Bí quyết giúp tự tin kết bạn ở nơi làm việc

15/05/2015 19:00 PM | Quản trị

Nhà tâm lý học Ron Friedman giải thích trong cuốn sách “The Best Place To Work” rằng có ba thứ cần thiết để tạo nên tình bạn: sự gần gũi về khoảng cách, sự thân quen và sự tương đồng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy cả ba thứ này này ở nơi làm việc.

Nội dung nổi bật:

- Kết bạn ở nơi làm việc là vấn đề không hề đơn giản. Trong môi trường làm việc cạnh tranh, hành động chia sẻ những thông tin nhạy cảm với đồng nghiệp có thể khiến bạn gặp rắc rối.

- Để kết bạn ở nơi làm việc đồng thời bộc lộ bản thân đúng cách, hãy thử tham khảo những lời khuyên dưới đây.


 

Tuy nhiên, còn một yếu tố cần thiết nữa cho tình bạn mà rất khó bắt gặp ở công sở, đó là việc “chia sẻ các bí mật”.

Theo các nhà nghiên cứu về quan hệ xã hội, để hai người kết nối với nhau một cách sâu sắc thì nói chuyện công việc là chưa đủ. Cả hai bên cần chia sẻ những điều riêng tư về bản thân mình. Khi mối quan hệ phát triển, mức độ cởi mở về bản thân cũng cần tăng lên.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington State nhận thấy điều này cũng đúng với tình bạn ở nơi làm việc. Khi phỏng vấn những người đang cùng làm việc để tìm hiểu nguyên nhân họ trở thành bạn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hình thức tự bộc lộ bản thân mà theo đó, mọi người chia sẻ nhiều vấn đề từ chuyện cá nhân, gia đình đến cuộc sống công sở.

Nhưng trong môi trường làm việc cạnh tranh, liệu hành động chia sẻ những thông tin nhạy cảm với đồng nghiệp có thật sự khôn ngoan không? Hãy tham khảo những lời khuyên sau đây để có thể cởi mở bản thân đúng cách tại nơi làm việc.

1. Bắt đầu bằng một câu chuyện tích cực

Chia sẻ thông tin riêng tư có thể giúp thắt chặt quan hệ. Dù vậy, Friedman khuyên bạn tốt nhất nên bắt đầu từ việc chia sẻ những trải nghiệm tích cực trước khi tiết lộ những điều nhạy cảm. Các cuộc trò chuyện đầu tiên với đồng ngiệp rất quan trọng vì ấn tượng đầu tiên sẽ ảnh hưởng lớn đến chúng ta. Ông nói: “Bạn muốn dùng những tương tác ban đầu đó để chứng minh sự khéo léo và lòng nhiệt thành – không phải lải nhải về điểm yếu cá nhân”.

2. Đừng đẩy nhanh quá trình

Friedman khuyên: “Bộc lộ bản thân không phải là thứ mà bạn muốn vội vàng”. Theo Shasta Nelson, tác giả cuốn “Friendships Don't Just Happen”, bằng cách khởi đầu từ tốn, chia sẻ nhiều lên và dần tiến đến tiết lộ những thông tin cá nhân nhạy cảm, bạn có thể trở nên tự tin hơn khi chia sẻ những điều thật sự riêng tư về bản thân.

3. Khiến hầu hết các tương tác là tích cực

Theo kinh nghiệm thông thường, Nelson gợi ý cứ mỗi một cuộc bàn luận tiêu cực thì nên có năm cuộc tích cực. “Hãy bù đắp những lời than vãn, những chia sẻ về vấn đề khó khăn hay áp lực công việc bằng cách tăng thêm cảm xúc tích cực cho những người xung quanh”.

4. Tìm kiếm điểm tương đồng

Friedman cho rằng sự tương đồng là nền tảng cơ bản của tình bạn. Ông gợi ý nên bắt chuyện với đồng nghiệp về những mối quan tâm chung, chẳng hạn như một bộ phim hay việc nuôi dạy con cái.

5. Tìm những thứ có thể cùng nhau phấn đấu

Friedman khuyên nên tìm những nhiệm vụ đòi hỏi cộng tác mà bạn và đồng nghiệp cần nhau để thành công. “Kết nối với người khác sẽ dễ dàng hơn khi các bạn ở cùng phe và không ai có thể hoàn thành nhiệm vụ một mình”.

6. Cởi mở về những chuyện không liên quan đến công việc

Theo Friedman, càng nói nhiều những vấn đề ngoài công việc, mọi người càng có khả năng trở thành bạn bè. Thay vì kể lể về sếp hoặc thời hạn hoàn thành nhiệm vụ quá gấp, hãy thử trò chuyện về kế hoạch đi chơi cuối tuần, gặp gỡ gia đình người yêu hay sở thích mới của bạn.

7. Cùng nhau đánh giá tình bạn

Thảo luận với nhau về tình bạn, đặc biệt là bất cứ giới hạn nào có thể quan trọng với bạn và đồng nghiệp ở nơi làm việc. Nelson cho rằng điều này rất thiết yếu. Bà gợi ý nên hỏi nhau những câu như: “Bạn lo lắng gì về chuyện làm bạn với một ai đó ở cơ quan?” và “Chúng ta có thể làm gì để giảm bớt nỗi lo đó?”.

>> Đối phó ra sao với sếp tồi ở công sở?

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM