Note7 phát nổ và lời cảnh báo của chuyên gia Lê Đăng Doanh: Xuất khẩu Việt Nam lệ thuộc vào một Samsung là rất nguy hiểm

12/10/2016 15:42 PM | Kinh tế vĩ mô

Việc ngừng bán Galaxy Note7 khiến vốn hóa của Samsung giảm 17 tỷ USD. Còn Việt Nam, một nền kinh tế mà 20% kim ngạch xuất khẩu ‘trông chờ’ vào Samsung, sẽ thiệt hại bao nhiêu?

Xuất khẩu của Samsung chiếm tới 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, riêng mảng điện thoại di động Samsung chiếm tới 28%. TS. Lê Đăng Doanh cho biết ông đã đưa ra cảnh báo từ năm ngoái về việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một doanh nghiệp, một sản phẩm.

Trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam còn kém rất xa chỉ tiêu tăng trưởng 10% do Quốc hội đề ra, số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 6,8%, tương đương 1,1 tỷ USD.

Một trong những nguyên nhân được nhắc tới liên quan tới tình hình xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note7 của Samsung.

“Tôi đã có cảnh báo về chuyện này rồi! Chúng ta phụ thuộc vào một Samsung là rất nguy hiểm. Trong mảng điện thoại di động năm 2015, Samsung đã xuất khẩu đến 28%...”, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Theo TS. Doanh, việc điện thoại Note7 ngừng sản xuất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, và trực tiếp nhất là công ăn việc làm của lao động Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2016, Samsung đã tạo công ăn việc làm cho khảng 130.000 lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Samsung Note 7 bị thất bại, xuất khẩu từ Samsung bị giảm sút nặng, có thể khiến một số nhà đầu tư nước ngoài có các tín hiệu thận trọng trong đầu tư.

Về tác động tới ngân sách, PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương – cho rằng thu ngân sách từ Samsung hiện đan “không được mấy”.

“Một sản phẩm mà tới 90% nhập về, Việt Nam chỉ “ăn” được phần lắp ráp. Cách tính của chúng ta về kim ngạch xuất khẩu đang cộng thêm cả phần nhập khẩu, giả dụ Samsung xuất khẩu 27 tỷ USD là trên giấy tờ, thì chúng ta đã cộng thêm cả 22 tỷ USD nhập khẩu linh kiện, trong khi vốn dĩ phần lắp ráp của Việt Nam chỉ được tính có 5 tỷ USD”, ông Thiên lấy ví dụ.

Từ câu chuyện Samsung, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng chúng ta nên rút ra bài học: Hãy dựa vào các doanh nghệp dân tộc, và chúng ta đừng nên quá ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

“Không nên dựa quá nhiều vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bởi dựa quá nhiều vào một doanh nghiệp, một sản phẩm, một thị trường thì dẫn đến rủi ro là rất lớn”, ông Doanh nói.

Về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Doanh cho rằng cần cảnh báo vì muốn tăng trưởng nhanh, tăng GDP nên một số địa phương ưu đãi doanh nghiệp FDI một cách quá đáng.

“Chỉ riêng Samsung đầu tư vào Thái Nguyên thì sản lượng công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên năm 2015 tăng lên 93%. Như vậy, Thái Nguyên có thể báo cáo là có thành tích tuyệt vời, dù điều đó hoàn toàn không phù hợp”, ông Doanh nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM