Giáo hoàng Francis chỉ ra 15 căn bệnh của các lãnh đạo

17/04/2015 15:02 PM | Quản trị

Tự mãn, tỏ ra bận rộn, máy móc, chuộng hư danh, sáo rỗng, vô cảm, sùng bái quá mức,.. là những căn bênh mà theo Giáo hoàng, rất nhiều nhà lãnh đạo đang mắc phải.

Giáo hoàng Francis đã không giấu giếm ý định của mình về việc cải cách triệt để cơ cấu hành chính trong Giáo hội Công giáo, nơi mà ông coi là đang tồn tại sự lộn xộn, hống hách, và quan liêu. Ông hiểu rằng trong một thế giới thay đổi không ngừng các nhà lãnh đạo có tính hướng nội và tự kiêu đang là một gánh nặng cho tổ chức.

Giáo hội Công giáo hiện nay là một bộ máy quan liêu: một hệ thống phân cấp theo phẩm giá, nhưng lại thiếu vắng những tâm hồn hoàn hảo. Với ý nghĩa đó, nó không khác nhiều so với các tổ chức bên ngoài. Đó là lý do tại sao những lời khuyên của Đức Giáo hoàng thường có liên quan đến các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi.

Những ý kiến sau đây chính là sự đúc kết từ những lời của Giáo hoàng, nó có ích cho cả các doanh nghiệp hay tổ chức bên ngoài Giáo hội:

Đội ngũ lãnh đạo thường được ví như một cơ thể của con người, nó liên tục được nâng cấp và phát triển trong các mối quan hệ và sự hiểu biết để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, giống như bất kỳ cơ thể nào, nó cũng tiếp xúc với bệnh tật và có thể bị lây nhiễm, đó là những bệnh và những cám dỗ nguy hiểm có thể làm suy yếu hiệu quả của bất kỳ tổ chức nào. Sau đây là 15 căn bệnh phổ biến:

1. Bệnh tự mãn – tự cho bản thân miễn dịch với mọi thứ xấu xa, và từ đó bỏ sự cần thiết phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình

Một đội ngũ lãnh đạo mà không bao giờ tự xem lại bản thân, không theo kịp với hiện tại, không tìm được sự phù hợp, là một cơ thể ốm yếu. Chỉ cần bạn ghé qua nghĩa trang và ngắm nhìn bia mộ, bạn sẽ thấy rất nhiều nhà lãnh đạo mắc phải căn bệnh này! Đây là bệnh của những người trở thành lãnh chúa và các bậc thầy, những người tự cho rằng mình ở trên người khác. Đây là bệnh lý của quyền lực, sự ảo tưởng quyền lực khiến họ không thể nhìn thấy bộ mặt thật của hiện tại và những gì là cần thiết nhất. Phương thuốc cho căn bệnh này chỉ là sự khiêm tốn; chân thành hơn, nhà lãnh đạo cần hiểu: "Tôi chỉ là một người đầy tớ. Việc tôi đang làm chỉ là bổn phận của tôi ".

2. Căn bệnh "luôn bận rộn"

Nó được tìm thấy ở những người đắm mình trong công việc và bỏ bê “thời gian nghỉ ngơi”. Từ đó họ dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng và kích động. Thời gian nghỉ ngơi là điều cần thiết và cần được thực hiện nghiêm túc khi mỗi nhà lãnh đạo đã hoàn thành nhiệm vụ: hãy dành thời gian với gia đình mình và tôn trọng các ngày lễ như những khoảnh khắc làm mới lại bản thân.

3. Căn bệnh về tâm hồn “hóa đá”

Nó thường thấy trong các nhà lãnh đạo có một trái tim sắt đá, những "người cứng cổ" hay ở những người đã mất đi sự thanh thản nội tâm, sự tỉnh táo và táo bạo, và tâm hồn bị giấu dưới một đống giấy tờ mà không có sự từ bi. Thật là nguy hiểm khi biến thành một nhà lãnh đạo có tâm hồn “hóa đá”, khi ấy họ mất đi khả năng chia sẻ và cảm thông với mọi người.

4. Căn bệnh máy móc và quá chức năng 

Khi một nhà lãnh đạo lên kế hoạch cho tất cả mọi thứ đến chi tiết cuối cùng và tin tưởng về kết quả với những kế hoạch hoàn hảo đó, họ sẽ trở thành người giống như một nhân viên kế toán hay quản lý văn phòng. Những điều chi tiết cần phải được chuẩn bị tốt, nhưng đừng sa đà mà cần hướng đến sự linh hoạt và thích ứng. Căn bệnh này rất dễ mắc phải nếu nhà lãnh đạo ít vận động và thiếu sự linh hoạt trong suy nghĩ.

5. Căn bệnh thiếu tính hợp tác

Một khi nhà lãnh đạo đã đánh mất ý thức cộng đồng với tổ chức, tổ chức sẽ mất đi tính hài hòa và cân bằng của nó; sau đó nó sẽ trở thành một dàn hợp xướng lộn xộn: các thành viên không làm việc cùng nhau và mất tinh thần của tình bạn hay đồng đội.

6. “Bệnh Alzheimer lãnh đạo” 

Nó chỉ là chứng mất đi trí nhớ về những ai đã tạo ra động lực và niềm tin cho chúng ta. Căn bệnh này thường thấy ở những nhà lãnh đạo có tính tự tôn cao, họ quên hết những lời khuyên, những cảm xúc mà người khác mang lại, họ tôn thờ bản thân và chìm đắm vào những công trình họ tự tạo ra.

7. Căn bệnh chuộng hư danh. 

Khi những đặc quyền (hay quyền lực) xuất hiện, các chức danh trở thành mục tiêu để họ vươn tới, và họ quên mất nhiệm vụ cơ bản của các nhà lãnh đạo là phục vụ tổ chức không những chỉ vì lợi ích riêng của cá nhân và sẽ được đền đáp mà còn là đem lại lợi ích cho người khác và tổ chức.

8. Căn bệnh sáo rỗng

Đây là bệnh của những người sống một cuộc sống hai mặt, đạo đức giả với tâm hồn trống rỗng. Đó là một bệnh thường gặp ở những người không còn trực tiếp liên lạc với khách hàng và những nhân viên "bình thường" mà bị giới hạn trong những vấn đề quan liêu, do đó mất liên lạc với thực tế, với những người cụ thể.

9. Căn bệnh nói xấu người khác, cằn nhằn và hay tranh cãi

Đây là một căn bệnh trầm trọng mà nguyên nhân thường đơn giản, có lẽ ngay cả trong những cuộc nói chuyện nhỏ, họ sẽ là "người gieo giống cỏ dại" cho những cuộc tranh cãi vô bổ, thậm chí dẫn đến rạn nứt quan hệ đồng nghiệp. Đây là bệnh của người hèn nhát, người thiếu can đảm để nói ra trực tiếp, thẳng thắn. Căn bệnh này khiến chúng ta phải cảnh giác để chống lại sự khủng bố của tin đồn!

10. Căn bệnh sùng bái thần tượng

Đây là bệnh của những người muốn vuốt ve cấp trên của họ với hy vọng được ưu ái. Họ là nạn nhân của chủ nghĩa cơ hội và thói háo danh; họ tôn vinh cá nhân chứ không phải tổ chức. Họ chỉ nghĩ đến những gì họ có thể nhận được, họ là người nhỏ mọn, không hạnh phúc chỉ bởi sự ích kỷ gây chết người của mình. Cấp trên cũng có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, khi họ cố gắng để có được lòng trung thành và sự phụ thuộc của cấp dưới, nhưng kết quả cuối cùng là việc cả hai cùng mắc bệnh chung.

11. Căn bệnh thờ ơ

Đây là căn bệnh mà nhà lãnh đạo chỉ nghĩ của bản thân mình, và mất đi sự chân thành và ấm áp trong mối quan hệ với nhân viên. Điều này có thể xảy theo nhiều cách: Khi người có kiến thức sâu nhất không chia sẻ cho những người mới, khi bạn học được một thứ gì hay ho nhưng không chia sẻ cho người cần nó hơn bạn hay khi bạn cảm thấy vui khi người khác “ngã ngựa”.

12. Căn bệnh nghiêm trọng hóa vấn đề

Bạn thấy bệnh này ở những người hay cau có, nghiêm khắc, những người hay nghiêm trọng hóa vấn đề, và những người đối xử với người khác (nhất là cấp dưới) khắt khe và kiêu ngạo. Trong thực tế, họ thường có triệu chứng của sự sợ hãi và bất an trong khi tổ chức thực sự cần một nhà lãnh đạo mang đền niềm vui, sự lạc quan và tinh thần hăng say, vui tươi cho mọi người.

13. Căn bệnh thiếu thốn về tâm hồn

Căn bệnh này thường gặp ở các nhà lãnh đạo cố gắng lấp đầy một khoảng trống tồn tại trong trái tim của mình bằng cách tích lũy của cải vật chất, không phải vì nhu cầu mà chỉ để cảm thấy an toàn. Thực tế là chúng ta không thể mang hàng hóa vật chất và tất cả các kho báu sẽ không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống đó; thay vào đó, họ sẽ chỉ làm cho nó sâu hơn và đòi hỏi nhiều hơn. Việc dùng vật chất để khỏa lấp sự thiếu thốn trong tâm hồn chỉ là gánh nặng và không thể thay đổi được sự thiếu thốn đó!

14. Căn bệnh luẩn quẩn

Căn bệnh này thường thấy ở những tổ chức có sự chia bè, phái. Bệnh này cũng luôn luôn bắt đầu với một lý do tốt, nhưng thông qua thời gian nó biến tường thành các phe cánh và đe dọa sự hòa hợp của tổ chức và gây thiệt hại to lớn, đặc biệt là với những người bị đối xử như người ngoài.

15. Căn bệnh ngông cuồng và thích hào nhoáng

Bệnh này xảy ra khi một nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực để thu lợi vật chất, hoặc để có được quyền lực lớn hơn. Đây là bệnh của người không từ thủ đoạn để tranh giành quyền lực hay những người cố chứng tỏ họ hơn người khác. Bệnh này gây hại rất lớn bởi vì nó làm cho nhà lãnh đạo có thể đem công lý và sự minh bạch ra bao biện cho các hành động xấu!

Các căn bệnh trên là mối nguy hiểm cho mọi nhà lãnh đạo và mọi tổ chức, nó có thể chỉ gây tác động cho cá nhân, nhưng cũng có thể là cả cộng đồng.

Vì vậy, hãy tự hỏi mình các câu hỏi sau đây (theo những lời khuyên của Giáo hoàng) để đánh giá bạn hay một người nào đó có phải là một nhà lãnh đạo “khỏe mạnh” hay không (hãy tự cho điểm theo thang 1-5 với mỗi câu trả lời): Bạn có …

• Cảm thấy bạn làm việc tốt hơn những người làm việc cho bạn?

• Đang thể hiện sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

• Chạy theo hình thức thay vì con người thật sự?

• Dựa quá nhiều vào kế hoạch và không đủ tự tin vào trực giác và cảm hứng?

• Dành quá ít thời gian để xây dựng các mối quan hệ?

• Thất bại trong việc nhận ra bạn đang nợ những người cố vấn cho bạn và những người khác?

• Quan tâm quá nhiều đến danh vị và quyền lực?

• Cô lập bản thân mình với khách hàng và các nhân viên gần gũi?

• Bôi nhọ các động cơ làm việc và các thành tựu của những người khác?

• Khuyến khích sự tôn sùng và phục tùng hay không?

• Đặt thành công của chính mình trước sự thành công của người khác?

• Thất bại trong việc xây dựng môi trường làm việc đầy niềm vui và tiếng cười?

• Ích kỷ khi nói đến việc chia sẻ phần thưởng và lời khen ngợi?

• Khuyến khích chủ nghĩa bè phái hơn là tính cộng đồng?

• Cư xử theo những cách mà có vẻ ích kỷ với những người xung quanh?

Hãy đề nghị đồng nghiệp của bạn cùng kiểm tra xem họ có bị mắc căn bệnh nào không. Đừng ngạc nhiên nếu họ nói "Bạn không ổn vào hôm nay đúng không?." Giống như một loạt các xét nghiệm y tế, những câu hỏi này có thể giúp bạn ngăn ngừa các căn bệnh nêu trên và cải thiện sức khỏe “lãnh đạo” của bạn. Hãy nhớ rằng: khi bạn là nhà lãnh đạo, bạn có trách nhiệm và có sự ảnh hưởng đến người khác hơn chính bản thân mình. Tại sao bạn không biến những lời khuyên của Đức Giáo hoàng - một nhà lãnh đạo tinh thần của các nhà lãnh đạo – thành sự khôn ngoan và kiến thức của bạn?

>> Giáo hoàng kêu gọi từ bỏ công nghệ để trò chuyện thực sự

Phạm Thế Mạnh

Phạm Thế Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM