Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới chia sẻ 'công thức làm bánh trung thu' trong phục hồi kinh tế Việt Nam
Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ 3 năm 2020, TS Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới cho biết "chiếc bánh trung thu" phuc hồi kinh tế Việt Nam bao gồm: một khu vực tư nhân sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI, các thể chế hữu hiệu và giáo dục có chất lượng.
Sáng ngày 29/9, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3 (VRDF 2020) với chủ đề "Việt Nam: Hành động để Phục hồi Tăng trưởng theo hướng Bền vững và Bao trùm trong Kỷ nguyên Covid-19".
Tại đây, TS Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định: Chúng ta đang chứng kiến một đại dịch chưa từng có trong lịch sử. Đây vừa là rủi ro nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội.
Covid-19 đã tạo ra những cơn gió ngược rất mạnh trên toàn cầu
Chia sẻ tại hội nghị, bà Victoria Kwakwa đã đánh giá cao những thành công mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc xử lý đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đại diện WB nhận định Covid-19 đã tạo ra những "cơn gió ngược rất mạnh đối với không chỉ những quốc gia đang phát triển, mà trên toàn thế giới". Những cơn gió ngược này thông qua tăng trưởng thương mại, bảo hộ thương mại đã ảnh hưởng tới mạng lưới sản xuất, tự động hoá,...
Phó Chủ tịch WB đã chỉ ra 5 xu hướng trên thị trường do dịch bệnh tạo ra.
Thứ nhất, Covid-19 đã làm chậm năng suất cũng như tăng trưởng GDP các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, dịch bệnh đã làm giảm nghiêm trọng nguồn vốn phát triển như FDI, đầu tư gián tiếp, kiều hối,...
Theo nghiên cứu mới nhất của WB, các doanh nghiệp 'ồ ạt tháo chạy' để bảo toàn vốn đã gây ra sự sụt giảm đột ngột trong định giá tài sản và tăng mức biến động của thị trường tài chính trên toàn thế giới.
Các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm đi 700 tỷ USD vào năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các thị trường mới nổi và vào các nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm đi 21,4% vào năm 2020 và 2021 bình quân.
Thứ ba, ảnh hưởng của Covid-19 khiến các dòng dịch chuyển chậm hơn bao gồm: dòng lao động, dòng thương mại và dòng vốn toàn cầu.
Đại dịch cũng làm trầm trọng thêm xu hướng của chủ nghĩa bảo hộ hiện hành và kéo theo khuynh hướng thiên về tự lực và tái cân bằng về phía nền kinh tế nội địa.
Thứ tư, Covid-19 gây xáo trộn, đứt gãy cho mạng lưới sản xuất toàn cầu ở quy mô chưa từng có.
Cuối cùng, Covid-19 khiến công nghiệp chế tạo nhằm gia tăng năng suất không còn hiệu quả đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển.
Cải thiện năng lực trong nước để được "chia miếng bánh" to hơn
Bà Victoria Kwakwa nhận định: "Đại dịch Covid-19 có thể khởi phát những thay đổi lâu dài về tổ chức và công nghệ đối với cách thức hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tự động hoá sản xuất, phát triển thương mại điện tử".
Bà khẳng định, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội trong bối cảnh các doanh nghiệp đa quốc gia tái phân bổ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hình thành các liên minh kinh tế.
"Việt Nam có nhiều dư địa để cải thiện và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và thu hẹp khoảng cách đối với các quốc gia phát triển", đại diện WB phát biểu.
Cuối cùng, bà kết luận: "Chúng ta sắp đến tết trung thu rồi, tôi muốn đưa ra công thức làm bánh trung thu (P.I.E) của Việt Nam để chúng ta phục hồi kinh tế một cách bền vững và đảm bảo tính bao trùm toàn xã hội".
Trong đó, P là khu vực tư nhân (private sector), một khu vực sôi động, sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI, I là thể chế tốt (Institutions) và E là giáo dục có chất lượng (Education).