Quả quyết về thành công của Hội nghị thượng đỉnh ngay từ phút đầu: Tổng thống Trump đã nắm chắc kết quả?
Cả hai bên đều tỏ ra vô cùng tích cực để đạt được thỏa thuận. Chủ tịch Kim thậm chí còn nhớ chính xác từ lần gặp ở Singapore đến lần tái ngộ tại Hà Nội là 261 ngày.
Ngay từ phút đầu gặp ông Kim Jong Un, ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định: "Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên là một thành công lớn và lần này cũng sẽ như vậy, hoặc thành công hơn".
Đáp lại, Chủ tịch Kim Jong Un cũng có những lời không thể thiện chí hơn: "Tôi thực sự tin rằng cuộc gặp gỡ thành công và tuyệt vời mà chúng ta đang có ngày hôm nay là nhờ vào quyết định dũng cảm, quyết định chính trị, mà đội của ông đã đạt được".
Khoảnh khắc đầu tiên của cuộc gặp Hà Nội là khi hai nhà lãnh đạo tiến vào khu vực chụp ảnh. Họ siết chặt tay nhau và mỉm cười, trước khi thể hiện biểu cảm nghiêm túc trước các thiết bị ghi hình của giới truyền thông.
“Họ rất nỗ lực để thể hiện rằng quan hệ của họ đã được cải thiện từ lần gặp mặt trước”, ông Allan Pease - chuyên gia ngôn ngữ hình thể Australia nhận định.
Theo chuyên gia Singapore Karen Leong , Chủ tịch Kim lần này đã thể hiện sự tự tin hơn hẳn so với hội nghị thượng đỉnh năm ngoái. Trong khi đó, ông Trump chào đón ông Kim với lòng bàn tay hướng lên, dấu hiệu dường như cho thấy thiện chí của ông Trump.
"Cái ông Trump muốn là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Ông ấy không ở đây để áp đảo, ông ấy đến để nâng cao quan hệ với ông Kim", ông Leong đánh giá.
Mặc trang phục đen mang phong cách châu Á, nhà lãnh đạo Triều Tiên ngồi khá thoải mái và mỉm cười khi ông Trump nói chuyện với ông. Ông Trump thể hiện tư thế ngồi mạnh mẽ, với đôi bàn tay chắp thành hình tam giác lộn ngược kiểu "tháp chuông" - thể hiện sự tự tin của ông. Cùng lúc, ông Kim đặt tay 2 tay lên đùi, tư thế biểu tượng cho sự tự chủ.
"Tôi nghĩ rằng đất nước của bạn có tiềm năng kinh tế to lớn", Tổng thống Mỹ nói. "Tôi tin bạn sẽ có một tương lai vĩ đại với đất nước của mình - một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Tôi mong muốn được thấy điều đó xảy ra, và tôi sẽ giúp điều đó thành sự thật".
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại khách sạn Metropole ở trung tâm thành phố Hà Nội. Các quan chức Mỹ hy vọng bằng chứng trực tiếp về sự chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam sẽ giúp thuyết phục ông Kim chấm dứt chương trình hạt nhân và thiết lập quan hệ thương mại mạnh mẽ với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Các nhà đàm phán Mỹ, bao gồm Stephen E. Biegun, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã tới Hà Nội vài ngày trước ông Trump để gặp các đối tác của Triều Tiên và đặt nền móng cho các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào hôm 28/2.
Hoa Kỳ hy vọng sẽ khiến ông Kim sẽ đồng ý thực hiện các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa. Thành công hay thất bại của ông Trump trong việc giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên sẽ xoay quanh một biện pháp: gỡ bỏ vũ khí hạt nhân tầm xa được bao quanh bởi những bức tường cao và dây thép gai, được tình báo Mỹ theo dõi đầu những năm 1980.
Yongbyon là trung tâm sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Triều Tiên. Nếu ông Trump có thể khiến việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân dừng lại ở Yongbyon, ít nhất ông có thể "đóng băng" vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tại thời điểm Triều Tiên có 30 đến 60 vũ khí hạt nhân.
Ngừng sản xuất có nghĩa là tháo dỡ lò phản ứng cũ, vô hiệu hóa một lò mới và tách rời một cơ sở làm giàu uranium. Các quan chức tình báo Mỹ nói rằng họ tin rằng có ít nhất một cơ sở khác như vậy ngoài Yongbyon.
Ông Trump đã được thông báo rằng nếu ông có thể khiến các cơ sở bị phá hủy, ông sẽ đạt được tiến bộ mà không tổng thống nào khác có được. Và tất nhiên, ông Trump cần phải khiến ông Kim đồng ý tiếp nhận các thanh tra quốc tế, những người đã không được phép kiểm tra quá trình giải trừ hạt nhân có thực sự diễn ra hay không từ nhiều năm trước. Công việc của họ là ghi chép lại các cơ sở nào đã được tách ra và theo dõi các kho dự trữ uranium và plutonium.
Về phần mình, Triều Tiên muốn các nhượng bộ từ Hoa Kỳ có thể khởi động nền kinh tế của họ, giống như gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Ông Kim cũng muốn một tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên, một hiệp ước hòa bình, tiếp nối hiệp định đình chiến đạt được vào năm 1953.
Jean H. Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, nói rằng: ông Kim muốn thay đổi mối quan hệ với Hoa Kỳ, để cải thiện nền kinh tế của mình.
Tổng thống Donald Trump đã đăng một tweet trên trang Twitter cá nhân của mình rằng ông đã có những cuộc gặp gỡ và ăn tối tuyệt vời vào tối nay (27/2) tại Việt Nam với Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên. Dòng tweet được đăng kèm theo một video, hai ông Trump và Kim bắt tay, và hai người mỉm cười khi đi bộ và trò chuyện.