Quay cuồng với đất ven biển, miền núi: Cần những giải pháp mạnh

19/05/2022 17:03 PM | Kinh doanh

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, để đất đai thôi quay cuồng, phải có những giải pháp mạnh trong xử lý hành vi gây nhiễu loạn thị trường bất động sản

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, khẳng định "sốt" đất diễn ra ở huyện Hòa Vang là do "suy luận" đất nông nghiệp sẽ trở thành đất ở trong quá trình đô thị hóa.

Đã ngăn bằng nhiều cách

Ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh đến hiện tại, huyện Hòa Vang không có cơ sở pháp lý để chuyển mục đích đất nông nghiệp thuần túy sang đất ở. Bên cạnh đó, huyện này cũng chưa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, chưa lập xong quy hoạch phân khu. Dù TP Đà Nẵng đã tìm mọi cách để ngăn, nhưng như những gì Báo Người Lao Động đã phản ánh thì rõ ràng để trục lợi, không ít người đã tìm mọi cách tạo "cơn sốt".

Ở Quảng Ngãi, ông Tạ Hoàng Trưng, Trưởng Phòng Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản (BĐS) - Sở Xây dựng, thừa nhận giá trị đất tăng thực chất là không đáng kể, chủ yếu vẫn là do "cò" thổi giá, tạo nên những cơn sốt ảo trong ngắn hạn để mua đi bán lại kiếm lời. Vì vậy, để giảm nhiệt giá đất, ngoài khuyến cáo, tuyên truyền, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn chỉ đạo ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm soát thị trường; tạm dừng việc tách thửa, nâng hạn mức... Tuy nhiên, những biện pháp mà cơ quan chức năng tiến hành xem ra vẫn không ngăn được hành vi "thổi giá" đất.

Quay cuồng với đất ven biển, miền núi: Cần những giải pháp mạnh - Ảnh 1.

Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu lãnh đạo các địa phương xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách thửa. Ảnh: KỲ NAM

Tương tự, ở Quảng Trị, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay trước đó, tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường quản lý các dự án BĐS hình thành trong tương lai; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS, bảo đảm tuân thủ đúng quy định; công bố công khai tiến độ triển khai các dự án nhà ở... Kế đến, đề nghị Sở TN-MT tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, rà soát xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất, kiểm soát giao dịch ảo... Song cũng giống như ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đất đai ven biển Quảng Trị vẫn quay cuồng vì nhân viên môi giới, công ty môi giới vẫn âm thầm... thổi giá!

Ông Trần Đình Nhuận, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, cũng khẳng định UBND tỉnh phân tích rõ các nguyên nhân, tổ chức tuyên truyền, cảnh báo nhưng thực tế vẫn không thể ngăn chặn triệt để. Thực trạng này cũng đang diễn ra ở Khánh Hòa, dù Tỉnh ủy tỉnh này đã chỉ đạo cơ quan có liên quan công bố công khai, minh bạch các quy hoạch, thông tin về dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để người dân biết và thực hiện.

Yêu cầu công an vào cuộc

Trước cơn "quay cuồng" chưa có hồi kết của đất, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cơ quan công an làm rõ các đối tượng tung tin đồn đẩy giá đất cao bất thường để trục lợi; giao Sở Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo quyết định của UBND tỉnh thay thế quyết định cũ về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh; yêu cầu Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp hữu hiệu để theo dõi, giám sát hệ thống Văn phòng Công chứng, UBND các xã, phường, thị trấn trong việc hợp đồng công chứng, chứng thực bảo đảm, phản ánh giá trị quyền sử dụng đất sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Đặc biệt, đề nghị Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn đối với nội dung sửa đổi hạn mức tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, ngoài chỉ đạo công an vào cuộc, để ngăn đất "sốt ảo", Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương tăng cường kiểm soát, rà soát kỹ khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách, nhập thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ và các loại đất khác sang đất ở...) bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, phải báo cáo cấp ủy theo đúng quy chế làm việc của từng địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định của pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất, phân lô bán nền trái phép có quy mô lớn.

Quay cuồng với đất ven biển, miền núi: Cần những giải pháp mạnh - Ảnh 2.

Giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) "nóng" lên từ các thông tin đồn thổi. Ảnh: BÍCH VÂN

Tại Quảng Trị, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS và đề nghị Sở TN-MT tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; rà soát xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất, kiểm soát giao dịch ảo liên quan BĐS. "Đặc biệt, yêu cầu công an tỉnh chủ động kiểm tra, nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường BĐS. Chủ động kiểm tra các hành vi lợi dụng đăng tải các thông tin gây mất trật tự quản lý kinh tế, trật tự xã hội" - lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thông tin.

Cũng như Quảng Trị, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho hay sở này đã đề nghị công an vào cuộc, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để góp phần chặn "cơn sốt" đất.

Quản chặt và sát hơn

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành nhấn mạnh hiện tượng giá đất tăng cục bộ tại một số địa phương làm mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời làm ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Ngoài những yếu tố khách quan, thì ở một số địa phương có thời điểm thực hiện còn chưa nghiêm các phiên đấu giá, có hiện tượng lộ thông tin, thông đồng người tham gia và người tổ chức đấu giá cũng góp phần tạo ra "cơn sốt". "Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của nhiều bên và Bộ TN-MT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị thực hiện các giải pháp quản lý nhằm hạn chế hiện tượng sốt đất ảo, thổi giá đất. Cùng với đó, đề nghị các địa phương cần công bố, công khai thông tin, không bị nhiễu, tránh bị lợi dụng đầu cơ, thổi giá" - ông Lê Công Thành thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng yêu cầu các địa phương cần có biện pháp quản lý chặt quy hoạch sau khi được phê duyệt. Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm các quy định đăng ký quyền sử dụng đất và chuyển nhượng mục đích sử dụng đất. Điều này sẽ giúp thu thuế và kiểm soát chặt chẽ tách thửa đất; xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm... Góp ý thêm, ông Lê Công Thành cho rằng địa phương cũng cần chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch và cần sửa luật đấu giá tài sản đất, trong đó chú trọng làm sao các quy định chặt chẽ, tránh bị lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đầu cơ, tăng giá đất.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đề nghị cần có mệnh lệnh từ trung ương xuống các địa phương yêu cầu chấn chỉnh lại việc các "cò" tung tin giả, thậm chí có thể xử lý hình sự với các trường hợp cố tình gây nhiễu loạn thị trường BĐS.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), nói để xảy ra thực trạng nêu trên, một trong những nguyên nhân xuất phát từ lực lượng đầu cơ, môi giới BĐS. "Giai đoạn vừa qua, tôi cho rằng có nhiều nhà đầu cơ có sự thao túng thị trường BĐS. Những hành vi này có thể bị xử lý hay không, cái này cần pháp luật nghiên cứu, nếu có thì xử lý, mà chưa có thì đưa vào luật để xử lý"- ông Đính nêu giải pháp.

Có nên để môi giới BĐS hoạt động độc lập?

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đặt ra hàng loạt câu hỏi: Hiện có phải nhà môi giới nào cũng hiểu biết về kiến thức pháp luật? Trong 300.000 nhà môi giới BĐS hiện nay, có bao nhiêu người đã học và được cấp chứng chỉ môi giới? Phải chăng do việc quy định về pháp luật đối với họ chưa đủ, chưa đi vào thực tế?...

Do đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi đề nghị thời gian tới, cần phải bàn thêm về các vấn đề như có cần bán BĐS qua sàn hay không, có cho phép môi giới BĐS được hoạt động độc lập hay phải thành lập doanh nghiệp, hay việc học và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS định danh thế nào. "Hoạt động chứng khoán, có những quy định cụ thể, chặt chẽ như phải vào sàn chứng khoán hoạt động chứ không hoạt động ngoài. Do đó, với BĐS cần phải có sự nghiên cứu về luật để dần hoàn thiện" - ông Nguyễn Mạnh Khởi viện dẫn.

Theo Nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM