Khủng hoảng luôn là cơ hội!
Sợ hãi như những gì đang diễn ra là quá mức cần thiết, các nhà đầu tư sợ hãi vì không hiểu rõ Brexit mà đơn thuần sợ vì thấy người khác sợ.
Sáng thứ Sáu (24/6) giờ Việt Nam, việc đầu tiên anh Long, một môi giới làm sau khi thức dậy là mở điện thoại xem diễn biến tình hình thế giới ra sao. Dow jones tăng 230 điểm, tạm an tâm. Thứ 6 là ngày công bố kết quả Brexit (viết tắt của Britain – exit, khi người Anh bỏ phiếu xem nước này có rời khu vực Châu Âu hay không). Mặc dù có rất nhiều cảnh báo về việc khả năng những người muốn bỏ phiếu cho bên leave (rời bỏ) nhưng anh Long và các đồng nghiệp đánh giá khả năng này thấp.
9h sáng thứ Sáu, Vn-Index mở cửa giảm điểm, danh mục lỗ một chút xíu, nhưng không đáng ngại, 10h30 lượng bán bắt đầu tăng dần, các lệnh bán ồ ạt trên tràn sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy bên bỏ phiếu leave liên tục thắng thế. Điện thoại khách hàng bắt đầu dồn dập, chủ yếu là tâm lý lo lắng lúc này nên mua hay nên bán. Mấy hôm trước để phòng ngừa rủi ro, anh Long đã khuyến nghị các khách hàng giảm bớt tỷ trọng margin và duy trì một lượng tiền mặt nhất định phòng ngừa những khả năng xấu xảy ra.
Đến chiều khi kết quả được công bố, cơn lũ bán tháo tràn ngập thị trường, hầu hết các bluechips trong rổ VN30 giảm sàn đồng loạt. Đã có kinh nghiệm xử lý trong các phiên “múa bên trăng” (ám chỉ các phiên trống bên mua), khi khách hàng gọi điện hỏi lần này xử lý thế nào, anh Long khuyên khách hàng lựa chọn các cổ phiếu có hàng cơ bản tốt để mua vì đây là cơ hội lớn. Một khách hàng VIP ủy thác 20 tỷ cho anh Long thời điểm thị trường biến động mạnh vì biển Đông đã kiếm lời không nhỏ từ lời khuyên “bắt dao rơi”, nên ở thời điểm hiện tại chị nghe theo lời khuyên của môi giới và tham gia bắt đáy. Tại thời điểm VN-Index giảm hơn 33 điểm, một số cổ phiếu giảm sàn có cơ bản tốt như GAS, HPG, SSI, BVH, VCB, CTG.. lực mua đã xuất hiện trở lại. Đến cuối phiên, chị đã có lời một chút. Trong khi đó, các cổ phiếu được hưởng lợi từ đồng EUR như NT2, HT1, BCC tăng điểm thậm chí tăng trần.
Điện thoại của anh Long đổ chuông không ngừng, ngay khi kết thúc phiên cả những khách hàng cắt lỗ và các khách hàng mua mới đều tỏ vẻ không an tâm. Trong 5 tháng qua, VN-Index đã có một bữa tiệc không ngờ. Ở thời điểm nghỉ tết âm lịch, khi giá dầu xuống còn dưới 27 USD/thùng, cả thị trường đều nghi ngờ khả năng tăng điểm của VN-index trong năm 2016, tuy nhiên diễn biến của thị trường lại quá tốt so với những gì mọi người lo lắng trước đó. Danh mục một số khách hàng thậm chí tăng 40% kể từ đầu năm cho dù VN-Index chỉ tăng 9%. Các cổ phiếu dầu khí đã tăng gấp đôi, nhóm cổ phiếu thép tăng hơn 50%, cổ phiếu đường tăng hơn 20%, cổ phiếu cao su tăng 17%, ở thời điểm này hầu hết các khách hàng đều có lời nên họ sẵn sàng bảo toàn lợi nhuận ở thời điểm này.
Tuy nhiên nếu nhìn vào thống kê giao dịch phiên 24/6 sẽ thấy một số khách hàng dường như hơi bi quan thái quá. Khối lượng khớp lệnh phiên 24/6 trên sàn HOSE là 261 triệu cổ phiếu, gấp 2,5 lần lượng giao dịch các ngày thông thường, giá trị khớp lệnh hơn 4.600 tỷ, gấp đôi các phiên giao dịch thông thường. Số lệnh mua trong phiên là 99.474 lệnh với khối lượng trung bình 1 lệnh mua là 4.000 cổ phiếu/lệnh trong khi số lệnh đặt bán gần 79.000 lệnh trong phiên, với khối lượng trung bình một lệnh bán là 5.900 cổ phiếu/lệnh. Khối ngoại bán ròng 22 tỷ, không đáng kể, chủ yếu do khối nhà đầu tư nội bán.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, thanh khoản cao đến từ tâm lý nhà đầu tư sợ bị “mất hàng”. Ngay sau khi bán trong phiên, nhà đầu tư đã tranh thủ mua lại các cổ phiểu giảm sâu khi thấy thị trường được kéo lên bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như lực hồi trên thị trường chứng khoán thế giới. Đồng thời, tâm lý mua lại ngay trong phiên này cũng đến từ thiên lệch trong hành vi của người đầu tư (hình ảnh đà tăng giá mạnh và kéo dài trong hơn ba tháng qua khiến nhà đầu tư bớt thận trọng hơn với các thông tin mới xuất hiện khi ra quyết định giải ngân). Theo VDSC, tác động của sự kiện Brexit lên nền kinh tế và thị trường tài chính còn khá mơ hồ và không dễ nhận thấy như các sự kiện trước đó (biển Đông, giá dầu giảm, phá giá đồng NDT) nên nhà đầu tư dễ chấp nhận rủi ro hơn.
Đánh giá về xu hướng thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng Brexit ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính toàn cầu, đến nền kinh tế toàn cầu. Nhưng sợ hãi như những gì đang diễn ra là quá mức cần thiết, các nhà đầu tư sợ hãi vì không hiểu rõ Brexit mà đơn thuần sợ vì thấy người khác sợ.
Ngay sau khi Brexit được bỏ phiếu thông qua, hơn 3 triệu người Anh đòi bỏ phiếu lại vì không hiểu Brexit và EU là gì, ông Hưng tin rằng, chỉ ít hôm nữa các nhà đầu tư sẽ mơ ước nếu được làm lại phiên thứ 6 vì họ cũng chẳng hiểu tại sao lại sợ hãi Brexit đến như vậy. Tất nhiên việc Anh ra khỏi châu Âu sẽ tác động lớn đến các kế hoạch xây dựng một châu Âu thống nhất và cán cân thương mại của các nước châu Âu với Anh sẽ bị ảnh hưởng do phải đàm phán lại các hiệp định song phương, nhưng với 2 năm để triển khai hoàn tất việc này chắc có đủ thời gian để các bên đạt được các thoả thuận cùng có lợi.
Ông Hưng cho rằng trong khủng hoảng có cơ hội và các nhà đầu tư nên tìm các cổ phiếu của các công ty phát triển bền vững, trả cổ tức bằng tiền và có PE dưới 10 để đầu tư.
Theo thống kê dữ liệu trên sàn của NDH, các cổ phiếu trả cổ tức cao đều có thị giá trên 20.000 đồng/cp và đều đã có mức tăng khá ấn tượng từ đầu năm, thậm chí SLS còn tăng 142%. Một số cổ phiếu bị tác động mạnh từ đồng Yên tăng giá như PPC các nhà đầu tư cần chú ý, trong khi đó một số cổ phiếu hưởng lợi khi đồng EUR giảm như NT2, HT1, BCC và các cổ phiếu xi măng đều đang tăng tốt.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright khi đánh giá về Brexit trên trang cá nhân cho rằng bản thân ông không quá lo ngại về ảnh hưởng của thương mại giữa Việt Nam và vương quốc Anh. Xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, trong vòng 5 năm qua, Anh đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong EU, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân là 22,5%/năm. Với 4,65 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của sang Anh chiếm 2,4% GDP Việt Nam, trong khi tỷ lệ này tính bình quân các nền kinh tế Đông Á chỉ là 0,7%. Đó là lý do nhiều báo chí kinh tế quốc tế đã cho rằng Việt Nam sẽ bị tác động lớn nhất trong Đông Á từ Brexit.
Xuất khẩu sang Anh chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực ít nhất trong ngắn hạn khi đồng bảng Anh giảm giá. Tác động sẽ lớn hơn nếu Brexit làm cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái và bất ổn trong vòng 2 năm nữa, trước khi Anh đạt thỏa thuận chính thức rời khỏi EU. Nhưng ở cấp độ vĩ mô, theo TS Thành, tác động tới tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là nhỏ. Trong cơ cấu xuất khẩu, điện thoại di động Samsung chiếm tới hơn 36%. Vậy, ở mức vi mô, chỉ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc, giày dẹp, nội thất và nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Anh mới chịu tác động lớn.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, thương mại, đầu tư, du lịch và tài chính là các kênh tác động của Brexit đến kinh tế Việt Nam xếp theo thứ tự từ tác động lớn nhất đến không đáng kể. Tác động trên thị trường tài chính đã thấy là việc dòng vốn quốc tế chảy vào các tài sản an toàn (vàng, USD, yên). Ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam là không đáng kể. Khách du lịch Anh ra nước ngoài, sẽ giảm khi đồng bảng mất giá và kinh tế suy yếu, nhưng lượng khách này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ ở thị trường du lịch Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Anh ra nước ngoài, đặc biệt là vào EU sẽ bị ảnh hưởng nặng sau Brexit, nhưng cũng không có lý do gì để nói là đầu tư của Anh sang Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Thương mại sẽ là kênh chịu tác động chính.
Đối với Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là thỏa thuận sẽ được ký kết giữa Việt Nam và EU, nhưng sẽ không có Anh. Như vậy, lợi ích tiếp cận thị trường Anh (chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU) mà Hiệp định được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam sẽ không còn. Tuy vậy, EU và Việt Nam vẫn có thể cho phép Anh là nền kinh tế bên ngoài được tham gia vào Hiệp định (tức là Hiệp định sẽ là giữa ba bên). Đây là kịch bản tốt nhất cho Việt Nam.