Đây là những lý do có thể khiến nụ cười của ông Lê Phước Vũ tắt ngấm khi dự án thép ở Cà Ná hoạt động

08/09/2016 10:47 AM | Kinh doanh

Vấn đề mấu chốt của Dự án Hoa Sen Cà Ná hay bất kỳ dự án quy mô lớn đầu tư dài hạn đó là sản phẩm đầu ra của dự án có tiêu thụ được đúng như khi lập kế hoạch hay không.

Tham vọng của Hoa Sen là xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất các loại thép thành phẩm, bán thành phẩm (như thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo...) và các sản phẩm phát sinh (xi măng, điện).

Dự án Cà Ná của Hoa Sen có 2 giai đoạn, với tổng công suất 6 triệu tấn/năm, cao gấp 3 lần công suất của thép Hòa Phát hiện nay.


Hiện Hoa Sen mới chỉ bàn đến việc triển khai Phân kỳ I.1 với công suất 1,5 triệu tấn/năm. Ảnh: CafeF

Hiện Hoa Sen mới chỉ bàn đến việc triển khai Phân kỳ I.1 với công suất 1,5 triệu tấn/năm. Ảnh: CafeF

Tạm gác những vấn đề môi trường đang nhức nhối dư luận, ở khía cạnh kinh doanh, liệu làm thép có lãi không?

Nếu làm thép thời điểm hiện nay thì câu trả lời chắc chắn là có lãi. Cứ nhìn vào Hòa Phát là biết. Doanh nghiệp này chỉ riêng quý 3 đã thu về hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, và hứa hẹn sẽ lãi rất lớn trong năm nay. Không chỉ riêng Hòa Phát, hàng loạt các doanh nghiệp thép lớn khác như thép Việt Ý, thép Tiến Lên hay Pomina đều ăn nên làm ra trong năm nay là thấy.

Hiện tại, giá thép trong nước được hậu thuẫn rất lớn từ nhiều yếu tố: Thị trường bất động sản tăng, nhu cầu xây dựng cơ bản lớn và đặc biệt là việc bảo hộ ngành khỏi sự xâm lấn của thép Trung Quốc giá rẻ.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của thì hiện tại. Còn trong tương lai, khi nhà máy của Hoa Sen đã hoàn thành và đi vào hoạt động, ngành thép còn có những lợi thế tương tự?

Nhìn vào kế hoạch của Hoa Sen sẽ thấy nếu đúng tiến độ, thì phải tới giữa năm 2018, doanh nghiệp này mới hoàn thành phân kỳ 1, đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm. Dù Hoa Sen tính toán đến năm 2020 sẽ hoạt động với 100% công suất, mang về doanh thu 14.250 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước đạt gần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ tăng dần hàng năm.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của Dự án Hoa Sen Cà Ná hay bất kỳ dự án quy mô lớn đầu tư dài hạn nào khác là sản phẩm đầu ra của dự án có tiêu thụ được đúng như khi lập kế hoạch hay không.

Thép luôn là mặt hàng có biến động giá thất thường, chịu tác động lớn từ nguồn cung thép Trung Quốc (chiếm ½ sản lượng thép toàn cầu) cũng như liên quan mật thiết tới thị trường bất động sản trong nước.

Dễ thấy nhất là nhu cầu thép cả trong nước và quốc tế sẽ giảm mạnh.

Từ đầu năm đến nay, giá thép thế giới đã giảm dần đều do nhu cầu xây dựng tại Trung Quốc giảm mạnh. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới và đang dư thừa công suất, dẫn đến xuất khẩu thép rất mạnh sang các nước khác. Việc cung vượt quá xa cầu đang làm giá thép thế giới những năm gần đây đi xuống, tác động đến giá thép trong nước và khiến các nhà sản xuất giảm doanh thu nếu muốn xuất khẩu.


Giá quặng 62% kể từ năm 2007. Ảnh: Người Đồng Hành

Giá quặng 62% kể từ năm 2007. Ảnh: Người Đồng Hành

Thị trường trong nước cũng không khả quan khi bất động sản được dự báo sẽ bắt đầu đi xuống và tiến tới trạng thái bão hòa vào cuối năm nay. Dù nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn nhưng trong khi nhu cầu không tăng lớn, thậm chí có thể giảm, việc nguồn cung lại tăng mạnh sẽ là yếu tố đẩy giá thép giảm xuống. Đấy là chưa kể, các biện pháp tự vệ tạm thời trước thép Trung Quốc chỉ có hiệu lực tới năm 2017, cùng thời điểm Hoa Sen dự kiến ra mắt.

Một rủi ro lớn nữa, đó là nợ.

Đưa ra một dự án lớn như vậy, chắc chắn Hoa Sen phải đi vay nợ rất lớn. Hiện tại, vay nợ của Hoa Sen khá an toàn khi vay nợ tài chính chỉ khoảng 4,6 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 50% trên cơ cấu nguồn vốn của tập đoàn.

Tuy nhiên, con số này sẽ tăng mạnh một khi dự án ở Cà Ná được triển khai. Hoa Sen dự kiến vay hơn 11.000 tỷ đồng, gồm 8.920 tỷ đồng vay trung hạn và 2.430 tỷ đồng vay ngắn hạn

Vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn. Nếu sản phẩm đầu ra không được như tính toán, áp lực trả lãi ngân hàng sẽ là rất lớn.Một điểm khá thú vị, đó là nhiều khả năng chủ nợ lớn nhất của Hoa Sen lại là VietinBank.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều điều cần bàn để nói về tính khả thi của dự án. Có thể ông Vũ đã có những cơ sở chắc chắn để ủng hộ trong chiến lược đầu tư của mình. Tuy nhiên, nếu nụ cười ông Vũ đi kèm với vốn vay ngân hàng, thì đó không chỉ còn là câu chuyện kinh doanh của riêng Hoa Sen nữa.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM