Phó Thủ tướng: Có cả DN lớn lừa dối người tiêu dùng

28/11/2017 08:41 AM | Kinh tế vĩ mô

"Thời gian qua, có những vụ việc cho thấy không chỉ DN nhỏ mà cả DN lớn, có thương hiệu cũng đã gian lận, kinh doanh hàng giả, lừa dối người tiêu dùng"- Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

“Trong 10 năm qua lực lượng 389 quốc gia, QLTT…đã triển khai nhiều kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái hiện nay có tốc độ phát triển rất mạnh, chưa có giải pháp hữu hiệu để loại trừ”.

Đây là thông tin do ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết tại lễ Kỷ niệm 10 năm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái tổ chức ngày 29-11 tại TP.HCM.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh cho biết, gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thương của mình. "Do không xử lí triệt để nên hàng hóa của công ty đang tiếp tục bị làm giả, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như sức khỏe người tiêu dùng", ông Hải chia sẻ.

Trong khi đó, ông Takimoto Koji,Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, hàng hóa của các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam bị làm giả ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó riêng hàng giả nhãn hiệu Honda là 4.700 sản phẩm; làm giả xe máy khác và xe đạp điện của Nhật Bản lên tới 753 vụ.

Phó Thủ tướng: Có cả DN lớn lừa dối người tiêu dùng - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia biểu tại Lễ kỷ niệm

Theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, dù các DN lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ thương hiệu của DN, hàng hóa dịch vụ….

Tuy nhiên, thời gian qua, có những vụ việc cho thấy không chỉ DN nhỏ mà cả DN lớn, có thương hiệu cũng đã gian lận, kinh doanh hàng giả, lừa dối người tiêu dùng.

Và gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho DN đó, mà còn mất niềm tin đối với hàng Việt. Do đó, nhận thức của bản thân DN trong công tác chống hàng giả cũng cần được nâng lên.

Phó Thủ tướng đề nghị tại thị trường nội địa, lực lượng QLTT, thanh tra chuyên ngành… kiểm soát chặt chẽ không chỉ tại kênh phân phối truyền thống mà phải chú trọng kiểm soát bán hàng qua mạng, qua các phương thức TMĐT.

Tại biên giới các lực lượng hải quan, biên phòng…kiểm soát chặt chẽ ngay tại biên giới để kịp thời phát hiện xử lí hàng giả, kể cả đối với vấn đề nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Ngăn chặn cho được việc nhập khẩu hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Chúng ta phải hành động và hành động thiết thực hơn nữa, nói đi đôi với làm, không chấp nhận bất kỳ hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Tú Uyên

Cùng chuyên mục
XEM