Ông Obama và cơ hội cho thương hiệu Việt

26/05/2016 14:13 PM | Kinh doanh

“Hình ảnh Tổng thống Obama uống chai bia Hà Nội có thể nói là một “cơ hội kim cương”, chứ không chỉ là “cơ hội vàng”. Đấy là nguyên liệu làm content marketing, vừa là content hình ảnh khi ông ấy cầm chai bia, vừa là content ngôn ngữ khi ông ấy nói Tôi đang uống bia Hà Nội. Nhưng Bia Hà Nội đã cực lãng phí” – chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đức Sơn nuối tiếc.

Sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama sang Việt Nam tình cờ mang đến cơ hội trời cho cho một vài thương hiệu lớn, nhỏ, thậm chí cả những nhãn hiệu “vỉa hè”.

“Sự có mặt của bất cứ nhân vật tiếng tăm nào cũng là cơ hội với các thương hiệu. Nhân vật tiếng tăm lần này là một người có vị thế cao nhất của nước Mỹ. Hơn nữa, vị chính trị gia này cực có tính hấp dẫn trong phong cách, phát ngôn, bài nói chuyện”, ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch sáng lập Học viện thương hiệu Plato chia sẻ.

Hình ảnh ông Obama ăn bún chả và uống bia Hà Nội được lên truyền hình Mỹ và hàng trăm đầu báo nước ngoài.

Trước một cơ hội quảng bá ra thế giới với chi phí bằng 0 – một hiệu ứng marketing ngắn hạn khó có thể lặp lại trong 4 – 5 năm tới, trong khi một quán bún chả nhỏ như Hương Liên đã tận dụng rất tốt cơ hội tuyệt vời này, bia Hà Nội lại đang phản ứng khá chậm khiến nhiều người tiếc rẻ.

* Tổng thống Obama đến Việt Nam tình cờ gắn với một số thương hiệu lớn, nhỏ, thậm chí cả những nhãn hiệu "vỉa hè". Ông thấy cách thức các thương hiệu Việt Nam nắm bắt cơ hội này ra sao?

Ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch sáng lập Học viện thương hiệu Plato: Ở đây không phải là các thương hiệu Việt mà chỉ có thương hiệu bia Hà Nội thôi.

Việc ông ấy cầm 1 chai bia Hà Nội và sau đó có nhắc đến tên thương hiệu này có thể gọi là “cơ hội kim cương” chứ không chỉ là “cơ hội vàng”. Đấy là nguyên liệu làm content marketing, vừa là content hình ảnh khi ông ấy cầm chai bia, vừa là content ngôn ngữ khi ông ấy nói Tôi đang uống bia Hà Nội.

Một người đầu bếp dù có nguyên liệu tốt, nhưng không dùng thì nó sẽ hỏng đi.

* Có vẻ Bia Hà Nội cũng nỗ lực khi đăng tin và vài post liên quan lên website và Fanpage

Việc đấy ai cũng làm được. Khi phải “nỗ lực” sẽ không đi đến đâu. Phải xem đấy là sự khơi nguồn cảm hứng, là niềm vui, thì mới làm người tiêu dùng yêu mến được.

* Có người ví von rằng cách làm thương hiệu của bia Hà Nội trong sự kiện còn thua quán bún chả. Ông nghĩ sao?

Sự so sánh này hơi khập khiễng nhưng có lẽ đúng. Nghe bài trả lời phỏng vấn của chị chủ quán, không biết có sự chuẩn bị hay không nhưng tôi nhìn thấy trong đó có mục tiêu, nội dung trả lời rất vừa phải, không hề nói quá lên, ví như câu Tôi không nhân cơ hội này tăng giá. Đấy là cách nói tạo sự cảm tình rất lớn.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch sáng lập Học viện Thương hiệu Plato, Giám đốc điều hành công ty Richard Moore Associates
Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch sáng lập Học viện Thương hiệu Plato, Giám đốc điều hành công ty Richard Moore Associates

Người Việt Nam hay có kiểu chộp giật, nhân dịp này dịp kia để kiếm lãi, tăng giá. Đây là việc rất phổ biến mà người dân cực phản ứng. Cho nên, khi chị chủ quán nói như vậy, vừa thu được cảm tình, vừa là xây dựng được thương hiệu rất hay cho một quán nhỏ như vậy.

Khi trả lời, chị cũng nói rất đúng khi nhấn vào các điểm mạnh của quán từ lâu là: Đông khách, ngon, ăn còn gọi thêm… Cách nói rất tự nhiên, nhưng lại nhấn mạnh được được sự hấp dẫn của quán.

Đấy là câu chuyện nhỏ nhưng là bài học quá lớn.

* Nếu Bia Hà Nội muốn lời tư vấn từ ông, ông sẽ góp ý gì với họ?

Hãy xem thử Tổng thống Obama là một chính trị gia ra sao, có phong cách thế nào, đặc tính gì… Ông Obama là một chính trị gia có tính cách quá hấp dẫn! Nào là sự thân thiện, bình dân... Bia Hà Nội cũng rất thân thiện, bình dân. Tức, sự tương thích rất cao ở đây.

Người uống bia Hà Nội là ai? Rất nhiều trong số đó là công chức, quan chức. Và chúng ta đang có ở đây một nhà chính trị gia tuyệt vời!

Nguyên liệu Content ở đây đã quá “ngon” rồi, chỉ cần làm thôi!

* Liệu rằng sự thay đổi để bắt kịp xu hướng Obama có còn kịp vào thời điểm này?

Tôi nghĩ tận dụng cơ hội có nhiều cách. Cách tận dụng theo trends (xu hướng) chỉ là một cách về thời điểm. Nguyên liệu tuyệt vời này kể cả sau này vẫn dùng được, tất nhiên khi đó khó gây thu hút hơn, nhưng hãy xem đấy là một nguyên liệu vừa ngắn hạn, vừa dài hạn.

Tất nhiên sự kiện mang tính thời sự càng đúng lúc, càng sớm càng tốt, nhưng không có nghĩa không có cơ hội làm về sau.

* Xin cảm ông!

“Trước ông Barack Obama, ông Bill Clinton cũng từng đến Việt Nam khi đang ở cương vị Tổng thống Mỹ. Ông Clinton cũng rất phong cách, hấp dẫn. Nhưng với sự kiện ông Obama đến Việt Nam lần này, cơ hội của các thương hiệu lớn hơn.

Sự kiện lần này có sự tương tác đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, về mặt ngoại giao cũng như về mặt thương hiệu cá nhân. Rõ ràng, khi có sự tương tác sâu với những hoạt động rất chi tiết, các tổ chức và các thương hiệu có chất liệu hay hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời”

- Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch sáng lập học viện Plato -

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM