[Phim hay] Cô đơn lạc lối: Liệu trên đời có phép màu không?

12/09/2015 19:42 PM |

Trên đời này có phép màu không? Có chứ! Phép màu của hy vọng và tình thân.

Thông tin phim:

Tên phim: Lost and Love – tạm dịch: Cô đơn lạc lối

Đạo diễn: Bành Tam Nguyên

Biên kịch: Bành Tam Nguyên

Diễn viên chính: Lưu Đức Hoa, Tỉnh Bách Nhiên

Công chiếu: 20.03.2015

Nội dung chính:

Có một vị thiền sư đã từng nói: “Hội ngộ hay chia ly đều là cái duyên. Còn duyên ắt sẽ còn hội ngộ, còn gặp lại. Nếu từ bỏ thì duyên sẽ ngưng."

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh người mẹ trẻ lang thang khắp nơi trên phố tìm kiếm đứa con bé nhỏ bị lạc mất. Dáng người nhỏ bé, khuôn mặt lo âu, gặp ai cô cũng hỏi về “Thiên Ý của tôi” nhưng không ai cho cô câu trả lời.

Cũng chung nỗi đau mất con như bà mẹ trẻ, nhưng người nông dân Lôi Trạch Khoan (Lưu Đức Hoa) đã mang nó suốt 16 năm ròng. Từ khi đứa con trai hai tuổi của anh bị bắt cóc, anh đã gom góp hết gia tài ít ỏi, khăn áo đi tìm con khắp nơi. Hành trang ít ỏi của anh là một đôi giày rách, một chiếc xe máy cà tàng, một bọc quần áo, và tấm bạt lớn in thông tin tìm con gài ở đuôi xe. 16 năm của cuộc đời rong ruổi kiếm tìm trong biển người mênh mông, sức mạnh nào khiến anh kiên trì đến vậy?

Từng là nạn nhân của bọn bắt cóc, chàng trai Tằng Soái (Tỉnh Bách Nhiên) không biết bố mẹ ruột của mình là ai. Trong kí ức nhạt nhòa của một đứa bé 4 tuổi, cậu chỉ nhớ mẹ để tóc dài và gần nhà có một cây cầu cáp. Lớn lên ngoài vòng tay bao bọc của bố mẹ, cậu có vẻ bề ngoài bất cần nhưng tấm lòng lại lương thiện, thích giúp đỡ người khác. Nhờ cơ duyên, cậu đã gặp Lôi Trạch Khoan, người đang đau đáu tìm con trai. Liệu đó có phải là duyên phận từ tình phụ tử?

Rất tiếc cho Lôi Trạch Khoan, Tằng Soái không phải là con trai của anh nhưng lòng kiên trì và tình yêu của anh dành cho con trai đã đánh thức những mong ước thầm kín của cậu thanh niên. Và hai người “bèo nước” gặp nhau, rong ruổi trên những chặng đường dài kiếm tìm người thân.

Chẳng biết trong 16 năm qua, Lôi Trạch Khoan đã từng trải qua những khó khăn gì nhưng lòng yêu con của anh chẳng bao giờ cạn. Chỉ cần nghe đâu đó có thông tin về con anh, dù mong manh nhưng anh vẫn muốn thử một lần. Chạy một quãng đường dài hàng nghìn cây số chỉ để nhìn thấy và hỏi đứa trẻ đó về những kí ức năm xưa.

Dù bị đánh, bị chửi, bị tống cả  người và xe xuống nước nhưng anh vẫn không từ bỏ. Tại sao anh không thể tha thứ cho mình, tha thứ để có thể làm lại từ đầu, để sinh 1 đứa con khác? Tình phụ tử, tình thân và nỗi đau mất đi đứa con quá lớn khiến anh chỉ có thể đi tìm, đi tìm mãi vì hi vọng con anh, ở một nơi nào đó cũng mong anh đến từng ngày.

Là một bộ phim phản ánh chân thực đời sống xã hội vì thế nước phim khá tối màu và rất ít thoại nhưng lại đầy ý nghĩa nhân văn. Diễn viên trong phim hầu như không thể hiện cảm xúc khổ đau, bi lụy nhưng chỉ bằng những hình ảnh đời thường nhất vẫn khiến khán giả xúc động. Hình ảnh người cha bị đánh thâm tím mặt mày ngồi cặm cụi khâu lại tấm bạt in hình con trai bị xé rách.

Hình ảnh đứa con của làng vạn chài, dõi con mắt đăm đăm hi vọng vào một ngày mình cũng sẽ tìm được cha mẹ ruột của mình. Hình ảnh cô bé Thiên Ý bị bắt cóc nhờ một người đi đường mà thoát khỏi tay cặp vợ chồng nọ. Hình ảnh cả làng mang băng rôn ra đón Tuyết Tùng (Tằng Soái), những cái ôm, những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa... chính những điều dung dị ấy khiến cho cho màu sắc bộ phim xã hội tưởng như u ám đau buồn trở nên tràn đầy hy vọng và tươi sáng.

Cùng khai thác một chủ đề không mới đó là nạn bắt cóc trẻ em nhưng “Cô đơn lạc lối” lại xoáy sâu vào việc khắc họa niềm tin và sự kiên trì để nối dài cơ duyên hội ngộ. Vì thế khi xem phim chúng ta sẽ cảm thấy xúc động nhưng không bi lụy.

Cùng với những chuyến hành trình của người nông dân Lôi Trạch Khoan, hi vọng cứ thế được thắp lên cho những mảnh đời không may bị chia cắt với người thân. Một điểm cộng  khác của bộ phim đó là đã đề cập tới ứng dụng của công nghệ, cộng hưởng của mạng xã hội trong việc tìm kiếm người thân mất tích. Nếu không nhờ những người tình nguyện viên trên diễn đàn, có lẽ Tằng Soái cũng chưa thể tìm thấy bố mẹ ruột của mình và Thiên Ý cũng khó có thể thoát khỏi bàn tay của người bắt cóc.

Bộ phim cũng chỉ ra rằng nhiều nơi trên đất nước này, thế giới này vẫn còn những người tốt, quan tâm đến nhau như anh cảnh sát giao thông, chị tình nguyện, cậu nhóc chụp ảnh... và lên án những kẻ vô lương tâm vì hạnh phúc của mình mà khiến mẫu tử chia lìa. Niềm tin, sự kiên trì và lòng tốt của mọi người đã làm nên điều kì diệu.

Đó thực sự là phép màu. Phép màu của tình thân và đồng cảm.

Thụy Dương

Cùng chuyên mục
XEM