5 nhân tố quan trọng trong kinh doanh chia sẻ
Là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và thường xuyên phải đi công tác, Aaron Easterly thường phải nhờ bạn bè hoặc gia đình chăm sóc chú cún con giúp mình.
“Mỗi lần đi công tác, tôi đều phải vất vả tìm trong danh sách người thân, bạn bè hoặc hàng xóm người có thể giúp tôi trông chú chó của mình”, Aaron chia sẻ.
Bị ấn tượng bởi sự nổi tiếng của các nền tảng ứng dụng như AirBnb và Uber, Easterly nhìn ra tiềm năng của thị trường chưa được khai thác dành cho những người nuôi chó – những người không muốn sử dụng dịch vụ trông chó của các trung tâm hay nhốt chúng vào những chiếc cũi mỗi lần họ phải đi xa.
Do vậy, năm 2011, Easterly đã ra mắt câu lạc bộ Rover tại Seattle (Mỹ) kết nối những người yêu chó với nhau, những người cần gửi chú chó của họ đi ở nhờ hoặc cần người trông chó khi chủ đi xa, với một mạng lưới những người yêu cho đã được tuyển chọn để sẵn sàng nhận việc khi cần. Tới nay, Rover đã có hơn 25.000 người chăm chó được sàng lọc trên khắp nước Mỹ.
Easterly và câu lạc bộ của anh không phải ví dụ duy nhất. Sau khi chứng kiến AirBnb đã biến những ngôi nhà thành khách sạn và Uber đã biến những chiếc xe cá nhân thành những chiếc taxi như thế nào, rất nhiều doanh nhân đã và đang hy vọng sẽ khám phá được thị trường kinh doanh trên nền tảng chia sẻ - thị trường họ có thể tận dụng nguồn lực để cho phép các thành viên kiếm tiền không chỉ nhờ chuyên môn, công việc của họ, mà còn cả nguồn lực, tài năng và đam mê.
Beth Buckzynski, tác giả cuốn sách Chia sẻ là điều tốt. Làm cách nào để tiết kiệm tiền bạc, thời gian và nguồn lực thông qua tiêu thụ chia sẻ, đã công nhận sự vươn lên của những doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình kinh doanh chia sẻ, cũng như sự ưa chuộng những doanh nghiệp theo mô hình này bởi những người đã chán với sự thống trị hoặc độc quyền của một số doanh nghiệp nhất định, và đang chuyển sang những lựa chọn chi tiêu thông minh và cẩn trọng hơn.
Hai nhân tố quyết định thành công của 1 doanh nghiệp theo mô hình chia sẻ chính là cộng đồng và mật độ dịch vụ. Những doanh nghiệp này không thể hoạt động nếu thiếu những người quan tâm, những người cam kết hành động và tin tưởng lẫn nhau, tác giả cuốn sách nói.
“Và mô hình chia sẻ này càng dễ dàng khi không gian giữa chúng ta càng nhỏ. Đó là lý do tại sao những thành phố đông đúc như New York hay San Francisco là điểm nóng của các doanh nghiệp theo mô hình này”.
Hãy nghĩ xem lĩnh vực nào sẽ phù hợp để bạn tung ra một doanh nghiệp như AirBnb hay Uber? Dù là dịch vụ chăm sóc thú cưng, cho thuê xe hơi hay các công việc tay chân, việc vận hành thành công một doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh chia sẻ phụ thuộc vào giai đoạn rà soát ban đầu một cách chặt chẽ, đào tạo một cách bao quát và dịch vụ gọn nhẹ, hợp lý.
“Bạn hãy dành thời gian quan sát xem vấn đề thực sự cần giải quyết là gì và đó có phải vấn đề có thể được giải quyết tốt nhất bởi chính cộng đồng hay không? Sau đó hãy tạo ra nền tảng hạ tầng cho họ”, Buczynski khuyên.
Dưới đây là các nhân tố bạn cần cân nhắc:
1. Hãy bắt đầu với nguồn cung thị trường
Trong khi nhiều người khởi nghiệp cho rằng việc nhận dạng hoặc tạo ra cầu thị trường là điều đầu tiên để bắt đầu ra mắt một mô hình chia sẻ, tuy vậy, việc tạo ra nguồn cung ổn định cũng là điều quan trọng không kém, Jamie Viggiano – Phó giám đốc marketing của TaskRabbit, một công ty cho phép người dùng thuê ngoài các việc nhà, chia sẻ.
