Kinh doanh tháng 7 Âm lịch: Không có gì phải âu lo

12/08/2014 23:20 PM | Quản trị

Do tín ngưỡng nên con người e dè nhiều hoạt động trong tháng 7 "cô hồn". Tuy nhiên, dần dần những quan niệm có phần mê tín đó đang không còn đúng nữa.

Nỗi sợ mơ hồ

Trong làm ăn, tháng cô hồn “ứng” rõ nét nhất là tình hình kinh doanh thuộc các lĩnh vực cá nhân, riêng tư hoặc mang tính chất trọng đại như không tiến hành việc cưới gả, xây nhà, mua nhà, khai trương, động thổ…

Vì vậy, hồi cuối tháng 7 vừa qua, khi lịch âm đang vào những ngày cuối cùng của tháng 6, mặc dù cửa tiệm cà phê trên đường Thành Thái (Q.10) chưa sửa chữa xong nhưng chị Trần Thị Thanh Phương vẫn tiến hành cúng khai trương trước để né tháng 7 Âm lịch rồi mở cửa buôn bán sau. Chị Bích Thu cũng gấp rút khai trương cửa hàng bán đặc sản Tây Ninh trong tháng 6 Âm lịch dù chỉ bán… online.

Cũng tâm lý như vậy, một cơ quan hành chính ở quận 11 tổ chức nghỉ dưỡng thường niên cho các cán bộ công nhân viên vào thời điểm mùng 4 tháng 7 Âm lịch nên số lượng người tham gia khá ít vì ngại đi biển trong tháng “cô hồn”.

Rõ nét nhất là các nhà hàng, khách sạn có kinh doanh tiệc cưới hoặc tổ chức các sự kiện khai trương, động thổ. Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc các khu du lịch Bình Quới, Văn Thánh và Tân Cảng cho biết, so với các tháng giữa năm chưa phải là mùa cao điểm cho chuyện cưới hỏi thì tháng 7 Âm lịch thấp điểm nhất.

Thông lệ hằng năm cho thấy, trung bình mỗi tháng mỗi khu du lịch đều tổ chức trên 10 tiệc thì nay giảm hẳn, chỉ còn một hoặc hai tiệc cưới nên doanh thu hằng tháng của các khu du lịch này giảm đi 1/3, còn khoảng 17 tỉ đồng so với 25 tỉ đồng của tháng khác. Nhưng ông nói thêm: “Tiệc cưới không tổ chức lúc này thì tháng khác cũng làm, quan trọng là chúng tôi có thu hút được khách hay không”.

Theo Tổng công ty Saigontourist doanh số ăn uống của các nhà hàng, khách sạn trực thuộc đều giảm 10% vì cách nghĩ này. Nhưng bù lại, nhiều đơn vị tổ chức tiệc buffet chay thay thế và nhận được nhiều hưởng ứng của thực khách.

Vẫn là mùa làm ăn

Tuy nhiên, ở một số ngành nghề khác thì tháng 7 Âm lịch lại là cơ hội bội thu. Trong tháng “cô hồn”, nhiều người quan niệm phải đốt giấy tiền để được phù hộ làm ăn khấm khá, nhất là tại khu vực của người Hoa.Vì vậy, lượng giấy tiền, nhang đèn, được tiêu thụ trong tháng này tăng cao so với các tháng khác. Có sạp tại chợ Bình Tây bán được hơn 50 triệu đồng ngày.

Đồng thời, do lượng người ăn chay tăng mạnh trong tháng này nên giá các mặt hàng rau củ quả tại các chợ cũng tăng mạnh từ 30 – 50%. Một người bán rau củ quả tại chợ Bình Thới (Q.11) cho biết: “Tháng trước rau củ quả giá rẻ và bị ế. Qua tháng này hàng hút, giá tăng cao, bữa nào bán hết bữa đó”.

Những kiêng kỵ của tín ngưỡng phương Đông né cưới hỏi trong tháng 7 Âm lịch đã làm các dịch vụ liên quan cũng bị ảnh hưởng, nhưng hiện đã có sự thay đổi. Theo anh Trần Đông Hải (nhiếp ảnh gia cưới tự do – hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Y TP.HCM) thì dịp tháng 7 Âm lịch thường là giai đoạn nghỉ ngơi để thư giãn và làm mới các ý tưởng của bản thân.

Tuy nhiên, vẫn có người chụp trong dịp này, theo tìm hiểu thì đó hầu hết là những người có tư tưởng hiện đại, không kiêng kỵ hoặc đều là du học sinh đã sống nhiều năm ở nước ngoài hoặc theo Công giáo.

Còn anh Văn Đô (nhiếp ảnh gia – chủ studio October) bổ sung: “Các anh/chị nhiếp ảnh gia nổi tiếng thường tận dụng thời gian thấp điểm này tại Việt Nam này để chụp ở nước ngoài cho các cặp là Việt kiều hoặc người ngoại quốc. Lịch trình này thường được chuẩn bị từ rất sớm và có thể kết hợp nhận nhiều đám cưới để tận dụng thời gian, có khi kéo dài cả tháng qua nhiều quốc gia”.

Đặc biệt, phải nhắc đến lĩnh vực địa ốc vốn rất sợ tháng 7 Âm lịch. Bởi nhiều khách hàng muốn mua, chuyển nhà hay thậm chí chỉ sửa chữa chứ đừng nói đến mua bán những tài sản lớn đều kiêng kỵ thời gian này. Tuy nhiên, với những người trong ngành thì sau những thăng trầm, vất vả đã có những đúc kết khác.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng thì cho rằng, buôn bán sẽ tùy theo nhịp độ thị trường, tháng 7 Âm lịch thường là có doanh số giảm từ 1/3 đến 1/2 so với tháng khác, đặc biệt đối với khách Hoa dừng mọi cuộc mua bán nhà ở và đất đai, nên công ty không tung sản phẩm mới mà chọn thời điểm khác.

Ví dụ như dự án Green Valley chúng tôi giới thiệu từ tháng 4, đến tháng 7 Dương lịch là xong bốn block. Như vậy sẽ dễ cho người bán lẫn người mua.

Ông Bùi Tiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty Sacomreal-S nói: “Tâm lý chung của người mua nhà để ở hay dời văn phòng vẫn còn có chút thận trọng vì liên quan đến gia đình, công việc làm ăn, nếu gặp chuyện không hay thì họ dễ bị đổ thừa chọn tháng xấu. 

Nhà đầu tư thì không kiêng cử đâu, tiêu chí của họ là hiệu quả kinh doanh nên có dự án tốt là mua ngay.Vì thế, những năm trước đây, có lúc tháng kiêng kỵ này mang lại hiệu quả cao nhất trong năm cho chúng tôi”.

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều công ty bất động sản như Đất Xanh, Nam Long, Công ty Nhà Hưng Ngân và Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn hay các sàn địa ốc Nam Việt, Nam Phát, Danh Khôi, Hưng Thịnh… cũng chộn rộn bán hàng, không ngại tháng “cô hồn”.

Nhiều công ty không công bố cũng lặng lẽ chào hàng, tung khuyến mãi. Có người cho biết, tâm lý ngại tháng “cô hồn” trước đây thực sự là trở ngại đối với nhà đầu tư địa ốc.

Tuy nhiên, với sức ép thị trường là doanh số cuối năm và hiện nay chủ yếu người mua có nhu cầu thật nên doanh nghiệp vẫn mạnh dạn chào hàng. Ông Thắng khẳng định, dù đã lặng lẽ thực hiện từ nhiều năm trước, nhưng có lẽ từ năm nay thì ngành địa ốc sẽ thoải mái hơn với tháng 7 Âm lịch.

>> Có nên kiêng trong tháng cô hồn

Theo Minh Cao

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM