Kinh doanh chia sẻ: Hiện tượng làm giàu cực nóng trên thế giới

01/04/2016 11:18 AM | Kinh doanh

Mô hình kinh doanh chia sẻ đang tạo ra lợi nhuận khủng tại nhiều nước nhưng cũng làm các nhà quản lý đau đầu.

TP.HCM đang phối hợp thí điểm ứng dụng vận tải hành khách theo hợp đồng “Grab”. Đây cũng là một ứng dụng hoạt động theo mô hình “kinh tế chia sẻ” - hiện tượng đang “làm mưa làm gió” môi trường kinh doanh thế giới hiện nay.

Những ứng dụng mang tính chia sẻ tiện ích có thu phí nổi tiếng như Uber trong lĩnh vực vận tải hành khách hay Airbnb trong lĩnh vực chỗ ở và du lịch đều nằm trong nhóm mô hình kinh doanh mới nổi mang tên: “Kinh doanh chia sẻ”.

Mô hình này mang lại mức lợi nhuận “điên rồ”, được đánh giá là hiện tượng kinh doanh năm 2015 và là mô hình kinh doanh nóng nhất đầu năm 2016 đến nay, theo tạp chí kinh doanh Jacobin (Mỹ).

Lợi nhuận “điên rồ”

“Kinh tế chia sẻ” nhằm nói về một hiện tượng dịch vụ mới, trong đó những cá nhân có thể chia sẻ cùng sử dụng tài sản của nhau thông qua một bên thứ ba là một ứng dụng mạng làm cầu nối.

Mỗi ngày, có hàng chục triệu người tương tác với nhau thông qua các điện thoại thông minh và máy tính bảng xách tay, trao đổi vô số hàng hóa và dịch vụ dựa trên sự đánh giá và tin tưởng của những người dùng trước đó.

Trong khoảng năm năm qua, những ứng dụng chia sẻ như Uber, Airbnb (Mỹ) hay Didi Kuaidi (Trung Quốc) đã tạo nên tên tuổi như những nhà tiên phong đầy thành công trong lĩnh vực kinh doanh này.

Uber và Airbnb đã trở thành hai “con gà đẻ trứng vàng” của làng ứng dụng công nghệ Mỹ, theo tạp chí kinh tế Jacobin. Trong năm 2015, lượng lợi nhuận thu về của hai công ty này đã đạt đến mức “điên rồ”. Ứng dụng chia sẻ chỗ ở Airbnb giờ đây trị giá đến 25 tỉ USD, là đối thủ trực tiếp của nhiều chuỗi khách sạn của Mỹ. Trong khi đó, ứng dụng chia sẻ vận tải hành khách Uber đã được định giá đến 65 tỉ USD, tương đương các hãng xe ô tô lớn của Mỹ.

Chỉ tính riêng năm 2015, Airbnb đã tăng thêm 1,6 tỉ USD để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và kinh doanh, nâng tổng mức đầu tư lên mốc 2 tỉ USD. Con số này đối với Uber là 6,5 tỉ USD. Cả hai doanh nghiệp này đã bỏ xa những ứng dụng khởi nghiệp khác tại Mỹ cũng dựa vào mạng.

Mô hình kinh doanh chia sẻ này cũng đang nở rộ tại Trung Quốc. Theo trang tin ECNS (Trung Quốc), quy mô của thị trường “kinh tế chia sẻ” tại nước này trong năm 2015 đã vượt ngưỡng 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 152,8 tỉ USD).

Còn tại Mỹ, tổng giá trị các công ty tham gia loại hình “kinh tế chia sẻ” đã đạt trên 463,9 tỉ USD, chiếm hơn 3% GDP nước Mỹ. Tờ Huffington Post đánh giá loại hình “kinh tế chia sẻ” này không còn là một thị trường ngách hay một hiện tượng nhất thời mà là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu.

Mô hình này đã tự thành hình và phát triển mạnh mẽ ngay từ khi nền kinh tế nước Mỹ và thế giới vẫn còn đang chật vật phục hồi sau khủng hoảng kinh tế. Và bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang có dấu hiệu chững lại, các chuyên gia đánh giá “kinh tế chia sẻ” vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ. Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse dự đoán tổng giá trị giao dịch của những khách hàng tham gia chia sẻ trong năm 2025 sẽ đạt mức 335 tỉ USD.

Sự bùng nổ của điện thoại thông minh mở đường cho nền kinh tế chia sẻ.(Ảnh minh họa)

Giới trẻ là chất kết dính để nền kinh tế chia sẻ hoạt động. (Ảnh minh họa)

Một người biểu tình phản đối ứng dụng Uber là “Không công bằng” với các hãng taxi. Ảnh: Reuters

Quá mới để quản lý

Khái niệm “kinh tế chia sẻ” đang được các doanh nhân và những người đam mê khởi nghiệp tại nhiều nước xem là “gà đẻ trứng vàng” mới cho các nền kinh tế. Ma Huateng, Chủ tịch và CEO của quỹ đầu tư Tencent Holdings, đã trình bày vấn đề phát triển môi trường cho hoạt động kinh doanh chia sẻ tại kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc.

Theo tờ Tân Hoa xã, Bắc Kinh cũng có ý định biến mô hình kinh doanh này trở thành đòn bẩy mới cho nền kinh tế quốc gia , đặc biệt khi thị trường bất động sản và các ngành công nghiệp nặng của nước này bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

“Kinh tế chia sẻ vẫn còn không gian rộng lớn để phát triển tại Trung Quốc” - ông Ma Huateng đánh giá. “Thế nhưng cách giám sát ngành kinh doanh này vẫn y hệt cách quản lý các ngành nghề truyền thống, điều này làm hạn chế phát triển và sáng tạo”.

Nhưng trái với giới doanh nhân, “kinh tế chia sẻ” đang làm những nhà quản lý chính sách đau đầu. Những thách thức mới đặt ra về khung pháp lý, sự “bất công” đối với các mô hình dịch vụ truyền thống khiến các cơ quan quản lý kinh doanh các nước bối rối.

Các nghiệp đoàn taxi tại nhiều nước từ Âu đến Á đều đã nhiều lần tổ chức biểu tình đòi cấm Uber được hợp pháp hóa tại nước mình. Nhiều chuỗi nhà hàng và hãng du lịch tại Mỹ đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra lại cách thức Airbnb đánh giá người chia sẻ nơi ở xem có hiện tượng gian lận số liệu để hút khách hàng hay không.

Việc kiểm soát minh bạch thông tin của các doanh nghiệp này cũng là một vấn đề đang làm khó nhà quản lý, theo tạp chí Jacobin. Uber và Airbnb đã khôn khéo chọn lọc trong kho dữ kiện khổng lồ thu thập từ khách hàng những thông tin có lợi để làm công cụ “tô hồng” hình ảnh những công ty này.

Năm 2014, Uber đã tuyên bố rằng các tài xế của họ tại TP New York có thể kiếm được khoản tiền lên đến 90.000 USD trong một năm. Câu chuyện này đã gây sức hút trên toàn nước Mỹ, tăng số lượng người đăng ký làm tài xế cho Uber và mở rộng mạng lưới hoạt động cho công ty này. Tuy nhiên, theo tạp chí Jacobin, khi nhà báo Alison Griswold bắt đầu điều tra, đa số tài xế Uber không thể đạt đến được con số thu nhập khủng như Uber tuyên bố.

Điều mà Uber đã làm không phải là nói dối mà là nói chọn lọc chỉ những điều tốt để nói về mình. Nhiều thông tin có tính chất tương tự đã được các công ty như Uber và Airbnb công bố. Họ làm được điều này là do các công ty nắm riêng trong tay cơ sở dữ liệu của khách hàng mà không có bất cứ cơ quan nào khác có thể đụng đến được.

Không chỉ thế, những công ty tham gia “kinh tế chia sẻ” hiện vẫn duy trì danh nghĩa là công ty tư nhân. Điều này cho phép các công ty như Uber và Airbnb linh động điều chỉnh, không phải báo cáo số liệu với cổ đông, không bị kiểm toán độc lập và không ai có thể giám sát tài khoản của họ.

Uber cũng đã từng thành lập công ty con tại Hà Lan - Uber International C.V. Họ đã chuyển quyền sở hữu các chi nhánh tại các nước về công ty này khiến mọi nguồn thu bên ngoài nước Mỹ chủ yếu chảy về Hà Lan và tránh được hệ thống thuế của Mỹ. Những gì Uber đã làm thật ra cũng không phải phương cách mới.

Những gã khổng lồ làng công nghệ như Google và Facebook đều đang thực hiện, theo tạp chí Fortune. Tuy nhiên, với sự linh động của một công ty tư nhân, các chuyên gia về chính sách thuế nhận định chiến thuật né thuế mà Uber là gần như hoàn hảo.

Mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu lớn (big data) quá mới để có cách quản lý thích hợp, thay cho những biện pháp kiểm toán truyền thống. Giám đốc các công ty này vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố mà người khác sẽ mất rất nhiều thời gian để kiểm chứng dựa trên điều tra độc lập. Và đến khi sự thật được đưa ra thì mọi chuyện đã xong xuôi.

Sinh viên: Chìa khóa của “kinh tế chia sẻ”

Theo bản báo cáo “Nguồn lực lao động 1099”, công bố năm 2015 bởi ĐH Standford, 39% những người tham gia làm việc trong nền “kinh tế chia sẻ” tại Mỹ có độ tuổi 18-24. Nếu cộng luôn cả những người làm việc trong độ tuổi 25-34, tỉ lệ những người trẻ tham gia hoạt động trong “kinh tế chia sẻ” lên đến 68%. Con số này tương đương 1/3 tổng số người trong độ tuổi lao động tại Mỹ, theo Huffington Post.

Quản lý viên chương trình tại Microsoft, Krish Ramineri, nhận định: “Không kể đến những hứa hẹn và cả độ nóng của nền “kinh tế chia sẻ”, chính những sinh viên là chất keo kết dính tương lai của môi trường kinh doanh mới này”.

Viktor Fenyves, đồng sáng lập của dịch vụ trao đổi hàng hóa Swoppler, cho biết: “Sinh viên nắm trong tay nhiều loại hàng hóa, cái họ thiếu là tiền mặt. Nền “kinh tế chia sẻ” cho họ quyền được đặt giá trị cho những tài sản mà họ có hoặc muốn có, từ sách giáo khoa, âm nhạc đến vận chuyển hay dạy kèm”.

Theo Trung Nhân

Cùng chuyên mục
XEM