Ngành hàng không xoay sở trong đại dịch: Vietnam Airlines bán tàu bay, Vietjet đầu tư chứng khoán
Đó là những ví dụ tiêu biểu về ngành hàng không trong suốt giai đoạn vừa qua khi nguồn thu của các hãng từ vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng do những ảnh hưởng của COVID-19.
Với diễn biến dịch bệnh kể từ đầu năm, 2021 ngành hàng không chịu ảnh hưởng còn nặng nề hơn so với 2020. Tại hai giai đoạn cao điểm là Tết Nguyên Đán và mùa Hè, Việt Nam đều hứng chịu các làn sóng dịch bệnh tái bùng phát. Trong khi đó, đường bay quốc tế tiếp tục đóng băng.
Kế hoạch kinh doanh ảm đạm
Vietnam Airlines
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm 12% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.304 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 30,5%.
Kế hoạch của Vietnam Airlines được xây dựng trên các giả định: hoàn thành bán 11 tàu bay A321; Chính phủ cho phép mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin; cải thiện doanh thu trung bình trên các tuyến bay nội địa, khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện; hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về chi phí hạ cánh, điều hành bay, thuế BVMT, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế phí khác; hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines nhấn mạnh đến các giải pháp tự thân của doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí dự kiến 6.800 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất khoảng 10.788 tỷ đồng. Các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Vietjet Air
Diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 tại TP HCM khiến cho Vietjet Air phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh giảm manh so với mức đề ra ban đầu.
Doanh thu hợp nhất dự kiến 21.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020, trong đó doanh thu vận tải hàng không 15.500 tỷ đồng, tăng 2%. Ban lãnh đạo Vietjet Air đặt mục tiêu nỗ lực "không lỗ" trong năm nay.
Vận tải hàng hóa là cứu cánh
Trong bối cảnh doanh thu vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, các hãng hàng không đều gia sức tìm kiếm các nguồn thu khác.
Một trong những lựa chọn sáng sủa lúc này này là đẩy mạnh vận tải hàng hóa (freighter).
Tàu vận chuyển hàng hóa của Vietnam Airlines
Vietnam Airlines
Vietnam Airlines cho biết đã tháo ghế 5 tàu bay A350 và 2 tàu A321 để có thể tăng công suất chở hàng, kết hợp cùng các tàu chở trên cabin.
Trong tháng 6, doanh thu vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines thậm chí đã vượt doanh thu vận tải hành khách. Trong điều kiện thông thường, tỷ trọng hàng hóa/hành khách chiếm khoảng 10%.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines – ông Lê Hồng Hà nói rằng: "Đại dịch 2020 – 2021 là bước tập rượt quan trọng cho việc tổ chức vận tải hàng hóa của hãng hàng không. Vietnam Airlines đang có đề án xây dựng hãng hàng không hàng hóa ngay sau dịch bệnh".
Vietjet Air
Năm 2020, Vietjet cũng đã nhanh chóng chuyển đổi cấu hình máy bay hành khách sang vận tải hàng hóa. Doanh thu vận tải hàng hóa trong và ngoài nước tăng 16% thông qua các thỏa thuận liên danh. Vietjet cũng đã nâng cấp hệ thống đặt giữ chỗ tự động phục vụ hoạt động khai thác hàng hóa. Chiến lược mở rộng và tăng hiệu quả dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng được hãng hàng không nhấn mạnh.
Vietnam Airlines bán tàu bay - Vietjet đầu tư chứng khoán, bất động sản
Các hãng hàng không đua nhau tìm cách đa dạng hóa nguồn thu bên cạnh thúc đẩy mảng freighter như đã nói ở trên.
Vietnam Airlines
Như đã đề cập, Vietnam Airlines có kế hoạch triển khai bán 11 tàu bay A321 và 6 tàu bay ATR72 sản xuất giai đoạn 2009 – 2010 để bổ sung dòng tiền trong năm nay.
Ban lãnh đạo hãng hàng không quốc gia cũng cho biết đang báo cáo các cấp để thoái vốn ở một số danh mục đầu tư để có nguồn lực tài chính đảm bảo cho hoạt động kinh doanh.
Vietjet Air
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air nói rằng: "Bên cạnh hoạt động kinh doanh hàng không, công ty cũng tiến hành các hoạt động đầu tư khác. Trong đó có những tài sản, bất động sản đã bán với giá thị trường, sau đó thuê lại từng phần tùy theo nhu cầu để thu lại đồng vốn bằng tiền mặt. Từ tiền mặt này Vietjet Air cũng tìm kiếm phương án đầu tư để có được khả năng sinh lời tốt hơn. Đây cũng phải là các phương án có tính thanh khoản tốt để khi có nhu cầu tiền mặt có thể huy động được ngay".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietnam Airlines
Bà Thảo cho biết trong quý 1, Vietjet Air đã huy động toàn bộ nguồn vốn công ty chuyển vào đầu tư một số giấy tờ có giá có độ an toàn và tỷ suất lợi nhuận hợp lý hoặc các dự án đầu tư có khả năng đêm lại hiệu quả lợi nhuận.
"Tức là chúng tôi đầu tư vào một dự án đang phát triển, căn cứ theo dự báo, cam kết của chủ đầu tư có hiệu quả. Khi dự báo lượng tiền mặt trên thị trường có xu hướng tăng lên, đầu tư vào các giấy tờ có giá (như chứng khoán, trái phiếu) vốn chủ hoặc các dự án bất động sản đều có triển vọng tăng trưởng. Thực tế dự báo của chúng tôi đã được thị trường xác thực đúng đắn. Khoản đầu tư của Vietjet đem lại hiệu quả về tài chính, đóng góp vào kết quả tài chính của công ty", CEO Vietjet phân tích.
Rục rịch tăng vốn
Vietnam Airlines
Vietnam Airlines vừa được ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu thêm 8.000 tỷ đồng. Tuần trước, hãng hàng không cũng ký kết với 3 ngân hàng để sẵn sàng giải ngân gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, gói 4.000 tỷ được dùng để thanh toán một phần nợ quá hạn. Công ty sẽ gắn việc thanh toán nợ với quá trình đàm phán với chủ nợ để có lịch thanh toán hợp lý.
Gói tăng vốn 8.000 tỷ được kỳ vọng hoàn thành ngay trong quý 3. Số tiền này không chỉ thanh toán nợ mà bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dòng tiền khó khăn. Gói 8.000 tỷ cũng giúp bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines mạnh hơn tránh việc âm vốn chủ trong tương lai.
Nhưng ông Hiền cũng lưu ý, 12.000 tỷ là số tiền để giải quyết những khó khăn phát sinh trong năm 2020, nhưng không giải quyết được đẩy đủ và triệt để những vấn đề trong năm 2021.
Trong tương lai, Vietnam Airlines vẫn cần thiết có thêm các đợt phát hành tăng vốn nữa, có thể cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ để tăng nguồn vốn cho hãng hàng không đảm bảo hoạt động.
Vietnam Airlines sẽ tăng vốn thêm 8.000 tỷ ngay trong quý 3/2021
Vietjet Air
Vietjet Air được cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ. Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương – Giám đốc Tài chính Vietjet, các phương án chuẩn bị nguồn vốn đã được hãng hàng không chuẩn bị từ cuối năm 2020 và nhận được một số bản chào liên quan đến cổ phiếu và trái phiếu. Hiện tại, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Hồng Kông đang quan tâm đầu tư vào Vietjet.
Vietjet cũng có kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu riêng lẻ hoặc niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế với thời hạn dự kiến 5 năm.
Cắt giảm mạnh chi phí, tinh gọn bộ máy
Vietnam Airlines
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng việc chủ động xây dựng kế hoạch cắt giảm chi phí tự thân là quan trọng nhất trong năm nay. Hãng hàng không quốc gia có mục tiêu cắt giảm tới 6.800 tỷ đồng so với năm 2020 là gần 5.500 tỷ đồng.
Trong đó, lớn nhất là kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, đối tác để giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, đặc biệt với hợp đồng thuê tàu bay, hợp đồng phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay. Riêng nhóm này có thể giúp tiết kiệm 5.300 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cũng tiếp tục tối ưu, cắt giảm chi phí khác để giảm thêm từ mức 5.300 lên 6.800 tỷ đồng. Các giải pháp tinh gọn bộ máy, tổ chức được Vietnam Airlines đẩy mạnh. Việc giảm các lớp trung gian trong toàn tổng công ty dự kiến tiết kiệm hơn 700 tỷ đồng trong năm nay.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết cũng có những chính sách linh hoạt đối với lực lượng lao động, vừa đảm bảo chi phí tương ứng với thực tế vận hành, đồng thời vẫn có nguồn lực phục vụ khi thị trường hồi phục.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 9.700 lao động Vietnam Airlines không có công ăn việc làm do ảnh hưởng của đại dịch.
Vietjet Air
Vietjet Air nằm trong số các hãng hàng không có năng lực quản lý và tối ưu chi phí hàng đầu thế giới. Cũng giống như Vietnam Airlines, Vietjet triển khai các chương trình cắt giảm, tối ưu chi phí khai thác theo giờ bay. Đáng chú ý, Vietjet thành lập Công ty tự phục vụ mặt đất tại Nội Bài giúp tiết kiệm chi phí này.
Vietjet triển khai thành công việc hợp tác mua trữ và tra nạp nhiên liệu bay vào thời điểm giá nhiên liệu lao dốc, điều này giúp giảm chi phí nhiên liệu bay 25%. Các giải pháp kỹ thuật tối ưu hóa tiết kiệm nhiên liệu trên 8 triệu USD…
Hỗ trợ từ Chính phủ và kỳ vọng hàng không "cất cánh trở lại"
Các hãng đều kỳ vọng vào giải pháp vĩ mô của Chính phủ giúp ngành hàng không sớm hồi phục trở lại
Cả hai hãng hàng không hàng đầu đều thể hiện sự trân trọng các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ trong giai đoạn COVID-19 kéo dài, riêng với Vietnam Airlines Nhà nước còn đóng vai trò là chủ sở hữu hơn 86% cổ phần.
Chính phủ đã có các giải pháp giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, thuế bảo vệ môi trường, giảm phí cất hạ cánh, chi phí điều hành bay, giãn hoãn thuế và các chi phí khác…
Ban lãnh đạo Vietjet tin rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ với ngành hàng không trong năm 2021 này.
Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế hỗ trợ lãi suất 0% cho các khoản vay ngắn hạn và có thanh khoản trong 12 tháng; các khoản vay gia hạn được hỗ trợ lãi suất 4 – 5%.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải sửa đổi thông tư cho phép kéo dài hỗ trợ giảm 50% phí cất hạ cánh; kiến nghị tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, giải pháp khác về tín dụng để ngành hàng không hồi phục nhanh nhất.
Ông Đinh Việt Phương – Phó Tổng giám đốc Vietjet nói rằng: "Hỗ trợ lớn nhất mà ngành hàng không có thể nhận được là toàn bộ hệ thống chính trị đang quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19".
Chủ tịch Vietnam Airlines – ông Đặng Ngọc Hòa hy vọng vào quyết tâm rất lớn của Chính phủ về chiến dịch vắc xin. Dự kiến cuối quý 3 – quý 4, Việt Nam sẽ tiêm được cho phần lớn dân số và ngành hàng không bắt đầu hoạt động trở lại.
Vietnam Airlines đang báo cáo với Bộ Giao thông – Vận tải và Cục Hàng không chính sách vĩ mô với ngành, để làm sao thị trường hàng không trong nước phục hồi thì rất cả các hãng có đủ nội lực, năng lực tài chính đủ để có thể cạnh tranh với các hãng trong khu vực và thế giới.