Ông Lê Phước Vũ: "Hoa Sen chưa được cấp bất kỳ giấy phép nào cho dự án thép Cà Ná"

08/09/2016 15:30 PM | Kinh doanh

Đó là khẳng định của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen (HSG) với chúng tôi hôm qua (7/9). Ông Vũ cho biết về các thủ tục đầu tư, dự án đang chờ sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và chấp thuận của Chính phủ.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen tại Cà Ná (Ninh Thuận) vừa được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, đang khiến dư luận hết sức lo ngại.

Thưa ông, tại đại hội cổ đông bất thường mới đây, ông có phát biểu rằng "Hoà Phát lãi gần 2.000 tỷ đồng quý vừa qua, vậy ngu gì không làm thép". Câu nói này làm dư luận "dậy sóng" vì cho rằng ông bất chấp tất cả để làm dự án, ông nghĩ sao?

Ông Lê Phước Vũ: Đó chỉ là câu nói đùa trong nội bộ cổ đông tại buổi họp đại hội chứ không phải phát ngôn chính thức trước công luận. Tuy nhiên, qua đó cho chúng ta thấy được bản chất sự việc như thế nào, thị trường thép trong nước và quốc tế ra sao. Đây là cơ hội vàng, vì nếu chậm thêm 1 - 2 năm nữa là không thể đầu tư được gì. Chúng tôi quyết tâm làm dự án này nhưng nếu không an toàn thì lập tức dừng ngay lại.

Ông có thể cho biết hiện nay Hoa Sen đã thực hiện dự án này đến đâu?

Ông Lê Phước Vũ: Giờ đây mọi thông tin trên mạng cho rằng chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ từ Trung Quốc, nhưng các công đoạn chỉ mới ở bước sơ khởi, đang chờ chào giá công nghệ và thương mại. Khi nào chúng tôi tổ chức công bố ký kết hợp đồng mua công nghệ, thiết bị và nội dung các hợp đồng thì khi đó mới có câu trả lời rõ ràng nhất.

Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến đầu tư một dự án nhà máy luyện thép từ nhiều năm trước, chứ không phải sau khi sự cố tại Formosa xảy ra mới lao vào làm. Sau khi tham khảo và được giới thiệu nhiều địa điểm, tôi đã có ý tưởng đầu tư vào Cà Ná từ tháng 10/2015 song đến nay, thực sự tập đoàn chưa có bất cứ giấy phép nào cho dự án này mà mới chỉ biên bản thoả thuận hợp tác với các cơ quan chính quyền Ninh Thuận. Công ty đang trong quá trình xin thủ tục cấp phép.

Hiện tại chúng tôi cũng chỉ mới dừng lại việc hợp tác với tập đoàn GMC của Mỹ để làm nghiên cứu tiền khả thi dự án. Mỗi ngày chúng tôi phải cho cho các chuyên gia này hơn 1.200 USD/người nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để đầu tư dự án. Tôi cũng xin khẳng định rằng mình không điên đến độ làm những chuyện để dư luận lên án.

Chỉ tính thị phần tôn trong nước, hiện tại Hoa Sen đã có lợi nhuận gần 2.000 tỷ đồng/năm, tôi cũng có thể thu về cá nhân mình hơn 700 tỷ rồi. Với ngần ấy tiền tôi dư sức sống chứ lao vào làm gì nữa cho cực, ôm rủi ro cho mình nhưng đây là cơ hội không riêng tôi mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, tạo thế chủ động trên thị trường...

Tuy nhiên, với trường hợp tập đoàn Hoà Phát hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ công suất 2 triệu tấn trong hai năm qua. Vậy cơ sở nào cho thấy ông đảm bảo mình đạt được công suất đề ra?

Ông Lê Phước Vũ: Cơ hội thị trường sẽ tạo ra tất cả, cộng với việc triển khai nhanh, đúng tiến độ đề ra. Khi đầu tư dự án Cà Ná chúng tôi nhìn đến toàn khối ASEAN chứ không phải thị trường nội địa. Bởi vì theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, trong 20-30 năm tới ASEAN mới là khu vực tăng trưởng nóng nhất, nhu cầu thép sẽ vô cùng lớn nên có khả năng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.

Theo các báo cáo của Bộ Công thương, đến thời điểm hiện nay ngành thép Việt Nam chỉ sản xuất được phôi xây dựng với công suất 6 triệu tấn/năm là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Như vậy, năm 2015 cả nước thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô (quy đổi).

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tiêu thụ các chủng loại thép thành phẩm năm 2015 đât mức 20 triệu tấn. Với tăng trưởng bình quân 6%/năm, dự báo đến năm 2020 nhu cầu thép cả nước sẽ ở mức 27 triệu tấn/năm và sẽ vượt mức 35 triệu tấn/năm vào năm 2025. Thời gian qua, nhiều dự án thép trong nước đầu tư chậm tiến độ hoặc bị thu hồi giấy phép, như vậy khả năng đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thé thô/năm. Nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn so với hiện nay, khoảng 6-7 tỷ USD/năm.

Như vậy, giữa năng lực sản xuất vốn có của HSG , cộng với nhà máy Cà Ná và Formosa so với nhu cầu trên vẫn không đủ. Theo kế hoạch đến năm 2031 dự án Cà Ná mới được đầu tư hoàn chỉnh, đến thời điểm đó chắc chắn vẫn không thể đủ sản phẩm cung cấp cho nhu cầu trong nước chứ chưa nói đến cả thị trường ASEAN và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Giá điện cho sản xuất công nghiệp nặng đang quá rẻ nên hàng loạt nhà máy công nghiệp nặng ồ ạt mọc lên và chắc chắn sẽ tạo nhiều hệ luỵ cho môi trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Lê Phước Vũ: Thực hiện quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước theo chương trình của Đảng và Nhà nước đề ra, xu hướng phát triển này là điều tất yếu. Khi bắt tay làm dự án Cà Ná, chúng tôi đang trải qua một cuộc đấu trí đầy cam go. Nhưng, tôi đã đặt ra 4 giai đoạn quan trọng buộc phải vượt qua, nếu an toàn thì làm còn không bỏ ngay dự án ngay từ bây giờ. Đó là: phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho môi trường; công nghệ và thiết bị hết sức tối tân; rồi mới đến chi phí đầu tư. Quan điểm của chúng tôi là toàn bộ chất thải sẽ được xử lý ngay trong nhà máy. Nước ở bên trong nhà máy được tái sử dụng và cam kết không thải bất cứ gì ra ngoài.

Đối với công nghệ, chúng tôi phải chờ Bộ Công Thương thẩm định và chỉ đạo, còn về giải pháp môi trường thì phải trình Bộ Tài nguyên & Môi trường xem xét. Chúng tôi cũng đang thảo luận ký kết hợp tác với 5 Viện nghiên cứu về môi trường khác nhau trong và ngoài nước để thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Là công ty đại chúng trên sàn, doanh nghiệp buộc phải thông tin minh bạch. Do vậy, nếu được cấp giấy phép và Chính phủ chấp thuận dự án, chúng tôi sẽ đấu thầu công khai để lựa chọn đối tác. Tiến độ dự án nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào thời gian các thủ tục này.

Theo Gia Khang

Cùng chuyên mục
XEM