Nữ sinh Ấn Độ bỏ Đại học luật mở 3 startup ở tuổi 22: 'Thất bại là 1 phần của khởi nghiệp, riêng tôi thích thất bại hơn là thành công'

26/10/2016 14:39 PM | Công nghệ

Ở tuổi 22, Lal đã có trong tay 3 dự án startup. Không phải tất cả trong số chúng đều thành công nhưng cô gái trẻ này luôn hào hứng với những gì mình đang làm.

Theo một nghiên cứu từng được thực hiện vào năm 2014, 95% số người tham gia các khóa học Massive Online Open Courses (MOOC, tạm dịch Khóa học Đào tạo trực tuyến mở đại trà) đến từ các trường như Harvard hay MIT không hoàn thành chúng.

Payal Lal, một sinh viên Đại học Yale-NUS, đang ấp ủ hy vọng thay đổi điều này bằng cách cho phép học viên tương tác với nhau khi tham gia khóa học. Theo đó, cô cùng các cộng sự đang phát triển một plugin cho các website MOOC để học viên có thể tương tác dễ dàng.

Lal chia sẻ cảm hứng để cô làm điều này chính là những gì mình đã trải qua. "Tôi ghét đi học nhưng tôi thích không khí cộng đồng ở trường học. Và tôi nhận ra những người học trực tuyến không có được cảm giác này", Lal nói.

Ở tuổi 22, Payal Lal đã lập ra 3 dự án khởi nghiệp. Dự án mới nhất của cô là plugin cho website MOOC, giúp học viên tương tác với nhau khi học trực tuyến.

Plugin mà Lal đang thực hiện ban đầu là một ứng dụng mà cô đã cung cấp cho 3 website MOOC nhỏ với những phản hồi rất tích cực. Từ 2% số người theo học sử dụng diễn đàn trò chuyện, 30% số người biết đến ứng dụng tương tác này đã sử dụng nó.

Nhưng các website MOOC lại muốn một thứ có thể tích hợp trực tiếp vào website của mình đó là lúc họ khuyến khích Lal phát triển một plugin. Họ lên kế hoạch thu phí người dùng 1 USD/ tháng cho dịch vụ này.

Bỏ học để khởi nghiệp

Lal, cô gái 22 tuổi người Ấn Độ, thành lập dự án khởi nghiệp đầu tiên khi mới chỉ 18 tuổi. Lúc đó, cô vừa thôi học Đại học Luật Quốc gia Delhi sau một đúng… một tháng. "Chỉ trong vòng bốn ngày, tôi đã biết luật không phải thứ dành cho mình", Lal chia sẻ.

"Tôi ghi danh vào trường luật bởi tôi muốn vào được một ngành học danh giá. Nhưng sau cùng tôi thấy nó chẳng đi tới đâu. Tôi muốn mình làm được một điều gì đó to lớn và có tác động mạnh mẽ. Tôi cần một thứ gì đó sáng tạo hơn".

Dự án đầu tiên của Lal là dịch vụ điện thoại chuyên kết nối học sinh với gia sư ở New Delhi mang tên Tutor Connect. Cô bắt tay vào phát triển nó đúng một tuần sau khi rời trường Đại học. Dịch vụ sau đó đã thu hút được 400 gia sư trong kho dữ liệu của mình nhưng ngừng hoạt động sau một năm bởi nó không có triển vọng mở rộng và không dễ có được doanh thu.

Bắt tay vào dự án thứ hai

Khi chạy dự án Tutor Connect, Lal cũng mở một cửa hàng trực tuyến chuyên bán áo nỉ in các trích dẫn, câu nói hài hước.

Cùng với bạn thân của mình, Lal bán những chiếc áo này thông qua Facebook, đồng thời cô thuê người mặc và bán chúng ở 20 trường Đại học khác nhau. Bắt đầu với số vốn vỏn vẹn 70 USD, Lal cùng bạn đã kiếm được 1.500 USD trong vòng 3 tháng. Nhưng kiếm tiền chưa bao giờ là điều dễ dàng.

"Đối tác sản xuất tỏ ra khá khó chịu với hai cô gái trẻ chúng tôi. Tôi phải gọi tới ba lần mỗi ngày để đảm bảo rằng hàng xuất xưởng đúng tiến độ", Lal cho biết.

Hoàn thành việc học làm nền tảng cho các kế hoạch khởi nghiệp

Dự án nói trên cũng chỉ được duy trì trong 6 tháng khi Lal chuyển tới Singapore năm 2013 để ghi danh vào nhóm sinh viên đầu tiên của trường Yale-NUS. Sẽ tốt nghiệp vào tháng 12 tới, Lal chia sẻ cô chọn trường Đại học này bởi nó là một "trường Đại học khởi nghiệp".

Cô chọn ngành tâm lý học thay vì kinh doanh để theo đuổi bởi cô cảm thấy tâm lý học sẽ giúp cô hiểu được mọi người tốt hơn, một kĩ năng quan trọng khi theo đuổi các dự án khởi nghiệp.

Trong khi đó, các kĩ năng kinh doanh có thể "dễ dàng học được trên mạng", cô nói thêm. Để quá trình học tập của mình ý nghĩa hơn, Lal cũng tham gia chương trình thực tập sinh 6-tháng tại nước ngoài do trường tổ chức. Cô chọn dự án khởi nghiệp thương mại điện tử tại Tel Aviv, Israel mang tên eRated.


Lal (đứng chính giữa), cùng các đồng nghiệp ở eRated.

Lal (đứng chính giữa), cùng các đồng nghiệp ở eRated.

Chia sẻ về trải nghiệm của mình tại "quốc gia khởi nghiệp", Lal cho biết cô phải học cách quyết đoán hơn, nhất là khi đồng nghiệp ở đây rất có chính kiến và hoạt ngôn hơn những gì cô từng trải qua ở Singapore và Ấn Độ.

"Tôi được làm việc với những người thông minh nhất từng gặp. Lần đầu tiên đến đây, tôi chỉ luôn thắc mắc tại sao lúc nào người ta cũng tranh luận vậy, nhưng thực tế thì họ chỉ đang nói chuyện mà thôi".

Lal có ấn tượng nhất với với người hướng dẫn của mình, Steven Rudolph, người đã gặp cô ngay sau khi cô quyết định thôi học tại đại học luật.

"Rất hiếm người dám làm điều này, đặc biệt là đối với một cô gái Ấn Độ trẻ. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất về Payal là khả năng đặt câu hỏi. Tôi cũng ấn tượng với tư duy luôn theo sát khách hàng và duy trí nó dưới mọi điều kiện của cô. Đây là những điều bất kì doanh nhân nào cũng biết để dự án của mình có thể vận hành, nhưng không phải ai cũng làm được", Rudolph chia sẻ về Lal.

Lal hiện nay đang nỗ lực để dự án của mình có những trái ngọt: "Hiện tôi đang tập trung để đảm bảo sản phẩm của mình bền vững. Đôi khi tôi tự nói với bản thân rằng mình sẽ nghỉ hôm nay nhưng sau đó lại thấy mình tiếp tục làm việc. Như kiểu tôi bị nghiện nó vậy".

Lal tin rằng kinh nghiệm từ những dự án trước sẽ giúp cô vững vàng hơn. "Thất bại là một phần của khởi nghiệp, riêng tôi thích thất bại hơn là thành công", cô nói. "Nhờ đó, tôi đã học được sự tinh gọn, đơn giản hóa mọi thứ và lắng nghe người dùng".

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM