'Độc chiêu' phiên họp của các sếp lớn
Cựu lãnh đạo Apple từng đuổi người ngồi họp ra ngoài vì cô ta không cần thiết, còn CEO Evernote lại điều những nhân viên "chẳng liên quan" vào ngồi họp cùng.
Trung bình mỗi ngày người Mỹ tham gia 11 triệu cuộc họp. Theo ước tính, những cuộc họp vô bổ làm các công ty tiêu tốn 37 tỷ USD/năm.
Ngược lại, cũng có những CEO nổi tiếng điều hành họp hiệu quả với bí quyết riêng. Tạp chí Business Insider đã làm một thống kê nhỏ để so sánh phong cách trên bàn họp của các sếp Mỹ.
CEO General Motor - Nói ít, nghe nhiều
Ông Alfred Sloan điều hành GM từ những năm 1920 - 1950, có công đưa GM lên thành tập đoàn lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ 50, GM nắm giữ 46% thị phần ô tô Mỹ, tuyển dụng hơn 600.000 nhân viên.
Mở đầu các buổi họp, ông Sloan sẽ phát biểu mục tiêu, sau đó ngồi nghe cấp dưới báo cáo, rồi rời đi ngay.
Tuy nhiên khi về phòng, ông lập tức ngồi viết biên bản họp. Ông tóm tắt buổi thảo luận, các kết luận và nhiệm vụ được mọi người thống nhất.
Ông liệt kê rõ hạn chót và người chịu trách nhiệm thực hiện. Cuối cùng, ông gửi bản sao biên bản họp tới tất cả mọi người có mặt ngày hôm đó.
Chính những biên bản họp này đã biến Sloan thành một "lãnh đạo hiệu quả kiệt xuất", là yếu tố giúp GM vươn lên thống lĩnh thị trường vào thế kỷ 20.
CEO Tesla - Yêu cầu nhân viên chuẩn bị kỹ càng
Elon Musk là một người kỹ tính. Ông sẵn sàng sa thải nhân viên chỉ vì anh ta không đạt hạn chót.
Nếu tham gia họp cùng Musk, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng từ trước. Nếu ông bất chợt đưa ra câu hỏi và nhân viên không trả lời được, sẽ có chuyện xảy ra.
Giám đốc tài chính Facebook - Bám sát lịch trình
Buổi họp nào bà Sheryl Sandberg cũng mang theo một cuốn sổ gáy xoắn, liệt kê các chủ đề bàn luận và biện pháp thực thi.
Trong buổi họp, bà xóa mỗi danh mục và xé giấy sau khi thảo luận xong, và chuyển tới trang tiếp theo.
CEO Apple - Càng ít người càng tốt
Steve Jobs là người đưa Apple trở thành tập đoàn đáng giá nhất hành tinh, sản sinh ra những sản phẩm thân thiện với người dùng với thiết kế tối giản.
Đó cũng là phong cách điều hành các buổi họp của ông. Steve không thích nhiều người ngồi họp vì "lắm thầy nhiều ma".
Chuyện kể rằng trong một buổi họp hàng tuần, Steve phát hiện có một người lạ mặt xuất hiện trong phòng. Ông hỏi tên và chức vụ của cô gái, sau đó lịch sự mời cô ra ngoài.
"Tôi không nghĩ chúng tôi cần cô trong buổi họp. Cảm ơn cô", ông nói.
Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Barack Obama mời ông tới một buổi gặp mặt của các sếp công nghệ, Steve từ chối với lý do: Danh sách khách mời quá dài.
CEO Google - Không cần chờ họp
Năm 2011, khi Larry Page lên nắm chức CEO của Google, ông đã gửi một email tới toàn bộ công ty, tiêu đề: "Làm thế nào để họp hiệu quả?".
Trong email viết: "Không cần đợi họp mới đưa ra quyết định. Trong lúc thực sự cần, thì phải tổ chức họp luôn".
CEO Nike - Vừa họp vừa vẽ
Mark Parker thường vào họp với một cuốn sổ vẽ tay dày đặc các thiết kế sản phẩm.
Năm 2009, vận động viên xe đạp Lance Armstrong tham gia một cuộc họp kinh doanh với Parker. Vị CEO của công ty sản xuất đồ thể thao dành cả buổi hí hoáy tô vẽ trong cuốn sổ.
Cuối buổi họp, Armstrong xin phép Parker cho xem những bức hình ông vẽ.
"Anh ấy xoay trang giấy lại và cho tôi xem thiết kế của một đôi giày hoàn hảo", Armstrong nhớ lại.
Những bức ký họa khiến quá trình động não trở nên tách bạch. Đây là yếu tố giúp cân bằng giữa đòi hỏi của lĩnh vực thiết và của kinh doanh, Parker cho biết.
"Tôi quan tâm tới sự cân bằng. Bạn có thể bị lệch lạc lúc này hay lúc khác, chẳng sao cả, nhưng nhìn chung tôi để mắt tới điểm ổn định trong dài hạn để đạt được thành công".
CEO Yelp - Họp một đối một
Jeremy Stoppelman thường có những cuộc họp riêng với cấp dưới trực tiếp của ông hàng tuần.
"Tôi thích nghe mọi người nói về những vấn đề của họ, cả chuyện cá nhân và công việc, từ đó giải quyết các vướng mắc, để bộ máy tập đoàn hoạt động trơn tru", ông kể.
CEO Evernote - Cho nhân viên tiềm năng tham gia họp
Trong bất cứ buổi họp nào tại Evernote, cũng có một nhân viên "không liên quan". CEO Phil Libin muốn tận dụng các buổi họp như các đợt "huấn luyện văn phòng".
Nhân viên được cử đi họp ở các phòng ban xa rời nghiệp vụ, để khám phá các khu vực khác nhau trong công ty.
"Họ có nhiệm vụ phải lắng nghe mọi người bàn luận. Ngoài ngồi nghe, họ cần đặt câu hỏi và nói lên ý kiến", Libin nói.
CEO Amazon - Thích tranh cãi
Làm việc tại Amazon, xung đột là việc xảy ra thường ngày. Jeff Bezos nổi tiếng ghét sự "dĩ hòa vi quý", khi mọi người đồng tình với nhau vì ngại tranh luận.
Vì vậy, trong cuốn cẩm nang lãnh đạo tại Amazon, có đoạn viết:
"Các lãnh đạo có nhiệm vụ đặt câu hỏi với các quyết định họ cảm thấy bất hợp lý, kể cả khi việc này gây nên sự khó chịu và mệt mỏi. Các lãnh đạo cần có con mắt dò xét và đeo bám. Họ không thỏa hiệp để dĩ hòa vi quý. Mỗi quyết định được đưa ra, họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn".
>> Sếp FSoft Hoàng Nam Tiến: Một năm dự gần nghìn cuộc họp, bay hơn 100 chuyến
Theo Thảo Mai