“Bạn cần có hạ tầng nguồn cung sẵn sàng trước khi tập trung vào đẩy cầu của thị trường, và đảm bảo rằng thị trường luôn thăng bằng”, Viggiano nói. Doanh nghiệp của cô hướng tới những người cung cấp dịch vụ tiềm năng, được gọi là Taskers, thông qua quảng cáo trên Facebook và Google.
Nguyên tắc này cũng được áp dụng khi bạn gia tăng quy mô. Trước khi TaskRabbit nghiên cứu mở rộng thị trường ở một thành phố mới, công ty này đảm bảo rằng nguồn cung cần thiết ở thành phố đó đều đã sẵn có.
“Chúng tôi thường có hàng trăm những Taskers quan tâm đến công ty chúng tôi, họ đã đăng ký dịch vụ trước khi chúng tôi ra mắt công ty tại một thành phố, và chúng tôi đảm bảo, ở mỗi khu vực, nguồn cung và nguồn cầu của chúng tôi là cân bằng”.
2. Tiến hành rà soát và đào tạo toàn diện
Mặc dù mô hình kinh doanh trên nền tảng chia sẻ nghe có vẻ rất tích cực về mặt xã hội, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành thành viên phù hợp cho doanh nghiệp của bạn. Dù những người tham gia không phải nhân viên của bạn, nhưng vì họ là người cung cấp dịch vụ, họ chính là bộ mặt của doanh nghiệp, do đó, việc đào tạo là hết sức quan trọng.
Quay trở lại ví dụ của Easterly với doanh nghiệp Rover của anh. Công ty này đã sử dụng quy trình rà soát hết sức chặt chẽ trước khi quyết định một ứng viên thực sự có kế hoạch và môi trường phù hợp để cung cấp dịch vụ trông chó, cũng như liệu ứng viên này có cá tính và tính cách đủ chuyên nghiệp để đảm bảo dịch vụ chăm sóc khách hàng một cách đúng mực hay không.
Quy trình mà Rover áp dụng bao gồm người giới thiệu, kiểm tra hồ sơ cá nhân, xác minh các tài khoản mạng xã hội, đào tạo trực tuyến và kiểm tra bằng bài thi, sau đó là một tài liệu cầm tay hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ.
Sau khi một ứng viên nào đó được chấp nhận vào chương trình, Rover thu thập các dữ liệu về các lần thành viên này cung cấp dịch vụ trông chó, độ nhiệt tình trong dịch vụ của người này, những bức ảnh chia sẻ để đảm bảo rằng ứng viên đó đang đại diện công ty với hình ảnh tốt nhất mà công ty hướng tới.
3. Củng cố niềm tin của khách hàng
Việc gây dựng niềm tin với khách hàng qua nền tảng trực tuyến tất nhiên không phải việc dễ dàng. Để xoa dịu sự lo lắng của những người nuôi chó khi gửi lại chú chó của mình mỗi lần đi xa, Rover đã cung cấp dịch vụ tư vấn của bác sĩ thú y, dịch vụ bảo hiểm thú cưng cao cấp và thậm chí, chia sẻ cả những bức ảnh và các video quay những người trông thú cưng tương tác với những chú chó như thế nào.
“Chúng tôi làm như vậy là để đảm bảo trải nghiệm Rover cung cấp là trải nghiệm tuyệt vời, cũng như đảm bảo khách hàng của chúng tôi luôn nhận được những hình ảnh cập nhật cho thấy chú chó của họ đang có thời gian tuyệt vời bên cạnh người trông chó. Từ đó, khách hàng có thể không cần lo lắng gì mà tập trung vào công việc của họ”, Easterly cho biết.
Những lời đánh giá và xếp hạng tích cực cũng hết sức quan trọng để đạt được lòng tin của khách hàng và tạo ra những đầu mối khách hàng tương lai. Minh bạch chính là điều quan trọng nhất trong thế giới kinh doanh chia sẻ.
4. Quy trình thanh toán đơn giản
Bellhops, một công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển với nhân lực là các sinh viên, sử dụng quy trình tự động hoá cho việc thanh toán. Cameron Doody - Chủ tịch công ty cho rằng, quy trình thanh toán tránh được những phiền toán chính là điều tiên quyết đối với việc vận hành thành công một doanh nghiệp theo mô hình chia sẻ.
“Một khi tất cả đều tự động, bạn sẽ muốn đơn giản hoá những việc khác nhiều nhất có thể”, Doody nói khi nhấn mạnh rằng Bellhops không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, “Nếu như những người cung cấp dịch vụ của chúng tôi – các sinh viên – nhận tiền mặt từ khách hàng, làm cách nào họ có thể trả lại cho công ty? Ngày nay tất cả những quy trình giấy tờ phức tạp đều có thể đơn giản hoá nhờ công nghệ”.
Cả quy trình đều được được tự động hoá và không cần đến giấy tờ. Khách hàng đặt một khoản tiền nho nhỏ bằng thẻ tín dụng, sau đó, nhân viên Bellhops đến và tính giờ bằng điện thoại di động, và ngừng tính giờ khi chuyển đồ xong.
“Ngay sau khi nhân viên chuyển đồ xong, khách hàng sẽ nhận được 1 tin nhắn hoặc email với đường link để xác minh thời gian chuyển đồ được báo cáo có chính xác không, họ quyết định số tiền boa cho nhân viên chuyển đồ và đưa ra đánh giá công việc nhanh. Sau đó, tất cả số tiền khách hàng phải trả đều được trừ vào thẻ của khách hàng, tương ứng sau đó là số lương của nhân viên Bellhops được nhận cũng được chuyển vào tài khoản của họ. Mọi thứ đều diễn ra trong 10 giây là xong”, Doody nói.
Rover cũng áp dụng hình thức thanh toán đơn giản tương tự cho khách hàng với chi phí họ phải trả khi sử dụng dịch vụ trông chó, mà không có thêm tiền boa nào khác – được thanh toán qua hệ thống trực tuyến. Còn những người trông chó nhận lương của họ qua PayPal hoặc thẻ tín dụng.
5. Tập trung vào xây dựng thương hiệu
Một cách rất tự nhiên, những doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh chia sẻ có một cộng đồng thành viên những người luôn tương tác và nói chuyện về doanh nghiệp. Những ông chủ khôn ngoan sẽ tận dụng “đà” này để phát triển một thương hiệu mạnh hơn, được củng cố bởi sự sẵn có bởi những nội dung hấp dẫn.
Mỗi khi một thành viên chia sẻ về doanh nghiệp mà họ tham gia trên mạng, đây chính là một nỗ lực giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Nhưng thay vì nỗ lực 1 lần của công ty, nỗ lực đó sẽ được nhân lên nghìn lần với lực lượng thành viên ở các nơi. Nội dung họ chia sẻ có thể giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đồng thời, gia tăng quy mô của doanh nghiệp tại những thị trường mới.
Besomebody, một nền tảng liên kết mọi người với nhau dựa trên những đam mê họ chia sẻ, đã đưa ra sáng kiến khuyến khích thành viên chia sẻ những nội dung ảnh và video với tên gọi “Passionaries” (Đam mê). Sáng kiến này cho phép thành viên thoải mái chia sẻ đam mê của họ trong mọi lĩnh vực, từ thể thao, hip-hop cho tới nhiếp ảnh... Người dùng có thể khám phá những nội dung này ở những chủ đề khác nhau và kết bạn với những người có chung đam mê để chia sẻ thông tin, làm bạn hay dạy lẫn nhau.
Người sáng lập của Besomebody đã chia sẻ, nhờ sáng kiến này, Besomebody đã tiếp cận gần 5 triệu người mỗi tháng ở 180 quốc gia khác nhau thông qua 12 kênh mạng xã hội.
“Chúng tôi thu thập và tạo ra những nội dung với chất lượng cao nhất để có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Và chính điều này tự động xây dựng thương hiệu cho chúng tôi”.
Theo TRẦN HUYÊN