[Hỏi xoáy - Đáp ngay] Làm sao để cho nhân viên biết ‘tấm lòng’ sếp?

22/09/2014 09:34 AM | Quản trị

Trên cương vị là một người lãnh đạo, bạn cần phải hiểu rằng khi cho nhân viên thấy bạn quan tâm tới họ (bằng nhiều cách khác nhau) họ sẽ hạnh phúc hơn, muốn gắn bó với công việc nhiều hơn và quan trọng là cuối cùng sẽ tạo ra hiệu quả công việc cao hơn.

Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc series "Hỏi xoáy - Đáp ngay" gồm các bài viết của chuyên gia trả lời thắc mắc thường gặp của các doanh nhân về những vướng mắc trong quá trình quản trị công ty, khởi nghiệp... Series "Hỏi xoáy - Đáp ngay" sẽ được đăng tải vào thứ 2 hàng tuần.

Bài viết tuần này trả lời băn khoăn về cách thể hiện khéo léo nhất cho nhân viên thấy được sự quan tâm của người lãnh đạo.

Câu hỏi: Là lãnh đạo một doanh nghiệp, tôi luôn muốn giúp nhân viên có thể cống hiến hết sức lực cho công ty và quan trọng hơn là muốn họ hiểu được tôi luôn quan tâm tới họ. Vậy tôi nên làm như thế nào để vừa khéo léo lại vừa mang lại kết quả tốt nhất?

Trả lời:

Thực tế có tới 31% số người lao động được hỏi cho biết ông chủ của họ không mấy coi trọng và quan tâm tới nhân viên. Cũng chính bởi vậy mà hầu hết những người này đều tiết lộ họ không muốn cống hiến hết sức lực của mình cho công ty.

Trên cương vị là một người lãnh đạo, bạn cần phải hiểu rằng khi cho nhân viên thấy bạn quan tâm tới họ (bằng nhiều cách khác nhau) họ sẽ hạnh phúc hơn, muốn gắn bó với công việc nhiều hơn và quan trọng là cuối cùng sẽ tạo ra hiệu quả công việc cao hơn.

Ngoài ra, khi nhân viên hạnh phúc, dịch vụ khách hàng của công ty bạn cũng sẽ tốt hơn.

Thực tế để thể hiện được sự quan tâm với nhân viên không hề khó. Dưới đây là những cách thể hiện tốt nhất với nhân viên mà các lãnh đạo nên học hỏi:

Cho họ nhiều hơn những lợi ích thông thường

Ngoài mức lương và những lợi ích tiêu chuẩn bạn cung cấp cho nhân viên. Hãy quan sát họ trong quá trình làm việc và sau đó nhìn xem cần bổ sung gì để có thể cài thiện môi trường làm việc, giúp họ cảm thấy hào hứng và thoải mái hơn.

Ngoài ra, hãy hỏi nhân viên về mục tiêu nghề nghiệp và giúp đỡ họ đạt được điều đó. Nếu công ty của bạn có quy mô khá lớn, bạn có thể dành cho nhân viên của mình một số đặc quyền khác như bữa tối tại nhà hàng địa phương, ngày nghỉ bất ngờ…

Thuê những người “chơi đẹp”

Hãy cho những nhân viên hiện tại của bạn thấy rằng, bạn quan tâm tới họ và luôn đặt mục tiêu tìm những nhân viên mới có khả năng hoà đồng và làm việc nhóm tốt lên hàng đầu. Bạn cần phải cho họ thấy rằng, chỉ những người thân thiện, hoà đồng, quan tâm tới khách hàng và đồng nghiệp mới được chọn lựa.

Hào hứng chào đón người mới

Hãy chắc chắn rằng những nhân viên mới được chào đón một cách nồng nhiệt. Sẽ có những nhân viên cũ tình nguyện làm cố vấn cho các nhân viên mới cho đến khi họ bắt kịp và hoà nhập với công việc. Vì thế, nếu có thể hãy tạo ra những bữa tiệc ấm cúng với thức ăn, đồ uống để tất cả mọi người có cơ hội gặp gỡ và làm quen với nhân viên mới.

Cho nhân viên thấy bạn không chỉ là ông chủ mà còn là một người bạn

Hãy cho nhân viên thấy bạn không chỉ là một ông chủ cứng nhắc và khó gần bằng việc sẵn sàng trò chuyện với họ về những vấn đề ngoài công việc. Thậm chí, bạn có thể tham gia cùng họ trong những hoạt động bên lề khác.

Một điều quan trọng nữa là bạn cần phải biết lắng nghe. Đây là hành động đơn giản nhất cho nhân viên của bạn thấy rằng bạn đang thật sự quan tâm tới họ.

Hãy để nhân viên có quyền tự chủ

Đừng hành động như thể bạn tốt hơn nhân viên của mình (dù sự thật có là như vậy). Hãy để họ có quyền tự chủ nhiều nhất có thể. Nói như vậy có nghĩa là hãy để họ khám phá ra ý tưởng mới và hoàn thành dự án bằng cách của họ chứ không phải theo cách của bạn. Hãy đồng tình với những mục tiêu và kết quả cụ thể mà nhân viên của bạn đề ra, sau đó để họ tự tìm ra cách tốt nhất để đạt được điều đó.

Luôn nhìn nhận vấn đề khách quan từ 2 phía

Một điều quan trọng khác trong cách cư xử với nhân viên là bạn nên nhìn các vấn đề xảy ra thật sự khách quan, ngay cả khi nó có liên quan trực tiếp đến cả khách hàng của công ty bạn. Hãy cho các thành viên trong nhóm thấy rằng, bạn luôn tôn trọng, quan tâm và đứng về phía họ khi cần thiết. Thậm chí, nếu đúng, bạn sẵn sàng để mất khách hàng chứ không mất oan một nhân viên tài năng.

Cân nhắc kỹ càng

Hãy suy nghĩ về những kỳ vọng của bạn dành cho nhân viên. Một khi khiến họ làm việc quá tải, hoặc giao cho họ quá nhiều công việc trong một khoảng thời gian ngắn có thể làm suy yếu những nỗ lực mà bạn muốn nhân viên biết về tấm lòng của mình. Nguy hiểm hơn, bạn có thể dồn nhân viên vào đường cùng và khiến họ buộc phải thôi việc. Đây là kết quả mà cả bạn và nhân viên đều không mong muốn.

>> [Hỏi xoáy - Đáp ngay] Khởi nghiệp ở tuổi nào là hợp lý nhất?

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM