Kiến nghị bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt 20% đánh vào xe máy

03/12/2013 17:03 PM | Pháp luật

Việc sử dụng xe máy 150cc cũng tương tự như xe 125cc và không nên bị coi là sử dụng hàng cao cấp.

Trong Báo cáo gửi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ban hành hôm nay (3/12), nhóm công tác công nghiệp ô tô xe máy đã đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô xe máy trước ngưỡng cửa hội nhập sắp tới.

Ngành công nghiệp ô tô chưa đạt như kỳ vọng

Một sự thật là ngành công nghiệp sản xuất/lắp ráp ô tô của Việt Nam chưa có được sự phát triển đúng như kỳ vọng. Theo thống kê, mặc dù ngành công nghiệp ô tô có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất ô tô và 40 thương hiệu, tăng trưởng toàn ngành vẫn không đạt mức mong muốn của cả nhà đầu tư và Chính phủ. Tổng sản lượng toàn ngành năm 2013 đạt khoảng 100.000 đơn vị, trong đó 80% là xe lắp ráp. Năng lực sản xuất toàn ngành sử dụng thực tế chỉ đạt xấp xỉ 20% trên tổng công suất gần 500.000 đơn vị.

Năm 2018, theo lộ trình, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ giảm về 0% sẽ là một thách thức đáng kể đối với ngành công nghiệp ô tô không còn quá non trẻ nhưng chưa thực sự vững vàng ở Việt Nam. 

Nhóm công tác công nghiệp ô tô, xe máy tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi phù hợp đến sản xuất xe lắp ráp và thu hẹp khoảng cách giữa xe nhập khẩu và lắp ráp, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như nhau đối với 2 loại xe nói trên. Ngoài ra, nhóm còn kiến nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn ô tô nhập khẩu thông qua giá khai ở Hải quan, thắt chặt kiểm soát ô tô đã qua sử dụng. 

Về phía người tiêu dùng, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm thuế để ô tô trở nên phù hợp hơn với túi tiền người dân. Theo thống kê được phát biểu tại một cuộc trao đổi hồi tháng 8, mỗi chiếc ô tô sản xuất tại Việt Nam đang phải gánh tới 8 loại thuế, phí. Điều này khiến giá ô tô đội lên gấp 3 lần so với giá gốc. 

Đặc biệt, các chính sách không thống nhất của nhiều ban ngành cũng gây ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành, nhóm công tác cũng cho rằng cần phải hạn chế tình trạng nói trên. Và cần thiết phải thống nhất với các tổ chức, hiệp hội của ngành (VAMA/VBF) trước khi ban hành chính sách mới. 

Nói chung, có khá nhiều kiến nghị mà nhóm công tác công nghiệp ô tô, xe máy đưa ra, tựu chung lại là cần những chính sách thúc đẩy việc sản xuất - lắp ráp ô tô trong nước. 

Xe máy vẫn còn chịu nhiều bất công

Đối với ngành công nghiệp xe máy, một ngành đạt doanh thu lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao vượt xa ngành công nghiệp ô tô lại đang phải chịu nhiều bất lợi không hợp lý.

Việc hạn chế số lượng xe máy ở mức 36 triệu chiếc vào năm 2020 theo quyết định số 356 (Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ) đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngành công nghiệp xe máy, nhất là trong tình trạng thiếu số liệu thống kê chính thức và minh bạch liên quan đến xe máy. 

Không những thế, theo quy định thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng 20% cho xe máy với dung tích 125cc trở lên, nhóm công tác cho rằng không phù hợp. Việc sử dụng xe máy 150cc cũng tương tự như xe 125cc và không nên bị coi là sử dụng hàng cao cấp. Hơn nữa, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đã tạp ra áp lực đối với các xe được sản xuất trong nước và các nhà sản xuất trong nước. 

Từ những lý do nói trên, nhóm công tác đề nghị Chính phủ rà soát cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt và kiến nghị không nên áp dụng đối với xe máy. 

Giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực ô tô, xe máy, chung quy cũng nhằm tăng nguồn thu nhập thuế cho Chính phủ, nhóm công tác công nghiệp ô tô xe máy kết luận. 



Theo Ngọc Lan

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM