Nước Anh và sự bất định hậu Brexit
Việc nước Anh liệu sẽ thực sự “ly hôn” với EU hay không vẫn tiếp tục là một câu hỏi...
Vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của nước Anh với kết quả người dân chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - thì việc nước Anh liệu sẽ thực sự “ly hôn” với EU hay không vẫn tiếp tục là một câu hỏi.
Theo tin từ Reuters, hiện vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy Brexit sẽ sớm xảy ra.
Tâm trạng “Regrexit” nổi lên
Thủ tướng Anh David Cameron, người nói sẽ từ chức sau khi cử tri chọn Brexit, tuyên bố ông sẽ không có bất kỳ bước đi chính thức nào cho việc xứ sương mù chia tay với EU và nói việc này sẽ do người kế nhiệm của ông thực hiện.
Bên cạnh đó, do cuộc trưng cầu dân ý không có bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào, một số chính trị gia Anh đề xuất một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội trước khi chính thức khai màn Brexit.
Chưa kể, một bản kiến nghị đăng trên website của Chính phủ Anh về tổ chức trưng cầu dân ý lại đã thu thập được hơn 3 triệu chữ ký chỉ trong vòng hai ngày.
Đứng trước nguy cơ lớn nhất đối với sự đoàn kết của châu Âu kể từ thời chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà lãnh đạo châu Âu đang có quan điểm thiếu nhất quán về việc sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán cho việc Anh ra khỏi EU như thế nào.
Pháp thì muốn các cuộc đàm phán này được khởi động nhanh chóng, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi sự kiên nhẫn. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói ông muốn việc đàm phán “bắt đầu ngay lập tức”.
Vào ngày Chủ Nhật, người đứng đầu Scotland nói vùng này có thể sẽ phủ quyết Brexit. Theo quy định của Anh, nghị viện của Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales phải có sự đồng thuận về việc Anh ra khỏi EU.
Hầu hết các chính trị gia Anh đều nhất trí rằng chiến thắng với tỷ lệ phiếu 52%-48% nghiêng về phe Brexit đồng nghĩa với cuộc chia tay giữa Anh và EU sẽ phải diễn ra. Nếu không, đó sẽ là một “cú tát” đối với nền dân chủ.
“Ý chí của người dân Anh là một sự chỉ dẫn rằng điều đó phải được thực hiện”, ông Cameron nghẹn ngào nói trong bài phát biểu từ chức, đánh dấu sự kết thúc nhiều biến động nhất của một nhiệm kỳ thủ tướng Anh kể từ khi Thủ tướng Anthony Eden từ chức vào năm 1967 sau cuộc khủng hoảng Suez.
Mặc dù vậy, sự ân hận của người Anh sau khi chọn Brexit lại đang ngày càng gia tăng. Trên mạng xã hội Twitter, từ khóa #regrexit (kết hợp giữa “regret” - hối tiếc, và “exit” - ra đi) đang trở thành một xu hướng lớn.
Brexit đã đẩy đồng Bảng Anh mất giá chóng mặt và đặt các chính đảng ở Anh vào thế khó. Thủ tướng Cameron của Đảng Bảo thủ bị coi là một nhà lãnh đạo thất bại, trong khi thủ lĩnh Công đảng đối lập suýt bị lật đổ vào hôm Chủ Nhật khi có tới 9 quan chức hàng đầu của đảng này phải từ chức.
Brexit “làm chao đảo không chỉ mối quan hệ giữa chúng tôi với EU, mà còn các nhà lãnh đạo đảng, lãnh đạo đất nước, và những gì làm nên nước Anh”, giáo sư Anand Menon thuộc trường King’s College ở London nhận định.
Phe Brexit muốn “hãm phanh”
Điều luật quy định về việc một nước thành viên EU ra khỏi khối này là điều 50 Hiệp ước Lisbon vốn được coi là hiến pháp của EU. Từ trước đến nay, điều 50 chưa từng được kích hoạt.
Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, ông Cameron nói điều 50 sẽ được kích hoạt ngay nếu cử tri Anh chọn ra đi. Vào cuối tuần vừa rồi, một số quan chức EU cũng nói Anh cần ra đi luôn, có thể là trong một cuộc họp của EU diễn ra vào thứ Ba tuần này.
Nhưng một số thủ lĩnh của chiến dịch vận động Anh rời EU, bao gồm cựu Thị trưởng London Borish Johnson, đang tìm cách “hãm phanh”. Họ nói họ muốn đàm phán về mối quan hệ của Anh với EU hậu Brexit trước khi chính thức nói lời chia tay với khối.
Các quan chức châu Âu và các nhà quan sát nói một thỏa thuận như vậy là điều khó có thể xảy ra, nhất là khi xét đến những vấn đề gai góc liên quan tới cuộc chia tay lịch sử này.
Chẳng hạn, khó có chuyện EU chấp nhận cho Anh tiếp cận với thị trường chung của khối sau khi đã ra khỏi khối, trừ phi London chấp nhận để người lao động trong EU tự do ra vào nước này. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của những cử tri Anh chọn Brexit là hạn chế người nhập cư, và đây là điều mà các nhà vận động Brexit đã cam kết.
Tính đến chiều ngày Chủ Nhật theo giờ Anh, bản kiến nghị tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai đã đạt 3,3 triệu chữ ký. Nghị sỹ Công đảng David Lammy nói Quốc hội Anh có quyền kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, và hối thúc Quốc hội làm việc này.
Nhân tố Scotland
Tuy nhiên, sự phản đối rõ rệt nhất đối với việc Anh rời EU đang đến từ Scotland. Có tới 62% cử tri của vùng này chọn ở lại EU và chỉ 38% chọn ra đi.
Theo những quy định phức tạp của Vương quốc Anh về trao một số quyền cho Scotland, Wales và Bắc Ireland, việc Anh “ly hôn” với EU cần phải đạt sự đồng thuận từ nghị viện của cả 3 vùng này. Ngày Chủ nhật, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói với kênh BBC rằng bà sẽ xem xét hối thúc nghị viện vùng ngăn chặn Brexit xảy ra.
Nhưng hiện chưa rõ liệu một kịch bản như vậy có thể trở thành hiện thực hay không. Phát ngôn viên của bà Sturgeon sau đó có nói rằng Chính phủ Anh có thể sẽ không phải tìm kiếm sự đồng thuận như vậy ngay từ đầu tiến trình Brexit.
Ngoài ra, Thủ hiến Sturgeon cũng đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc Scotland tách khỏi Anh. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhiều hơn.