PGS.TS Nguyễn Huy Nga: "Không nên lao động nặng trong thời điểm bụi mịn cao"

24/02/2022 14:58 PM | Sống

Trong thời điểm nồng độ bụi mịn gia tăng, nếu lao động nặng sẽ buộc phải hít thở nhiều khiến bụi ồ ạt xâm nhập vào cơ thể.

Bụi mịn vốn được sinh ra từ những tác nhân trong tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, khói núi lửa,...Nhưng ngày nay, bụi mịn lại được tạo ra từ chính hoạt động của con người gây ô nhiễm môi trường.

Khi đi vào cơ thể, bụi mịn gây ra các triệu chứng điển hình như khó thở, ngạt mũi, ho, nhiều đờm, hen, tắc nghẽn phế quản...Ngoài ra còn có những triệu chứng âm ỉ trong cơ thể, ảnh hưởng lên hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ nội tiết cũng như gây ung thư nhưng phải qua một thời gian dài, trải qua các nghiên cứu sâu thì mới có thể phát hiện được.

Cảnh báo những trưởng hợp phải làm việc trong điều kiện nhiều bụi

Để bảo vệ sức khoẻ con người, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khoẻ (CHERAD), Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Những người bắt buộc phải đi ra ngoài hoặc phải làm việc ở những điều kiện nhiều bụi thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ quản phải đảm bảo quy chuẩn quốc gia về bụi trong sản xuất. Và hiện nay nước ta đã có luật về bảo vệ lao động đối với những khu vực sản xuất mà có nồng độ bụi lớn phải đảm bảo sức khoẻ công nhân. Đồng thời, phát cho công nhân khẩu trang chuyên dụng, có chế độ nghỉ ngơi, nước uống đầy đủ,...

Còn đối với cá nhân những người lao động, phải tuân thủ đeo khẩu trang để bảo vệ chính mình. Ở những thời điểm có nồng độ bụi cao như buổi sáng, chiều tối thì chúng ta cần đặc biệt chú ý sức khoẻ hơn, không nên lao động nặng. Bởi nếu lao động nặng, chúng ta sẽ hít thở nhiều, bụi vào phổi nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì vậy, nếu có thể thì hãy điều chỉnh thời gian lao động cho phù hợp", ông Nga cho hay.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM