[Tôi đi thuê] Ứng viên có điểm tốt nghiệp cao nhất chưa chắc là tốt nhất!
Rất nhiều công ty mắc phải sai lầm trong quá trình tuyển dụng, nhưng thực tế nhiều lỗi hoàn toàn có thể tránh được chỉ bằng việc không đi theo những quan niệm sai lầm vốn tồn tại từ rất lâu như: Ứng viên có điểm tốt nghệp cao nhất là tốt nhất, không chấp nhận nhân viên nhảy việc...
Một ứng viên có thể được đánh giá rất tốt thông qua giấy tờ, hồ sơ xin việc, CV, cuộc phỏng vấn, sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, sau đó họ lại không đáp ứng được mong đợi và những yêu cầu cơ bản dẫn đến việc chấm dứt và gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân của việc này là do nhà tuyển dụng mắc phải một số sai lầm cơ bản. Tuy nhiên, thực tế nhiều lỗi có thể hoàn toàn tránh được chỉ bằng việc loại bỏ một số quan niệm cứng nhắc vốn đã tồn tại từ rất lâu.
Việc thuê được một người có năng lực thực tế khó hơn rất nhiều so với nhiều người vẫn tưởng tượng. Tony Beshara, chủ tịch Babich & Associates - một công ty tuyển dụng tại Dallas cho biết: “Doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đáng kể thời gian, chi phí và nguy cơ tiềm ẩn nếu họ cải thiện kỹ năng tuyển dụng”.
Hãy theo dõi những quan niệm sai lầm dưới đây và nếu một trong số đó vẫn tồn tại trong công ty của bạn, hãy nghĩ đến việc loại bỏ nó ngay lập tức.
Quan niệm số 1: Cần phải tìm những người trẻ tuổi bởi họ đang tràn đầy năng lượng
Thực tế: Beshra khẳng định: "Những người đã có năng lượng thì họ sẽ có năng lượng bất chấp tuổi tác". Thực tế những người có kinh nghiệm thường mang lại nhiều năng lượng nhất bởi họ có động lực để thành công. Vậy tại sao phải tự giới hạn khả năng thuê được người tài của công ty bạn trong số những người trẻ tuổi?
Quan niệm số 2: Loại bỏ những ứng viên "nhảy việc" quá nhiều
Thực tế: Có một sự thật là tại Mỹ hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp sinh ra và mất đi một cách nhanh chóng. Trong năm 1973, tuổi trung bình của các doanh nghiệp Mỹ là 60 năm, đến năm 2009, con số này là 15 năm. Vì vậy, nếu cần phải đặt câu hỏi về một ứng viên "nhảy việc" quá nhiều lần thì đó nên là “Tại sao những ứng viên này rời khỏi công việc? và hoàn cảnh xảy ra là gì?
Quan niệm số 3: Xem thường các ứng viên có công việc trước đó là bán thời gian
Thực tế: Hãy nhìn thẳng vào công việc bán thời gian trước đó của họ (ví dụ nhân viên tư vấn) và xem nó có thể giúp ích được gì với vị trí công việc mà bạn đang cần tuyển dụng.
Quan niệm số 4: Chỉ nên thuê những người quen biết hoặc được người thân cận giới thiệu
Thực tế: Ứng viên tốt nhất sẽ xuất hiện sau khi bạn bỏ công sức tìm kiếm kỹ lưỡng. Thậm chí sau đó, nhà tuyển dụng còn xác định xem những người nào cần tiếp tục được phỏng vấn để đánh giá chính xác năng lực. Những kiến nghị cá nhân trợ giúp rất nhiều cho quy trình này nhưng không phải tất cả.
Quan niệm số 5: Người có điểm tốt nghiệp trung bình cao nhất là tốt nhất
Thực tế: Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Rất nhiều nhà tuyển dụng đã phàn nàn rằng những người tốt nghiệp với điểm số cao chưa chắc đã cần cù, có tinh thần làm việc và bản tính tốt . Đừng loại bỏ gay gắt một ứng viên chỉ đơn giản bởi bạn không nhìn thấy bảng điểm "đẹp" của họ trong CV.
Quan niệm số 6: Bỏ qua các ứng viên tốt nghiệp thông qua chương trình học trực tuyến
Thực tế: Beshra cho rằng: "Hầu hết các trường đại học chủ chốt đều đang phát triển hệ thống học trực tuyến và trong khoảng 10 năm tới, học trực tuyến có thể trở thành chuẩn mực". Câu hỏi nên được đặt ra với ứng viên là: “Bạn đã học được gì và những điều đó đã giúp bạn như thế nào để đạt được thành công?”.
Quan niệm số 7: "Chúng tôi đang tuyển dụng rất tốt"
Thực tế: Hàng loạt nghiên cứu cho thấy rằng quá trình phỏng vấn điển hình chỉ có 57% ảnh hưởng đến thành công trong tương lai của ứng viên. Nó chỉ tốt hơn 7% so với xác suất tung 1 đồng xu. Quá nhiều công ty “tin tưởng vào khả năng của mình" mà quên kiểm tra xem làm thế nào để cải thiện quá trình tuyển dụng.
Quan niệm số 8: Bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) được ưu tiên hơn
Thực tế: Điều này không phải lúc nào cũng đúng. “Chúng ta thường có suy nghĩ cổ hủ rằng một người sẽ thông minh hơn nếu có học thức cao hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ bởi một ứng viên có bằng MBA hoặc một bằng cấp cao hơn, rồi kết luận họ có khả năng hơn những người khác là sai. Thực chất những người này chỉ có nhiều thời gian, tiền bạc hoặc niềm đam mê với giáo dục nhiều hơn ứng viên khác mà thôi.
Quan niệm số 9: Chi càng nhiều tiền, doanh nghiệp càng có cơ hội tuyển được ứng viên tốt
Thực tế: Để tuyển được một ứng viên tốt và phù hợp với công ty, doanh nghiệp cần phải bỏ ra nhiều công sức hơn ngoài vấn đề tiền bạc.
>> 5 lỗi khiến Google từ chối bạn
Vân Đàm