Ông Lê Phước Vũ: "Đừng quá lo lắng về nguồn vốn đầu tư vào dự án Cà Ná vì tôi đã lo xong hết rồi"

06/09/2016 15:35 PM | Kinh doanh

Theo Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen, nếu bắt ông ký mua công nghệ 100% của châu Âu thì giá thành cao ngất ngưởng, không làm nổi.

Sáng nay (6/9) Tập đoàn Hoa Sen ( HSG ) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường niên độ tài chính 2015-2016 nhằm thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định cách thức huy động vốn, sử dụng các công cụ nợ để phục vụ cho việc triển khai Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và chủ trương đầu tư nhiều dự án thành phần liên quan.

Cà Ná là nơi thuận tiện nhất để làm dự án luyện gang thép

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD. Dự án với công suất 16 triệu tấn/năm đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất mỗi phân kỳ đầu tư dự kiến đạt 1,5 triệu tấn/năm.

Tại đại hội, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen đã giải đáp mọi thắc mắc của hàng trăm cổ đông xung quanh tính khả thi của dự án này trong tương lai. Trong đó, hai vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư và rủi ro tác hại đến môi trường khi dự án đi vào vận hành.

Giải thích về việc chọn Cà Ná làm nơi đầu tư dự án "khủng" này, ông Vũ lý giải rằng theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới, Cà Ná là một nơi thuận tiện nhất mà không nào có được để làm dự án luyện gang thép bởi khu vực này chưa có và sẽ không bao giờ có những cơn bão lớn. Nơi này có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường biển để tiếp cận với khu kinh tế trọng điểm phía Nam rất thuận lợi. Đặc biệt, khu công nghiệp Cà Ná còn có cảng biển nước sâu với độ sâu hơn 20m, tàu hơn 300 nghìn tấn có thể ra vào thuận tiện.

"Cà Ná cũng không có sông nước ngọt nên không tạo bồi lắng, do vậy chúng ta chỉ tốn chi phí đầu tư vận hành một lần mà không đầu tư cho nạo vét. Chúng ta phải xác định được thị trường trọng điểm khi có sản phẩm, nếu so sánh lợi thế cạnh tranh thì không nơi nào bằng ở đây. Nếu nghĩ trước mắt Dung Quất là số 1, nhưng nhìn 5 năm tới phải gọi tên Cà Ná", ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, khi làm dự án này phải nhìn đến một thị trường là ASEAN chứ không chỉ là thị trường nội địa. Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong 10 năm tới thị trường thép trong nước vẫn còn thiếu trầm trọng hơn 20 triệu tấn. Trong vòng 20-30 năm tới, nếu nói khu vực nào phát triển nóng nhất thế giới thì đó phải là ASEAN nên dự án này đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu thép cho các nên kinh tế.

Không an toàn thì bỏ ngay từ đầu

Về môi trường, ông Vũ nói, Hoa Sen là người đi sau nên học được những kinh nghiệm nhiều từ các dự án trước, mặc dù được áp dụng công nghệ tối tân nhất nhưng cũng phải tính toán đến trường hợp xấu nhất, không phải một năm mà cả 100 năm tới.

"Sau sự kiện Formosa xảy ra làm ai cũng sợ và ví đây là dự án thứ hai của Formosa. Trên thế giới nhiều nước còn có cả hàng trăm tổ hợp dự án nhà máy thép nằm ngay lòng thành phố. Với dự án của Hoa Sen, chúng ta đi theo một hướng khác và đặt yếu tố bảo vệ môi trường lên hàng đầu", ông Vũ trình bày.

Theo đó, dự án này dứt khoát không thu hồi hoá chất sau quá trình luyện cốc để không tạo ra rác thải ra môi trường, thay vào đó sẽ thu nhiệt để phát điện. Hoa Sen đã ký hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới GMC trong suốt quá trình đầu tư dự án. Tập đoàn này sẽ xây dựng những quy trình khép kín quản lý và xử lý những rủi ro về môi trường, bảo đảm giảm tác hại đến môi trường...

"Tôi xin khẳng định rằng trong các giai đoạn đầu tiên chúng ta sẽ không thực hiện luyện cốc mà vẫn nhập cốc, trừ khi các công đoạn khác hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới đầu tư cho luyện cốc bằng công nghệ tối tân nhất, dưới sự giám sát của đội ngũ chuyên gia đến từ châu Âu hoặc Mỹ", ông Vũ cam kết với cổ đông.

Ông Lê Phước Vũ: "Các nước đã chứng minh, khi nền kinh tế phát triển thì lập tức lĩnh vực thép tăng trưởng mạnh. Cho nên chúng ta đầu tư thép là đúng quy luật và đây là cơ hội vàng. Thứ hai, hiện nay thép Trung Quốc bị đánh chống phá giá tại nhiều nước, đó là cơ hội của doanh nghiệp Việt. Về công nghệ, chúng ta lựa chọn của châu Âu hay Trung Quốc tôi sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, hiện nay kể cả các tổ hợp thép của Ấn Độ, Brasil, Mỹ, Mexico... đều có xưởng chế tạo nằm ở Trung Quốc hết. Cho nên giờ chúng ta có ký của châu Âu hay Mỹ thì cũng từ Trung Quốc mà ra, đến 90% là như thế! Còn nếu bắt tôi ký mua công nghệ 100% châu Âu thì giá thành cao ngất ngưởng không làm nổi. Tôi sẽ đủ khôn ngoan để chọn lựa làm cái gì để đạt hiệu quả cao nhất, đạt cạnh tranh tốt nhất".

Không lấy thêm tiền của cổ đông

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, một số chuyên gia nhận định dù là doanh nghiệp tôn thép lớn của Việt Nam nhưng để có số tiền lên đến 10 tỉ đô la Mỹ thì chắc chắn Hoa Sen phải dựa vào nguồn vốn vay là chính. Trong kế hoạch đầu tư, ở phân kỳ đầu tư I.1 vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư trên 11 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD), tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn.

Báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng cho biết, qua trao đổi với Hoa Sen, tập đoàn cho biết sẽ không phát hành cổ phiếu mới, nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.

Về vấn đề này, ông Vũ khẳng định rằng 500 triệu USD đầu tư cho phân kỳ I.1 đã được ngân hàng Vietinbank ký thoả thuận cam kết tài trợ vốn có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, do vậy HSG sẽ không tính đến chuyện phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Theo báo cáo sơ bộ, doanh thu trong năm nay của HSG đã đạt trên 1,4 nghìn tỷ đồng, dự tính năm sau sẽ trên 2 nghìn tỷ đồng và trong năm tới nữa, một khi dự án thép này đi vào vận hành thì tổng doanh thu còn cao gấp đôi.

"Nhiều đối tác đã gặp gỡ và đề nghị tôi phát hành cổ phiếu tuyệt đối nhưng tôi trả lời thẳng thắn là không, bởi nếu phát hành sẽ làm loãng của cổ đông, trong đó có tôi", ông Vũ nói thêm.

Cũng theo ông Vũ, trong năm qua HSG đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất tại một số tỉnh, thành nhưng vẫn không đủ hàng bán. Ngoài ra dư nợ trung hạn lúc nào cũng ở mức 1.600 tỷ đồng, hạn mức cho vay nằm trong mức 20.000 tỷ đồng nhưng HSG sẽ không bắt cổ đông bỏ thêm tiền để đầu tư. Trong những giai đoạn đầu tư sau phân kỳ I.1, nếu tiến độ triển khai nhanh thì HĐQT sẽ tính toán đến những kênh huy động vốn khác và sẽ xin ý kiến cổ đông.

"Tôi xin nói rõ là chúng ta đừng quá lo lắng về nguồn vốn đầu tư vào dự án vì tôi đã lo xong hết rồi! Trong năm nay dự tính lợi nhuận và khấu hao đã để lại cho chúng ta hơn 2 nghìn tỷ đồng, các năm tới chắc chắn sẽ cao hơn. Như vậy sẽ đủ vốn để đầu tư nhưng chúng tôi sẽ hết sức cẩn trọng và đi vào từng chi tiết một để đạt hiệu quả cao nhất", ông Vũ cho biết.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM