Nghệ thuật “tố cáo” trong tổ chức (P1)

10/06/2015 10:47 AM | Quản trị

Thi thoảng, bạn cảm thấy trong công việc có một số điểm không đúng, chẳng hạn: bạn nghi ngờ rằng người đồng nghiệp phòng tài chính của bạn có thể ngụy tạo số liệu, hay sếp của bạn dấu giếm Giám đốc về thông tin một dự án quan trọng, hoặc là đồng nghiệp của bạn về nhà sớm nhưng cô ấy vẫn để máy tính bật để trông giống như là cô ấy chỉ đi họp đâu đó.

Làm thế nào để bạn biết khi nào thì lời nói của bạn có giá trị hay không? Bạn có thể bảo vệ mình khỏi những hậu quả có thể đến khi bạn tố cáo một hành động xấu? Và khi bạn quyết định nói điều gì đó, bạn sẽ nói gì và nói với ai?

Các chuyên gia nói gì?

Theo James Detert, giáo sư khoa quản lý tại Samuel Curtis Johnson Graduate School of Management của Đại học Cornell và là tác giả của cuốn sách "Tại sao nhân viên sợ lên tiếng" thì: "Hầu hết chúng ta không phải đối mặt với một kẻ lừa đảo hàng tỷ đô la hoặc một vấn đề giống như một người nào đó sẽ chết vào ngày mai," dù vậy thì ngay cả những vấn đề nhỏ vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, "các tình huống mang tính đạo đức nghề nghiệp trong công việc có thể là dấu hiệu báo động, và nó cũng là một phần bình thường của kinh doanh".

Điều quan trọng theo James Detert là không để cho một trong những nhân tố có liên quan ngăn cản bạn thực hiện một quyết định hợp lý.

Theo Mary Gentile, tác giả cuốn “Biến lời nói thành giá trị” và là giám đốc của một chương trình cùng tên tại Babson College thì: "Khi nói đến đạo đức, chúng ta hay nghĩ rằng đó là một bài kiểm tra nhận thức về đạo đức của chúng ta – thứ sẽ làm cho chúng ta đa cảm hơn, kém hiệu quả hơn, và dễ bị tự kỷ ám thị”, đó là lý do tại sao điều quan trọng ở đây là không chỉ cần biết làm thế nào để nhận thức một vấn đề đạo đức mà còn là làm thế nào để nêu nó ra - đặc biệt là khi có nhiều hơn một vấn đề lấp lửng trong vùng xám.

Theo Mary: "Không có một chiến lược hay câu trả lời chung cho tất cả các tình huống. Điều quan trọng là phải thực hành trước khi một tình huống có thể xảy ra, và khi nó đến, bạn đã sẵn sàng." Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia về những việc cần làm nếu bạn thấy mình đang dính vào một tình huống như vậy.

Hãy suy nghĩ trước

Theo Detert: "Các nghiên cứu cho thấy mọi người thường có xu hướng đánh giá thái quá về sự đối đầu sẽ diễn ra như thế nào, hay sự trả đũa sẽ tệ như thế nào, và những sự trả đũa sẽ kéo dài bao lâu. Bạn thường tự xây dựng lên tất cả những hậu quả khủng khiếp cho cá nhân trong đầu và tìm cách để tránh những thiệt hại, mất mát đó".

Việc hợp lý hóa các vấn đề thường là: Nó không phải là một vấn đề lớn. Tôi không có đủ thông tin. Đây là trách nhiệm của người khác. Đây chắc là cách mà điều đó được thực hiện (tại công ty của chúng tôi, tại khu vực này, trong ngành công nghiệp của chúng tôi, vv). Theo Detert thì: "Những lời như vậy cho phép chúng ta nhận ra vấn đề và vẫn cảm thấy rằng không xấu lắm khi không làm bất cứ điều gì cả".

Theo Gentile thì "Không phải là các câu nói trên là sai, chúng chỉ là không hoàn toàn là sự thật”, nếu bạn thấy mình hợp lý hóa theo cách này, hãy thử tự đặt câu hỏi cho bản thân. Ví dụ, "Hãy suy nghĩ về số lần ai đó nói rằng 'không có việc gì to tát cả' trong khi nó thực sự là một việc to tát" – theo Detert.

Hãy xem xét thực tế

Thực sự thì bạn cũng rất muốn làm rõ những gì đang xảy ra. Nếu đồng nghiệp của bạn hay về sớm mỗi ngày, chắc chắn là có gì đó đáng để làm vậy? Người ta có thể đưa ra lập luận rằng cô ấy đang đánh cắp thời gian làm việc của công ty và lấy đi phần tiền công mà không phải thuộc về cô ấy.

Nhưng nếu cô ấy đã hoàn thành công việc, nó có thực sự quan trọng nữa không? Gentile khuyên bạn hãy tự hỏi mình: Giá trị bị vi phạm ở đây là gì? Tại sao điều đó gây phiền hà cho tôi? Detert khuyên rằng: hãy xem xét liệu nó quan trọng cho chỉ riêng bạn hay cho cả đơn vị, hay là cho cả tổ chức. Làm rõ ràng về vấn đề này sẽ giúp bạn cân nhắc chính xác những ưu và khuyết điểm của việc giải quyết nó như thế nào.

Thấu hiểu tại sao người ta hành động theo cách của họ

Một kỹ năng hữu ích khi bạn ở trong tình huống đạo đức nghề nghiệp là việc xác định quan điểm (perspective-taking). Thay vì quy chụp đồng nghiệp của bạn là người xấu, hãy tìm hiểu lý do đằng sau hành động của họ.

Thông thường, mọi người sẽ có một động lực dễ hiểu (nếu nó không bị che dấu), chẳng hạn đồng nghiệp phòng tài chính của bạn có thể được vẽ vời những con số bởi anh ta muốn làm cho sếp của mình nhìn nhận tình hình tích cực hơn hoặc anh ấy sợ bị mất việc.

Đặt mình vào vị trí đồng nghiệp của bạn và cố gắng hiểu những gì họ đang cố gắng để vươn đến. Gentile đưa ra ví dụ về một người mà bà biết, cô ấy được sếp giao che giấu các số liệu về hiệu quả thấp so với năm trước: "Ông chủ của cô ấy muốn cô ấy tìm ra một thước đo về hiệu quả khác trước, thứ mà sẽ làm cho các kết quả hiện tại thể hiện là công ty đã hoàn thành mục tiêu".

Người phụ nữ trong tình huống này đã nghĩ về các mục tiêu của sếp cô trong kịch bản này và cô "quyết định rằng sếp cô không hề thực hiện các phi vụ đầu tư trái đạo đức mà chỉ là ông ấy cần vượt qua một cuộc thương lượng khó khăn với một khách hàng buổi chiều hôm đó."

Thông tin này đã giúp người phụ nữ trong tình huống quyết định làm thế nào để phản ứng lại sếp vì bây giờ cô đã hiểu "những gì là nguy cơ cho sếp" và thay vì làm những gì sếp yêu cầu, cô có thể cung cấp cho ông các thông tin để giúp ông vượt qua cuộc thương lượng trên.

(Còn tiếp)

Phạm Thế Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM