'Osin' chưa học hết cấp 2 trở thành đại gia số 1 ngành vệ sinh Ấn Độ
Sự phát triển của xã hội Ấn Độ đang tạo ra nhiều cơ hội cho các dự án khởi nghiệp khi tìm ra được vấn đề chưa được giải quyết.
Tại một thành phố đông đúc như Mumbai, người ta thường nói, thời gian quý hơn cả vàng bạc.
Vì thế, cứ vào 8 giờ 30 phút sáng, một thanh niên 24 tuổi có tên Raju Thakur đã chuẩn bị xong tất cả mọi thứ để chuẩn bị cho một ngày làm việc của mình: chuẩn bị đồ ăn trưa, xếp đồ vào túi và bắt một chuyến xe buýt kéo dài 2 giờ đồng hồ từ Kandivali West tới Bandra West, quê hương của những startup sáng tạo tại Ấn Độ.
Đã hơn một năm nay, Thakur làm việc cho 1 dự án khởi nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ "tất-tần-tật" mọi thứ cho những người không muốn mất thời gian vào những việc nhỏ nhặt và cũng không muốn phải thuê người giúp việc toàn thời gian.
Dự án này mang tên Russsh. "Mỗi ngày, chúng tôi giúp mọi người thoát khỏi sự khó chịu của việc phải làm những thứ lặt vặt để từ đó có nhiều thời gian làm những thứ mình thích hơn", là sứ mệnh Russsh tự nhận cho mình.
Sau 5 năm phát triển, phạm vi dịch vụ của Russsh liên tục được mở rộng: từ lên kế hoạch cho những bữa tiệc cho tới trợ giúp cho những người nước ngoài đang làm việc tại Ấn Độ, bên cạnh các công việc vặt hàng ngày.
Sự bận rộn của thành phố Mumbai đang tạo ra những cơ hội mới cho các dự án khởi nghiệp như Husssh để giải quyết các khoảng trống về dịch vụ.
Thakur chia sẻ, anh đang làm việc cho Russsh bởi đó là một "công việc nghiêm chỉnh". Công việc này không chỉ mang lại thu nhập tốt hơn cho anh mà Thakur còn cảm thấy bị thu hút bởi văn hóa làm việc đầy mới mẻ mà Russsh hứa hẹn.
Russsh có slogan "hãy thuê một người phục vụ cho riêng mình", thế nhưng, chức danh mà họ đưa ra cho mỗi nhân viên là "chuyên viên việc vặt". Cụm từ này thể hiện nhiều đặc điểm hấp dẫn với những người trẻ ở Ấn Độ: tinh tế, trách nhiệm, triển vọng thu nhập và sự tôn trọng.
"Chúng tôi tìm kiếm những người chỉ cần học qua lớp 6 hoặc lớp 7", Bharat Ahirwar, người sáng lập Russsh cho biết. "Họ không cần nói thành thạo Tiếng Anh, nhưng cần biết đọc để ít ra có thể hiểu địa chỉ".
Bharat Ahirwar trước đó đã thử qua với rất nhiều vị trí khác nhau. Anh từng là người quản lý các vũ công ngoại quốc và giúp những người nước ngoài tới Mumbai làm việc, ổn định cuộc sống: "Tôi giúp họ mua nhà, mua rèm cửa, đăng ký Internet và mua đồ dùng hàng ngày".
Bharat cho biết, càng làm việc với những người có thu nhập tốt, anh càng nhận ra tiềm năng của dịch vụ cho thuê ngắn hạn những người giúp việc.
"Hiện nay chúng tôi có ba kiểu khách hàng. Kiểu đầu tiên là những người đang làm việc trong các công ty. Họ gọi chúng tôi vì khi đến văn phòng, chuẩn bị có một cuộc họp thì nhận ra giày của mình bị rách. Họ muốn nhân viên của tôi về nhà và lấy một đôi giày mới cho họ. Khách hàng cũng muốn chúng tôi mang giày rách đi sửa và chuyển về nhà sau đó".
Nhóm khách hàng thứ 2 là các doanh nhân thế hệ mới: "Stylist, người làm bánh, những người làm trong ngành thực phẩm, triển lãm nghệ thuật, khởi nghiệp hay các công ty marketing".
Và nhóm cuối cùng là nhân sự thuộc các tập đoàn lớn: "Chúng tôi đã có hợp đồng với Pepsi và Disney. Chúng tôi được đặt bàn tại văn phòng của 2 ông lớn này. Mỗi ngày, 2 nhân viên của chúng tôi sẽ ở đó khoảng từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ để tiếp nhận các yêu cầu sai vặt từ nhân viên".
Quay trở lại với Thakur, anh chàng này bỏ học Đại học vài năm trước đó. Tất cả các công việc anh làm sau này đều yêu cầu anh phải chạy lòng vòng quanh thành phố. Vì thế, thanh niên trẻ này luôn tự hào vì biết từng ngóc ngách của Mumbai.
Hơn 100.000 người trẻ như Thakur cũng đang duy trì mạng lưới giao nhận tại Ấn Độ, quốc gia có ngành thương mại điện tử được định giá lên tới 20 tỷ USD, giao khoảng 5 triệu đơn hàng mỗi tháng với mức lương từ 60 USD tới 120 USD.
Mức lương thấp so với cường độ công việc đã từng gây ra những cuộc biểu tình tại nước này. Thakur nói, mặc dù công việc hiện tại của mình cũng có phần tương tự những nhân viên giao nhận, tuy nhiên, anh cảm thấy vai trò của mình không chỉ đơn thuần là một chân chạy việc cho công ty.
Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ của mình, Thakur trở về văn phòng - nơi một nhân viên của Husssh đang theo dõi sự di chuyển của 30 nhân viên khác và phân chia nhiệm vụ thông qua một ứng dụng.
Mục tiêu làm việc của Thakur là hoàn thành 100 nhiệm vụ mỗi tháng, để có thêm khoản thưởng định kì. Đặc biệt, anh cũng không tiêu quá nhiều tiền cho bản thân, khi thường đưa thu nhập của mình cho mẹ.
Thứ duy nhất Thakur cần là 1 chiếc smartphone Android, mua bằng hình thức trả góp. Với tính năng GPS, Thakur sẽ không còn cần phải lo lắng, mất nhiều thời gian tìm địa chỉ khi giao hàng; và với WhatsApp, anh có thể trò chuyện với bạn bè trong những chuyến đi dài.
"Nếu làm đủ tốt, bạn sẽ được đề bạt lên giữ nhiệm vụ ghi nhận đơn hàng, bạn có thể được chuyển sang phòng vận hành – logistics, rồi trở thành kiểm soát và một ngày nào đó được điều hành cả một chi nhánh cũng nên".
Hiện nay, bên cạnh Israel, Ấn Độ đang được coi là một trong những "lò khởi nghiệp" lớn nhất trên thế giới.