Làm sếp, phải biết nhận sai
Dù sai lầm là lớn hay nhỏ, để lại hậu quả nghiêm trọng hay bình thường thì không phải nhà lãnh đạo nào cũng dám dũng cảm đứng ra nhận sai lầm về mình...
Câu hỏi sau đây có thể là một trong những câu hỏi định nghĩa về sự nghiệp một người làm quản lý: Khi nào nhà quản trị nên đứng ra chịu trách nhiệm và nhận những lời chỉ trích do một thương vụ hay một chiến thuật sai lầm? Còn khi nào thì né tránh để những mũi tên chỉ trích đó hướng vào người khác?
1. Thừa nhận lỗi lầm chân thành
Thực tế hầu như mọi khách hàng đều thích cái gì đó hơi kém hoàn hảo một chút, bởi nó an toàn và đem về ít nghi ngờ sau này. Thừa nhận rằng sản phẩm, dịch vụ, chiến lược kinh doanh có sai lầm từ phía chủ động cho thấy mức độ xác thực, chân thành trước khi sự việc "bị đào sâu" một cách cố ý. Thêm nữa, thật khó mà nổi sung lên với ai đó khi họ nói "Anh nói đúng. Tôi sẽ sửa sai" hơn là những người cứ khăng khăng lỗi đó không phải của họ ngay cả khi bạn biết chắc chắn đó là lỗi của họ, trong quản trị cũng vậy, sếp sẵn sàng nhận lỗi bao giờ cũng gắn bó lâu hơn với cấp dưới của mình.
2. Nhận diện sai lầm chi tiết
Khi bạn điều tra quá trình và nguyên nhân xảy ra sai lầm, bạn có thể sửa chữa khắc phục quá trình xảy ra sai sót. Tiến bộ thực sự trong các công ty thường được xây dựng trên nền tảng những sai lầm và những cải tiến mà họ châm ngòi. Một nhà quản trị giỏi cần phải chắc chắn rằng các nhân viên dưới quyền không ngần ngại mắc lỗi và thừa nhận sai lầm. Bởi vô hình trung, những phân tích về sai lầm lại có thể là cách mới để "lên dây cót" tinh thần cho toàn tổ chức. Quan trọng nhất, những sai lầm đã xảy ra rồi đừng để nó xuất hiện lại, hoặc xuất hiện tệ hơn. Nhận diện phải luôn đi đôi với giải pháp sửa sai.
3. Hạn chế tối đa việc đổ lỗi
Nếu bạn chịu trách nhiệm đối với sản phẩm cuối cùng thì khách hàng sẽ buộc bạn phải có trách nhiệm đối với một sai sót ngay cả khi đó thực sự không phải lỗi của bạn. Thay vì chỉ tay năm ngón, hãy nhắm mục tiêu tới những việc bạn có thể làm để việc tương tự không tái diễn.
Chẳng hạn như việc doanh nghiệp của bạn đang lãnh đạo là nhà phân phối trung gian cho các hãng khác và rõ ràng rằng nếu có sai sót xảy ra đối với sản phẩm thì lỗi không phải là do phía bạn mà từ phía nhà sản xuất. Tuy nhiên, khách hàng không cần biết, họ chỉ biết là đã mua từ bạn và bạn phải giải quyết, nếu khôn khéo thay vì đổ lỗi cho nhà sản xuất, hãy thừa nhận một phần trách nhiệm và tìm hướng giải quyết như một người trung gian giữa người mua và người bán.
4. Không được quên những sai lầm cũ
Khi vẫn còn đang trăn trở về những hậu quả do thất bại đem đến, bạn có thể cho rằng mình sẽ luôn luôn nhớ cặn kẽ mình đã làm sai những gì và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, và ký ức của bạn trở nên nhạt nhòa thì các thói quen cũ sẽ trở lại. Và chắc chắn bạn không thể truyền lại kinh nghiệm của bản thân cho những người cùng công ty.
Hãy biến những bài học mà mình đã học được thành một phần trong các chính sách của công ty. Điều đó có nghĩa bạn phải viết ra một phương pháp mới, một danh sách kiểm tra, hoặc một tờ đăng ký hoặc soạn thảo một điều khoản mới trong hợp đồng.
5. Thất bại chưa hẳn là mẹ thành công
Nhiều người tự động viên rằng thất bại này sẽ là bài học quý báu để tạo ra thành công sau này một cách "mù quáng". Thực tế, càng thất bại và sai lầm nhiều, bản thân con người càng dễ rơi vào trạng thái chán chường và dẫn tới những quyết định không chính xác sau này.
Hiểu thất bại, chấp nhận thất bại, thừa nhận chúng là điều cần thiết nhưng đừng để nó chi phối hành động sau này. Hãy nhớ rằng điều khiến mọi người ghi nhớ không phải là việc làm sai mà là cách bạn xử lý vấn đề.
Đừng bỏ lỡ những cơ hội vàng để chứng tỏ sự chính trực của bạn, giảm bớt kịch tính và cải thiện phương thức vận hành của công ty bạn. Làm được như vậy bạn đã biến điều xấu trở thành tốt.
Theo Đình Vũ
Theo Thời báo kinh doanh
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!