Picasso từng nói ‘các nghệ sĩ giỏi thường sao chép, còn các nghệ sĩ vĩ đại thì thường ăn cắp’: 5 tập đoàn cực lớn thành công nhờ bắt chước y hệt, thậm chí "bóp chết" đối thủ đi trước

17/07/2021 15:21 PM | Kinh doanh

Những câu chuyện mà bắt chước sẽ mang lại kết quả tốt hơn và nhanh hơn nhiều việc đổi mới.

Khi tôi còn học về chuyên ngành kinh doanh ở trường đại học, tôi luôn được dạy rằng bạn phải là người tiên phong trong một lĩnh vực nào đó thì mới có được thành công. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu về những lợi thế của việc tiên phong so với các đối thủ cạnh tranh cùng với việc đổi mới và sáng tạo.

Tôi đã dành hàng giờ để mơ mộng về những ý tưởng mới. Thậm chí tôi cũng đã thực hiện được một vài ý tưởng. Nhưng trên thực tế, việc tiên phong trong lĩnh vực nào đó không phải lúc nào cũng tốt nhất.

Đôi khi, bạn phải trả tiền để biết được những gì đang diễn ra trên thị trường. Từ đó, bạn sẽ có nền tảng để mở rộng phạm vi ý tưởng của bản thân, tìm ra những cách cải thiện sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có. Và trong một số trường hợp cần thiết, bạn có thể sao chép nó.

Sao chép và thực hiện giống hệt

Ngay cả huyền thoại Steve Jobs, người đã từng kiện một số công ty về tội sao chép và đánh cắp tài sản trí tuệ của ông, cũng từng nói:

"Picasso từng nói một câu rất hay ‘các nghệ sĩ giỏi thường sao chép, còn các nghệ sĩ vĩ đại thì thường ăn cắp’. Chúng ta thường không cảm thấy ngại khi ăn cắp những ý tưởng tuyệt vời."

Tôi đoán trong trường hợp của Jobs, ông có thể ăn cắp ý tưởng của người khác nhưng không một ai có thể ăn cắp ý tưởng của ông.

Hãy tìm hiểu về 5 doanh nghiệp đã đạt được thành công nhờ việc bắt chước ý tưởng của người khác.

1. Alando và eBay

Trong số những người bắt chước kinh doanh thành công nhất không thể không nhắc đến anh em nhà Samwer. Alexander, Oliver và Marc được mệnh danh là "vua nhân bản" khi không ngần ngại mở rộng các công ty của mình bằng việc bắt chước. Họ chọn cách bắt chước cách thức hoạt động của các công ty mạng đang rất phát triển hiện có.

Vào năm 1998, khi Marc Samwer đang sống tại San Francisco, anh nhận thấy rất nhiều đồng nghiệp và bạn bè của mình đang sử dụng eBay. Nhìn thấy được nền tảng này có nhiều cơ hội phát triển tại Đức, anh đã gửi email cho eBay để hỏi thử liệu anh có thể ra mắt eBay ở Đức hay không.

Sau một khoảng thời gian không có hồi âm, Marc và những người anh em của mình quyết định xây dựng một bản sao của eBay. Vào tháng 2 năm 1999, họ đã cho ra mắt Alando. Về cơ bản, nền tảng này là một bản sao của eBay bằng tiếng Đức.

Chưa đầy 3 tháng sau, eBay đã mua lại Alando với giá 43 triệu USD.

Đó được xem là khoản lợi nhuận đầu tư cực kì nhanh chóng của anh em nhà Samwer. Sự kiện đó cho thấy rằng eBay nên trả lời email của họ ngay từ ban đầu để có cơ hội phát triển hơn.

2. Instagram và Snapchat

Năm 2015, chủ sở hữu của Instagram, Facebook lo ngại rằng họ sẽ mất người dùng vào tay Snapchat. Người dùng mạng xã hội đã chuyển sang Snapchat do tính năng Snapchat Stories đang trở nên khá phổ biến. Ứng dụng này cho phép người dùng dễ dàng đăng trạng thái, chụp các bức ảnh thô và chỉnh sửa dễ dàng với việc bổ sung các bộ lọc và hiệu ứng. Đặc biệt, các stories sẽ biến mất sau một khoảng thời gian cụ thể.

Mark Zuckerberg luôn muốn trở thành ông hoàng trong lĩnh vực truyền thông xã hội và thường xuyên theo dõi các đối thủ cạnh tranh của mình. Năm 2013, anh đã đưa ra lời đề nghị trị giá 3 tỷ USD để mua lại Snapchat và bị từ chối. Có lẽ, chính sự từ chối đó đã dẫn đến việc nhóm của anh nghiên cứu và phát hành một bản sao của Snapchat Stories. Thậm chí, họ còn sử dụng lại từ "Stories" cho tên ứng dụng.

Tháng 8 năm 2016, Instagram Stories đã được phát hành. Giám đốc điều hành Instagram, Kevin Systrom đã thừa nhận hành vi ‘trộm cắp’ của mình. Anh nói rằng: "Họ (Snapchat) xứng đáng nhận được tất cả những lời khen". Chỉ trong 8 tháng sau đó, số lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Instagram Stories đã vượt mặt Snapchat, trong đó có hơn 250 triệu người dùng đã sử dụng Instagram Stories. Giá cổ phiếu Snapchat đã bị ảnh hưởng rất lớn. Đây được xem là chiến lược vừa tàn nhẫn vừa thành công rực rỡ của Instagram. Nó đã đánh bại một trong những đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất và đưa người dùng quay trở lại sử dụng Instagram.

Picasso từng nói ‘các nghệ sĩ giỏi thường sao chép, còn các nghệ sĩ vĩ đại thì thường ăn cắp’: 5 tập đoàn cực lớn thành công nhờ bắt chước y hệt, thậm chí bóp chết đối thủ đi trước - Ảnh 1.

3. Xerox và Apple

Steve Jobs có khối óc của một thiên tài. Sự thiên tài đó thể hiện qua cái nhìn của ông đối với các doanh nghiệp khác trong ngành. Các doanh nghiệp khác sẽ luôn có những sản phẩm tốt hơn. Và với ông, đó chính là lợi thế để học hỏi và ăn cắp ý tưởng của họ. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất chính là vụ đánh cắp công nghệ từ Xerox của ông.

Vào năm 1979, Apple đang trên đà phát triển và chuẩn bị phát hành chứng khoán lần đầu tiên (IPO). Vào cùng thời điểm đó, Xerox cũng đang điều hành trung tâm Nghiên cứu Palo Alto. Tại đây, những thiên tài với bộ óc xuất sắc nhất sẽ có cơ hội để đổi mới và phát triển, cho ra đời những ý tưởng mới để Xerox có thể kiếm tiền từ nó.

Để đổi lấy Cổ phiếu của Apple trước khi IPO đạt giá trị 1 triệu USD, Xerox đã mời Jobs và một số kỹ sư Apple của ông đến tham quan cơ sở và tìm hiểu sâu hơn về hoạt động của họ.

Đó thực sự là một sai lầm! Jobs và nhóm của ông đã nhận thấy được công nghệ giao diện đồ họa cho người dùng (GUI) đột phá rất nhiều so với những gì mà Apple đã sản xuất trước đó. Nhóm Apple đã sao chép lại công nghệ đó một cách hiệu quả và ứng dụng nó vào sản phẩm mới nhất của họ, Apple Macintosh.

Xerox sau đó đã kiện Apple về việc này. Họ yêu cầu Apple phải bồi thường 150 triệu USD về tội sử dụng bất hợp pháp bản quyền của Xerox đối với dòng máy tính Macintosh và Lisa. Vụ kiện cuối cùng đã bị bác bỏ. Apple đã bán được hàng triệu chiếc máy tính trong khi Xerox lại bị xóa sổ khỏi thị trường máy tính cá nhân (PC).

4. Southwest và Pacific Southwest

Southwest Airlines (SWA) hiện là một trong những hãng hàng không giá rẻ thành công nhất thế giới. Thành công đó đạt được là nhờ sự sao chép gần như nguyên bản từ đối thủ cạnh tranh là Pacific Southwest Airlines (PSA). Căn bản, cả hai hãng hàng không này đều đặt tên khá giống nhau. Thậm chí, việc sao chép của họ còn đi sâu đến các chi tiết nhỏ nhất chẳng hạn như: các hướng dẫn sử dụng máy bay cũng được sao chép từng chữ từ PSA. Cựu Chủ tịch của SWA cũng không hề giấu giếm việc SWA đã phá vỡ mô hình kinh doanh của PSA.

"Southwest Airline đã sao chép mọi thứ của PSA đến mức bạn gần như có thể xem đây là một bản sao", Lamar Muse, chủ tịch Southwest Airline nhận định.

Vào thời điểm đó, các hãng hàng không trong khu vực còn ít nên PSA không coi SWA là đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, một vài đường lối kinh doanh không hiệu quả và một vụ tai nạn máy bay không mong muốn đã dẫn đến sự sụp đổ của PSA vào năm 1988. Trong khi đó, SWA là bản sao của họ, hiện giờ đã trở thành một hãng hàng không rất thành công.

5. CityDeal và Groupon

Tôi sẽ kết thúc bài viết này với một câu chuyện khác về anh em nhà Samwer.

Câu chuyện này liên quan đến sàn giao dịch trung gian Groupon. Vào tháng 12 năm 2009, thông qua một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Rocket Internet, họ đã đầu tư vào một bản sao của Groupon có tên là CityDeal. Tuy nhiên, với lần này, khoản lợi nhuận họ nhận được không đến một cách nhanh chóng như lần trước. Phải đến tận tháng 5 năm 2010, Groupon mới mua lại CityDeal với giá 170 triệu USD. 5 tháng là khoảng thời gian khá dài đối với anh em nhà Samwer!

Anh em nhà Samwer đã chọn con đường kinh doanh của mình theo hướng sao chép ý tưởng của các công ty khác. Các doanh nghiệp đó bao gồm: BillPay (PayPal), eDarling (eHarmony), StudiVZ (Facebook) và Pinspire (Pinterest). Thành công của họ cũng được thống kê với con số đáng kinh ngạc: 25% trong số các công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD đều trực thuộc công ty của Rocket Internet.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM