Phát triển bền vững trong ngành công nghiệp: Phần mềm làm trung tâm, xây metaverse ảo để làm thật

13/05/2023 09:46 AM | Kinh doanh

Đối với ngành công nghiệp, không phải dây chuyền hay máy móc mà phần mềm sẽ đứng ở vai trò trung tâm. Một trong những xu hướng của tự động hóa lấy phần mềm làm trung tâm là xây dựng metaverse trong không gian công nghiệp.

Phát triển bền vững trong ngành công nghiệp: Phần mềm làm trung tâm, xây metaverse ảo để làm thật - Ảnh 1.

Nền kinh tế 12 tỷ USD từ phát triển bền vững

Việt Nam là một trong sáu quốc gia trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Năm 2022, tổng lượng phát thải carbon tại Việt Nam khoảng 321 ngàn tấn, gấp gần 15 lần trong 30 năm trở lại đây. Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và tham gia nhiều cam kết, sáng kiến khác như Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển carbon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển đổi để xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững hơn. Trong 4 năm qua, số lượng doanh nghiệp có mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam đã tăng gấp đôi mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ 7% trong số đó có thể thực hiện được kế hoạch phát triển bền vững của mình.

Phát triển bền vững trong ngành công nghiệp: Phần mềm làm trung tâm, xây metaverse ảo để làm thật - Ảnh 2.

Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chia sẻ trong Innovation Day 2023

Chia sẻ tại sự kiện Innovation Day 2023, đại diện Schneider Electric Việt Nam cho biết, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là không biết phải làm gì, không hiểu rõ tình trạng của công ty đang ở đâu để định hướng phát triển bền vững, lâu dài. Theo phát biểu của đại diện Schneider Electric, có thể chia hành trình phát thải carbon thành 3 scope, tương ứng với 3 nguồn phát thải. Cụ thể:

Scope 1: Nguồn phát thải trực tiếp từ các nhiên liệu hóa thạch như than đá, xăng dầu;

Scope 2: Nguồn phát thải gián tiếp sử dụng điện, nguồn năng lượng khác như lò hơi, hệ thống làm lạnh;

Scope 3: Nguồn phát thải liên quan đến toàn bộ chuỗi cung ứng, gọi là footprint (dấu chân carbon).

Hiện nay, riêng ngành công nghiệp đang đóng góp tới 40% lượng phát thải carbon trên toàn cầu. Trong đó, 73% phát thải nhà kính đến từ việc sử dụng năng lượng. Do đó, ngành công nghiệp cần thiết phải ưu tiên việc giảm phát thải carbon, để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Điều này trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu tăng và tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang ảnh hưởng đến toàn chuỗi cung ứng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo báo cáo của McKinsey, những thách thức này cũng tạo cơ hội, này mở ra cho thế giới một nền kinh tế mới trị giá 12 tỷ USD.

Phát triển bền vững trong ngành công nghiệp: Phần mềm làm trung tâm, xây metaverse ảo để làm thật - Ảnh 3.

Các chuyên gia chia sẻ và thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép phát triển bền vững và đạt tăng trưởng lợi nhuận (Ảnh: Schneider Electric)

Phần mềm làm trung tâm, xây metaverse ảo để làm thật

Đại diện Schneider Electric Việt Nam cho rằng, có thể khái quát quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững qua 3 bước.

Đầu tiên, lập chiến lược nhằm phân tích, kiểm toán, đánh giá xem doanh nghiệp đang ở đâu trên hành trình phát triển bền vững và điều gì cần tối ưu. Tiếp đến, số hoá và phân tích tất cả số liệu để biết được có thể tối ưu ở những điểm nào. Cuối cùng, thực hiện các giải pháp khử carbon như điện kim hoá, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng và chuyển dịch sang sử dụng nguồn năng lượng thân thiện hơn.

Ngay tại Schneider Electric – tập đoàn đa quốc gia có 187 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp giải pháp tự động hóa kỹ thuật số và quản lý năng lượng, doanh nghiệp này đang cam kết đạt “carbon neutral” (trung hòa carbon) trong tất cả các sản phẩm vào trước năm 2040. Trước năm 2040, Schneider Electric vẫn sử dụng mức bù đắp carbon – tức cân bằng lượng khí thải carbon tạo ra bằng cách tài trợ cho các dự án môi trường làm giảm khí nhà kính trong khí quyển nhưng cam kết đến năm 2050, sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 mà không cần sử dụng tới bù đắp carbon.

Đối với ngành công nghiệp, không phải dây chuyền hay máy móc mà phần mềm sẽ đứng ở vai trò trung tâm, là cốt lõi để các nhà máy chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó giảm phát thải và hướng đến phát triển bền vững. Một trong những xu hướng của tự động hóa lấy phần mềm làm trung tâm là xây dựng metaverse trong không gian công nghiệp . Đây là một môi trường ảo, thời gian thực, cho phép người dùng có thể hình dung, phân tích, mô phỏng và dự đoán tương lai. Điều này cung cấp cho doanh nghiệp thông tin chi tiết để có thể thiết kế thông minh hơn và vận hành tốt hơn.

Phát triển bền vững trong ngành công nghiệp: Phần mềm làm trung tâm, xây metaverse ảo để làm thật - Ảnh 4.

“Cụm từ “bền vững” ở đây bao hàm rộng hơn việc khử carbon. Để hoạt động bền vững thì trước hết các doanh nghiệp phải hoạt động một cách linh hoạt, hiệu quả và đáng tin cậy. Để đạt được điều đó thì phần mềm rất quan trọng.

Thứ nhất, các phần mềm giúp các nhà máy giảm thiểu lãng phí và tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên. Ví dụ trước đây, người quản lý có thể thống kê dữ liệu xem hiệu quả sử dụng năng lượng ra sao theo tuần hoặc tháng mới. Giờ đây, với phần mềm dữ liệu được cập nhật và tổng hợp theo thời gian thực, từ ca hôm trước đến ca hôm sau, người quản lý có sự so sánh và điều chỉnh kịp thời, từ đó tối ưu hoá tài nguyên bao gồm nhiên liệu, nước hay nhân lực, hàng tồn kho.

Thứ hai, các phần mềm giúp cho nhân viên xây dựng được năng lực của bản thân, phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ.

Thứ ba, phần mềm sẽ giúp doanh nghiệp loại bỏ các chi phí truyền thống, bao gồm chi phí cho văn phòng, vận hành.

Quan trọng nhất, các phần mềm sẽ giúp doanh nghiệp có được tư duy về phát triển bền vững, đưa ra quyết định chính xác hơn. Trước kia khi chưa có phần mềm, chúng ta đưa ra các quyết định rất cảm tính. Tuy nhiên, với phần mềm, các số liệu đều công khai theo thời gian thực, dần dần không chỉ cấp quản lý mà nhân viên cũng có ý thức về hoạt động hiệu quả, bền vững”, ông Vũ Quang Định - Phụ trách Phát triển Kênh Đối tác Q Systems/Nhà phân phối AVEVA tại Việt Nam chia sẻ.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM