Ông Hoàng Minh Châu, cố vấn cao cấp FPT: Sản phẩm nào của Apple xuất sắc nhất? Không phải iPhone hay iPad, đó chính là iPod
Mới đây, ông Hoàng Minh châu, cố vấn cao cấp Tập đoàn FPT, đã có bài viết về "Mô hình kinh doanh chia sẻ", là mô hình đem lại thành công cho Apple, Uber hay Airbnb. Chúng tôi xin đăng tải lại bài viết này.
Năm 2003, Apple giới thiệu iPod, một thiết bị giải trí cầm tay - Digital music player. Sản phẩm này thực sự đã tạo ra một thị trường giải trí mới và đưa lịch sử Apple sang một trang mới.
Chỉ sau 3 năm, doanh thu của iPod đạt gần 10 tỷ USD, chiếm 50% doanh thu của Apple. Thị giá của Apple vào đầu năm 2003 chỉ khoảng 1 tỷ USD, đã vượt qua 150 tỷ vào cuối năm 2007.
Câu chuyện thành công này của Apple rất nổi tiếng. Nhưng có một chuyện ít nổi tiếng hơn, Apple không phải là công ty đầu tiên đưa một thiết bị giải trí cầm tay ra thị trường.
Công ty Diamond Multimedia đã giới thiệu thiết bị tương tự có tên là Rio vào năm 1998. Một công ty khác, Best Data, thì giới thiệu thiết bị Cabo vào năm 2000. Cả hai thiết bị chơi nhạc số cầm tay này đều hoạt động rất tốt, thiết kế đẹp và gọn nhẹ.
Vậy tại sao, không phải Rio hay Cabo, mà lại chỉ có iPod thành công?
Nguyên nhân là Apple không dừng lại ở một sản phẩm công nghệ cao với thiết kế bắt mắt.
Họ đi xa hơn các đối thủ cạnh tranh. Họ không chỉ đóng gói sản phẩm của mình trong một cái hộp đẹp.
Họ đóng gói sản phẩm của mình trong một mô hình kinh doanh thông minh, bao gồm phần cứng, phần mềm và đặc biệt là cái giỏ âm nhạc iTunes.
Khách hàng iPod dễ dàng tải các bản nhạc yêu thích từ iTunes - một kho âm nhạc khổng lồ do hàng triệu người trên khắp thế giới đóng góp. Bạn có thể thả một bản nhạc hay vào iTunes. Và nếu có nhiều khách hàng tải bản nhạc đó, bạn sẽ được Apple trả tiền. iTunes đã tạo ra một hệ sinh thái hoàn hảo cho iPod.
Những năm tiếp theo, Apple tiếp tục mô hình kinh doanh này. Họ đã đóng gói những sản phảm của mình cùng với Apple store, một kho phần mềm ứng dụng có sự cộng tác của hàng trăm ngàn công ty phần mềm lớn bé trên toàn thế giới.
Tất nhiên iPhone, iPad là những sản phẩm công nghệ xuất sắc. Nhưng nếu thiếu kho ứng dụng phần mềm trong Apple store thì chúng cũng không quá khác biệt so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Apple store đã cho khách hàng hưởng một dịch vụ phong phú và tiện lợi chưa từng có trước đây. Nó thực sự là một hệ sinh thái hoàn hảo cho những sản phảm tuyệt vời.
Cần nói thêm, nếu so sánh thuần tuý về phần cứng, điện thoại của Nhật (ví dụ như Sony) không hề thua kém điện thoại của Apple. Nhưng người Nhật không mạnh về phần mềm và điện thoại của họ không được hỗ trợ bởi kho phần mềm ứng dụng khổng lồ như Apple store, nên họ đã thua.
Có thể thấy, ngay cả một công ty công nghệ xuất sắc như Apple, cũng cần có một mô hình kinh doanh tốt để thành công. iTunes, Apple Store là một mô hình kinh doanh mới. Chúng thu hút sự cộng tác của cả thế giới. Dù là công ty phần mềm hay chỉ là một lập trình viên đơn lẻ, bạn vẫn có thể gửi ứng dụng của mình lên Apple store và nếu có nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm của bạn, bạn sẽ được Apple trả tiền.
Mô hình này được gọi là Mô hình kinh doanh chia sẻ. Nó trở nên phổ biến hơn với sự ra đời của hãng kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và taxi Uber.
Cuối năm 2015, người ta định giá công ty Uber vào khoảng 70 tỷ USD. Đây là công ty thứ hai, sau Facebook, được thị trường quan tâm định giá trước IPO. Ra đời năm 2009, Uber không sở hữu công nghệ gì đặc biệt. Nó cũng không dựa vào tiềm lực tài chính ban đầu. Nó không bỏ tiền mua xe hơi. Nó cũng không phải trả lương cho tài xế.
Nó chỉ sử dụng một ứng dụng smart phone để nhận yêu cầu đi xe từ khách hàng, sau đó gửi yêu cầu tới lái xe, đồng thời cho phép khách hàng theo dõi vị trí chiếc xe đang tới đón mình. Ai cũng có thể dễ dàng đăng ký tham gia mạng lưới này. Những người đang thất nghiệp, những lái xe đang nhàn rỗi, đều có thể cộng tác với Uber. Và khách hành sử dụng dịch vụ của Uber với giá chỉ bằng 50% đi taxi truyền thống. Tất cả đều có lợi.
Một công ty khác, Airbnb, cũng sử dụng mô hình kinh doanh chia sẻ và rất thành công. Ra đời năm 2008, đến nay công ty này được định giá khoảng 30 tỷ USD. Cũng giống như Uber, Airbnb không sở hữu công nghệ đặc biệt hay một nguồn tài chính dồi dào.
Là một công ty cho thuê nhà ở, nhưng nó không sở hữu bất động sản. Thay vào đó, nó tập hợp được hơn 2 triệu bất động sản, từ căn hộ cho tới các lâu đài, ở hơn 150 quốc gia, sẵn sàng cho thuê, một phần hoặc toàn bộ và kết nối chúng với khách hàng có nhu cầu thuê trên toàn cầu, từ thuê một vài ngày cho tới thuê dài hạn.
Những căn nhà đang để không, toàn bộ hay chỉ một vài phòng, có thể sử dụng cả năm hay chỉ một vài tháng, đã được huy động thành bất động sản cho thuê. Các chủ nhân dĩ nhiên vui mừng vì có thể kiếm thêm tiền. Và họ cũng vui vẻ trở thành nhân viên tiếp đón khách hàng mà Airbnb không phải trả lương. Khách hàng được hưởng giá thuê chỉ bằng 50% so với trước kia. Tất cả cùng có lợi.
Ngày càng có nhiều công ty, trong các lĩnh vực khác nhau, quan tâm tới mô hình kinh doanh này. Mặc dù có nhiều sự phản đối từ các mô hình kinh doanh truyền thống, nhưng nó vẫn phát triển. Lý do đơn giản là, nó mang lại lợi ích cho khách hàng. Sự thành công của những mô hình này là khả năng khai thác sức mạnh to lớn, đang ngủ yên trong cộng đồng, với chi phí thấp nhất, để phục vụ nhu cầu của khách hàng tốt hơn.