12 cách để thực hiện đào tạo nhân viên trong công việc hàng ngày (P1)

19/09/2014 07:45 AM | Quản trị

Mọi người thường nghĩ việc đào tạo nhân viên của doanh nghiệp nhất thiết phải thực hiện một cách bài bản là mở lớp, giảng lý thuyết sau đó mới thực hành. Nhưng đó là một quan điểm cũ, cách tốt nhất để đào tạo công việc cho nhân viên của bạn chính là đào tạo thông qua công việc hàng ngày.

Mọi nhân viên đều mong đợi những cơ hội để họ có thể học hỏi, phát triển kiến thức cũng như kỹ năng trong công việc mà không phải đánh đổi bằng thời gian làm việc hay thời gian riêng tư của họ.

Và bạn có thể sử dụng phương thức đào tạo thông qua công việc hàng ngày để thực hiện các mong muốn đó và có thể biến nó trở thành nhu cầu, thông lệ hay thậm chí thành văn hóa của doanh nghiệp. Không giống như đào tạo ngoài thời gian làm việc, bạn có thể mang tới một hình thức đào tạo đầy hứng thú cho các nhân viên của bạn với hiệu quả không thua kém các hình thức đào tạo của các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên nghiệp.

Sau đây là 12 cách đào tạo thông qua công việc hàng ngày sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian, chi phí cũng nhưng tận dụng được các nguồn lực sẵn có và hơn hết, nó gắn liền với công việc và đem lại hiệu quả rất cao. Nếu bạn chưa từng thử, hay thử nghiệm tại doanh nghiệp của bạn và xem hiệu quả mà nó đem lại, bạn sẽ ngạc nhiên đấy.

1. Kèm cặp nhân viên

Có thể nói quan hệ kèm cặp nhân viên giữa người quản lý và nhân viên dưới quyền là một cách thức mang lại kết quả win – win cho tất cả các bên liên quan: nhân viên, người kèm cặp và doanh nghiệp.

Kèm cặp là một hình thức đào tạo trong công việc hết sức thực tế và hiệu quả thông qua việc theo dõi, hướng dẫn và kịp thời hỗ trợ cho nhân viên của nhà quản lý – người kèm cặp để kịp thời truyền tải những kinh nghiệm quý báu, hoàn hiện các kỹ năng cốt lõi và nâng cao chuyên môn cho nhân viên phục vụ công việc hiện tại cũng như xây dựng nền tảng cho sự phát triển của nhân viên.

Việc kèm cặp từ lãnh đạo hay bất cứ nhân viên dày dạn kinh nghiệm nào cho các nhân viên khác chính là chìa khóa để phát triển nhân lực trong nội tại doanh nghiệp.

2. Định kỳ tổ chức đào tạo nội bộ tổng thể

Đào tạo nội bộ tổng thể là hình thức đào tạo tập trung cho toàn bộ nhân viên doanh nghiệp của bạn trong một thời gian ngắn có thể với sự tham gia của các tác nhân bên ngoài (các chuyên gia tư vấn, dịch vụ đào tạo hay đối tác của bạn) để xây dựng các mối quan hệ phối hợp làm việc cũng như các nhóm làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp của bạn.

Về cơ bản, doanh nghiệp của bạn luôn có nhiều bộ phận, và việc phối hợp trong công việc là điều bắt buộc, với hình thức đào tạo này, bạn đang xây dựng các mối liên hệ gắn bó, các cách thức phối hợp cho nhân viên của bạn hay đơn giản hơn là phát hiện những vấn đề nội tại cản trở sự phát triển của tập thể.

Việc đào tạo theo hình thức này là tương đối phức tạp và cần những chuyên gia có kinh nghiệm cũng như kỹ năng phù hợp, nếu bạn không đủ khả năng, hãy tìm kiếm các chuyên gia từ bên ngoài.

3. Xây dựng một văn hóa đọc tại nơi làm việc

 

Bạn đau đầu tìm kiếm một giải pháp đơn giản để truyền tải kiến thức, kinh nghiệm làm động lực thúc đẩy sự phát triển của nhân viên? Hãy xây dựng văn hóa đọc tại doanh nghiệp, hãy tìm kiếm một nhóm nhân viên tình nguyện để bắt đầu với một số quyển sách liên quan đến công việc mà họ muốn đọc, để họ cùng nhau đọc, tóm tắt lại nội dung, thuyết trình trước lãnh đạo và đồng nghiệp hay thậm chí viết thành các bài báo nội bộ, phát triển dần đến khi nó trờ thành một nét văn hóa của doanh nghiệp. Dần dần bạn sẽ thấy không biết tại sao mọi người đều ham đọc và trao đổi, kiến thức của họ tăng lên, và hơn thế kinh nghiệm, kỹ năng sẽ được học nhanh hơn, bạn sẽ nhanh chóng thấy được sự tiến bộ từ họ.
 

4. Biến người được đào tạo thành người đi đào tạo

Trong một năm có thể doanh nghiệp của bạn sẽ có những “học bổng” để một vài nhân viên có thể tham gia các khóa học nâng cao trình độ bên ngoài, hay đơn giản chỉ là tham dự một lớp nâng cao kỹ năng cơ bản. Nếu bạn không tận dụng họ, khoản đầu tư đó thực sự sẽ không hiệu quả.

Hãy để họ trở thành những giảng viên, truyền đạt lại chính những gì họ đã được học cho đồng nghiệp hay thậm chí cả lãnh đạo. Có thể họ sẽ mang những ý tưởng sáng tạo từ bên ngoài để truyền lại, hay mang đến những phương thức hiệu quả hơn để mở mang kiến thức cho bản thân doanh nghiệp, hay khiêm tốn hơn, họ được thử thách thêm một lần nữa để khẳng định “học bổng” bạn đã cấp là không hề vô ích, họ đã nâng cao được trình độ.

Về hiệu quả chi phí thì việc để một nhân viên được đi đào tạo bên ngoài về truyền đạt lại, truyền tải lại hay đào tạo lại các nhân viên khác hay chính bạn là một hình thức tiết kiệm chi phí không hề nhỏ, chẳng hạn thay vì phải cấp 50 “học bổng” để đào tạo đội ngũ nhân viên, bạn chỉ phải bỏ ra 1 mà vẫn thu lại được hiệu quả cho 50 người, thêm vào đó thời gian làm việc bị mất đi không hề lớn về tổng thể.

Tuy nhiên hình thức đào tạo này yêu cầu người được bạn cử đi đào tạo cần là người có tố chất, khả năng để có thể tiếp thu những tinh hoa từ các sự kiện bên ngoài. Việc cử đi đào tạo chính là cơ hội để bạn phát triển một nhân viên về kiến thức, kỹ năng và cũng là cách bạn tạo ra một chuyên gia đào tạo mới cho doanh nghiệp của bạn.

5. Đề bạt, thăng chức

Việc nâng cao vị trí của một nhân viên thông qua đề bạt, thăng chức có thể coi là một hình thức đào tạo. Vì thăng chức chính là động lực để nhân viên phát triển bản thân, để được thăng chức, nhân viên sẽ có động lực để học hỏi nhiều hơn, rèn luyện nhiều hơn sao cho phù hợp với vị trí mới.

Thậm chí cả sau khi thăng chức thì họ càng phải học hỏi nhiều hơn, và khi ấy bạn sẽ cần đào tạo họ nhiều hơn. Hơn thế, việc nâng vị trí của họ lên một tầm cao mới chính là việc bạn đang đào tạo họ những kiến thức và kỹ năng mới, mở rộng con đường sự nghiệp cũng như tố chất của họ.

6. Luân chuyển

Luân chuyển là một hình thức đào tạo thông qua việc thay đổi tính chất công việc và môi trường làm việc cho nhân viên, giúp họ có được các trải nghiệm khác nhau trong việc xác định con đường sự nghiệp sau này. Việc luân chuyển mang lại cho một nhân viên cũ các kinh nghiệm mới, trải nghiệm mới tại một nơi làm việc mới để họ có cơ hội tự học hỏi, hoàn thiện các kỹ năng còn thiếu sót.

Việc luân chuyển sẽ giúp cho nhân viên có được các cái nhìn mới hơn về tổng thể trong doanh nghiệp, mở rộng các mối quan hệ đồng nghiệp, có được những kinh nghiệm sâu sắc hơn và phát triển các tốt chất tiềm ẩn. Đây là hình thức được rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới áp dụng thường xuyên để tìm ra những nhân tài thực sự cho các vị trí quản lý trong tương lai.

>> Đường ngắn nhất dẫn tới trái tim nhân viên là thông qua dạ dày của họ!

Phạm Thế Mạnh

Phạm Thế Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM