Quy định “cò” đất phải có chứng chỉ hành nghề liệu có khả thi?
Từ 16.2, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) phải dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Song, theo nhiều chuyên gia, quy định nhưng không có chế tài sẽ khó quản được tình trạng bát nháo, hỗn loạn của những nhân viên môi giới “trời ơi” cũng như sàn giao dịch không chuyên nghiệp.
Cụ thể, Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16.2 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và hướng dẫn bồi dưỡng, đào tạo kiến thức hành nghề môi giới địa ốc, điều hành sàn giao dịch BĐS. Đồng thời, Thông tư cũng quy định việc thành lập, tổ chức hoạt động của sàn giao dịch địa ốc.
Người trong cuộc chưa mặn mà
Khi tìm tới một số sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Tp.HCM trong ngày 16.2, phóng viên nhận thấy hầu hết các nhân viên môi giới nhà đất rất ít quan tâm tới quy định về chứng chỉ hành nghề. Một nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm bán BĐS tại sàn giao dịch trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, Tp.HCM chia sẻ, vì chưa thấy lãnh đạo doanh nghiệp yêu cầu gì nên cũng không nhất thiết phải đi học để lấy chứng chỉ.
Tương tự, nhiều công ty BĐS khác có tới hàng trăm nhân viên môi giới cũng không mấy mặn mà với Thông tư này, mà chỉ chú ý tới quy định về điều kiện thành lập sàn giao dịch cần phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, còn việc đảm bảo tất cả nhân viên phải có chứng chỉ môi giới mới chỉ dừng ở mức định hướng.
Trong ngành này, Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn là doanh nghiệp hiếm hoi có chế độ hỗ trợ cho các nhân viên đi học để lấy chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Con số gần 2/3 nhân viên doanh nghiệp có chứng chỉ hành nghề được coi là tỷ lệ tương đối cao so với những doanh nghiệp khác. Ông Đoàn Chí Thanh, TGĐ Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn đánh giá, Thông tư 11 nếu được các công ty áp dụng nghiêm túc sẽ tốt cho hoạt động môi giới BĐS và cho cả thị trường nhà đất.
Trên thực tế, nhiều trường hợp người mua nhà tiền mất tật mang do nghe lời những người môi giới địa ốc tay ngang, không nắm rõ luật. Điển hình là vụ lãnh đạo sàn giao dịch BĐS Nam Tiến (quận 7, Tp.HCM) hồi tháng 9.2015 đã phải xin lỗi khách hàng và chủ đầu tư.
Nguyên nhân là do nhân viên môi giới của sàn chưa có kinh nghiệm đã tư vấn bán hàng không đúng về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại (liên quan tới vay gói 30.000 tỉ đồng), đồng thời phát biểu sai trên phương tiện truyền thông khiến cho dư luận nghi ngờ chủ đầu tư trục lợi từ gói tín dụng này.
Cần phải có chế tài đủ mạnh
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định nhân viên hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ không phải mới song nội dung Thông tư 11 có tính ràng buộc hơn về công tác cấp chứng chỉ như phải được học kiến thức liên quan, quy định cụ thể hơn về việc cấp, rút chứng chỉ.
Ông Châu góp ý, đây cũng là một trong các nội dung có thể kiểm soát tốt hơn việc các sàn giao dịch BĐS lập chui, tránh được tình trạng nhân viên bán hàng, tư vấn không có kiến thức. Song, Bộ Xây dựng cần chặt hơn nữa thông qua việc phải nâng tỷ lệ người có chứng chỉ hành nghề tại một sàn giao dịch càng nhiều càng tốt chứ nếu chỉ 2 người vẫn còn quá ít.
TGĐ Công ty BĐS Smartland (quận 7, Tp.HCM) Đặng Quốc Việt cho hay, Thông tư này chỉ là điều kiện cần song chưa đủ để có thể quản lý các nhân viên môi giới, các sàn giao dịch đi vào khuôn khổ. Điều quan trọng nhất là phải có chế tài mạnh như cấm hành nghề hay rút giấy phép nếu sàn nào làm sai thì mới có thể răn đe những sàn giao dịch không tuân thủ quy định.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho hay, thời gian qua, các nhân viên môi giới và sàn giao dịch đã góp phần rất lớn trong việc đưa thị trường BĐS nóng trở lại. Một số nhà phân phối đã mạnh tới mức có thể ra mệnh lệnh cho các chủ đầu tư triển khai dự án theo ý mình để họ bán hàng. Cũng chính từ đấy mà môi giới BĐS đã “bơm” lên thành kỹ nghệ và thổi phồng quá mức về dự án. Các khách hàng nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ bị mắc bẫy, mua dự án có cùng vị trí mà giá cao hơn những dự án khác rất nhiều.
Theo ông Đực, không phải nhân viên môi giới BĐS có chứng chỉ mới có khả năng bán hàng tốt mà chủ yếu là do dự án đó có tốt không, nhân viên đó ăn nói có duyên không. Chưa có cơ sở để khẳng định rằng quy định tại Thông tư 11 sẽ quản lý được tình trạng bát nháo hiện nay của các sàn giao dịch; xử lý được các nhân viên môi giới không có kiến thức, đạo đức bởi thời gian qua, tình trạng một căn hộ bán cho nhiều khách hàng vẫn diễn ra thường xuyên mà đơn vị môi giới hầu như không đứng ra trách nhiệm.