói bình thường?
Một doanh nhân vừa bán đi DN sau bao năm dầy công xây dựng để thu về hàng chục triệu USD. Vị này sau đó đã cầm số tiền thu được sang Úc sinh sống, và có thể sẽ khởi nghiệp kinh doanh ở đó, đóng thuế cho nước Úc.
Đây là câu chuyện được bà Phạm Chi Lan kể lại trong Hội thảo về kinh tế quý I do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/4 để dẫn chứng cho một làn sóng giải thể DN hiện nay.
Những DN thành công, xây dựng được thương hiệu, có uy tín trên thị trường nhưng lại rời bỏ thị trường qua những cuộc mua bán sáp nhập rầm rộ thời gian qua là điều khiến chúng ta băn khoăn.
Tuy nhiên, trường hợp rút khỏi thị trường như thế vẫn “không đau bằng DN chết vì yếu”. Sự kiệt sức của DN thể hiện rất rõ. Con số DN “chết” tăng lên hàng năm. Quý I/2016 tiếp tục tăng. Hiện tượng này tiếp diễn từ năm 2010 đến giờ, chưa dừng lại.
“71 nghìn DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2015 là con số rất cao, số DN chết rất lớn”, bà Lan lo ngại.
Thế nhưng, với thực trạng này, nhiều lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư như Cục Phát triển DN, Tổng cục Thống kê, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đều cho rằng DN phá sản, giải thể thời gian qua là “bình thường”.
Trong cuộc họp báo ở Văn phòng Chính phủ ngày 22/4, bà Bùi Thu Thủy, phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiếp tục khẳng định “đó là bình thường, là quy luật đào thải tự nhiên”.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhiều lần phản bác lại các quan điểm kiểu này. “Ai nói bình thường là tự an ủi nhau, là vô trách nhiệm”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo thống kê của ông Cung, thời điểm từ năm 2005 - 2007, số DN ngừng hoạt động chỉ 15- 20% thì thời gian gần đây số này nhiều hơn. Riêng quý I/2016 đã có hơn 22 nghìn DN đóng cửa. Đây là con số cực kỳ cao so với các năm.
“Tôi nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ tại sao DN giải thể nhiều đến thế là do một thời gian sức lực của DN tư nhân trong nước bị xói mòn, hao tổn đi rất lớn, do bất ổn kinh tế vĩ mô. Đến khi mình khắc phục lại, sức khỏe, năng lực tài chính của DN tư nhân mới lớn lên lại vướng vào hàng rào chi phí tăng lên.”, ông Cung chia sẻ.
Vừa thiếu thân thiện, vừa mất an toàn
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN cho rằng, hiện nay môi trường kinh doanh của chúng ta không phải chỉ nhiều trở ngại, không phải chỉ chưa thực sự thuận lợi mà kém an toàn.
Nhắc đến việc Thủ tướng chỉ đạo dừng hình sự hóa vụ quán Xin chào, ông Lộc cho rằng ý kiến của Thủ tướng đã phát đi một thông điệp quan trọng. Đó là Chính phủ bảo vệ DN, nhà nước bảo vệ DN, đảm bảo tính an toàn của môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh doanh kém thân thiện khiến DN mất dần niềm tin.
Nói về môi trường kém an toàn mà ông Lộc đề cập, bà Phạm Chi Lan cho rằng, “DN tư nhân tổn thương rất nặng nề, không còn niềm tin nữa”.
Năm nào chúng ta cũng phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp nhưng có thực chất không?.
“Quốc gia khởi nghiệp gì mà ông bán café phạt tới 17 triệu vì chậm đăng ký kinh doanh, rồi đưa ra truy tố. Những việc ấy không thể nào chịu được, lấy đâu tinh thần để người dân, DN phát triển được nữa”, bà Phạm Chi Lan bức xúc.
Nhưng sự an toàn của môi trường kinh doanh VN vẫn còn trập trùng gian khó. Trước hết, để gia nhập thị trường, DN phải vượt qua được hàng nghìn “giấy phép con” các loại.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, hiện nay có tới gần 7.000 “giấy phép con”. Hơn 1 nửa là không đủ căn cứ pháp lý tồn tại vì được quy định ở thông tư, nhiều điều kiện không còn hợp lý. Gần đây một số bộ ngành phớt lờ Luật DN, Luật Đầu tư, tiếp tục ban hành “giấy phép con” tại các thông tư.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN thừa nhận trong quá trình rà soát giấy phép con, Bộ KHĐT thực sự thấy đó là “cả rừng văn bản pháp lý”.
“Phải rà soát giấy phép con để DN dễ thở hơn. Chưa kinh doanh đã thấy một rừng quyết định thì rất khó khăn”, bà Thủy lưu ý.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lo ngại khi điều kiện kinh doanh không rõ ràng, DN có lẽ lại rơi vào tình trạng giống như ông chủ quán Xin chào. “Cái bất lợi luôn là DN chịu” – ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các loại quy hoạch suy cho cùng cũng là điều kiện kinh doanh khi đưa ra quy định bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu khách sạn, quán karraoke... được phép mở.
“Đó là điều kiện kinh doanh và người ta muốn có giấy phép thì phải “chạy”. Tôi chắc chắn người ta đang chạy dịch vụ khách sạn, karaoke” – ông Lê Mạnh Hà thẳng thắn.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý chi phí không chính thức sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu còn xin cho. “Rất nhiều cái phải xin, xin thì phải có chi phí” – ông Hà nói và tuyên bố phải giảm đến mức tối thiểu các loại giấy phép con. Bởi vì khi còn giấy phép thì còn xin, khó loại trừ hiện tượng này.
“Con chuột sa chĩnh gạo chắc chắn nó ăn. Không thể để chĩnh gạo hớ hênh như thế” – ông Lê Mạnh Hà ví von.