6 thói quen xấu nên thay đổi trong năm mới
Nhiều doanh nhân mắc phải những thói quen xấu không giúp ích gì cho doanh nghiệp của họ. Nếu bạn là một doanh nhân, người đang bị lún sâu vào những thói quen xấu dưới đây thì hãy xem xét để đẩy lùi nó trong năm 2015.
1. Đảm nhận quá nhiều vai trò
Nhiều khả năng bạn là một nhà quản lý tuyệt vời, bậc thầy về SEO, quản luôn việc tiếp thị trực tuyến, trưởng phòng nhân sự kiêm luôn trợ lý giám đốc điều hành...
Trong những giai đoạn đầu của một công ty khởi nghiệp, khi bạn thực sự không đủ tiền để tuyển hoặc thuê nhiều nhân sự cho các vị trí, mỗi người đều phải đảm nhận nhiều vai trò. Tuy nhiên, bạn không thể để tình trạng này kéo dài, mà phải tuyển những người có chuyên môn cho từng vị trí càng sớm càng tốt. Mọi người thường không giỏi làm nhiều việc như họ nghĩ.
2. Quản lý cả những điều nhỏ nhặt
Quản lý cả những điều nhỏ nhặt là một trong những thói quen xấu nhất của các nhà quản lý thiếu năng lực, vì nó có thể dẫn tới việc bị stress nặng, thậm chí là tự hủy hoại bản thân. Nó không chỉ gây ức chế cho chính bạn mà còn khiến các nhân viên nghĩ rằng bạn không tin tưởng họ (hoặc nghĩ rằng họ ngu dốt).
Nó cũng khiến bạn phải làm hết mọi việc và đó là điều khó có thể chấp nhận được. Nếu bạn không thể tự mình thay đổi thói quen này, hãy tuyển một chuyên gia tư vấn.
3. Chỉ chạy theo tiền bạc
Trước tiên, bạn đang làm việc vì cái gì? Đó không thể chỉ là vì tiền. Ít nhất một phần trong các lý do phải là niềm đam mê. Khi công ty khởi nghiệp của bạn đem lại một khoản lợi nhuận đầu tiên (việc này phải mất hàng năm), bạn sẽ dễ bị cuốn vào cuộc chơi tiền bạc.
Một số doanh nhân tự cho rằng họ có tiềm năng vô hạn để kiếm tiền, chừng nào họ còn tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, chính điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách hành xử của bạn cũng như cách nhân viên, đối tác và những người xung quanh nhìn bạn.
Vì vậy, hãy xem bạn cần tính toán lại bỏ ra bao nhiêu thời gian thì vừa, số tiền bạn muốn kiếm được mỗi năm và số giờ làm việc khả thi mỗi tuần dựa trên những điều này.
4. Làm việc không có ngày nghỉ
Sẽ có những trường hợp ngoại lệ mà bạn phải làm việc liên tục 7 ngày một tuần, nhưng việc đó không nên trở thành thông lệ. Con người nói chung và doanh nhân nói riêng cần dành thời gian để trí óc và cơ thể nghỉ ngơi nhằm sạc lại năng lượng. Nếu bạn làm việc không ngừng nghỉ, chưa chắc bạn có thể làm tốt nhất công việc của mình, trong khi mọi người, từ nhân viên cho tới các khách hàng sẽ gánh chịu hậu quả.
5. Không tách biệt giữa công việc và cuộc sống riêng
Điều này có chút liên quan tới việc làm việc không có ngày nghỉ. Các doanh nhân rất dễ phạm phải thói quen này. Chẳng hạn coi việc kiểm tra email trước khi đi ngủ là “làm việc”? Điều này thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các thói quen ngủ của bạn và cả hiệu quả nói chung tại nơi làm việc.
Hầu hết các chuyên gia về giấc ngủ khuyến cáo bạn không nên tương tác với các thiết bị điện tử từ 2-3 tiếng trước khi đi ngủ.
6. Phụ thuộc quá nhiều vào bạn bè
Nghe có vẻ hợp lý khi tuyển những người bạn thân vào làm việc cùng khi bạn mới khởi nghiệp, nhưng có thể họ không phải là những lựa chọn tốt nhất cho từng vị trí.
Bạn cần tuyển những ứng viên có năng lực nhất và tiếp tục tiến lên phía trước dựa trên nền tảng của những gì tốt nhất cho công ty nếu bạn muốn vẫn tiếp tục tồn tại trong 5 năm tới (điều này không có gì đảm bảo), song không có nghĩa là bạn phải tuyển những người không cùng quan điểm, chí hướng.
Thay đổi những tất cả những thói quen trên có thể là thách thức lớn đối với một số doanh nhân, nhưng nếu muốn phát triển doanh nghiệp và thay đổi bản thân trong năm 2015, đã tới lúc bạn cần xem xét nghiêm túc những điều không hiệu quả dù nó có thể mất thời gian và gặp những khó khăn. Hãy tiếp tục chiến đấu.
>> 8 cách phá hủy nhanh nhất động lực làm việc của nhân viên
Theo DIỆU LINH