Nóng: Công ty mẹ TikTok định giá 300 tỷ USD, cao chưa từng có trong lịch sử

18/11/2024 10:12 AM | Quốc tế

Công ty mẹ TikTok vẫn đang đặt ra những kỳ vọng to lớn cho tương lai.

Nóng: Công ty mẹ TikTok định giá 300 tỷ USD, cao chưa từng có trong lịch sử- Ảnh 1.

Tờ WSJ đưa tin, công ty mẹ ứng dụng video TikTok là ByteDance tự định giá ở mức 300 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử. Đáng nói, ByteDance định giá công ty ở mức cao mặc bối cảnh TikTok đang đối mặt với nhiều quy định thắt chặt và tương lai bất định tại thị trường Mỹ.

Mức định giá kể trên tới trong đợt đề nghị mua lại cổ phiếu của ByteDance và nó cho thấy kỳ vọng của công ty tiếp tục cao trong tương lai. Một đạo luật do Tổng thống Biden ký vào đầu năm nay sẽ cấm TikTok tại Mỹ trừ khi ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng này vào giữa tháng 1.

Giá trị của công ty đang được đẩy cao hơn sau đợt mua lại cổ phiếu trong năm qua khi ByteDance tiếp tục phát triển ở tốc độ cao trên toàn cầu. ByteDance tự định giá công ty ở mức 225 tỷ USD vào khoảng tháng 10/2023. Một đợt mua lại cổ phiếu vào tháng 12/2023 đã đẩy giá trị công ty này lên 268 tỷ USD.

Các nhà đầu tư của ByteDance coi sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump là một tín hiệu tích cực chung cho hy vọng của TikTok tại Mỹ. Ông Trump đã ủng hộ lệnh cấm ứng dụng này khi còn là tổng thống, nhưng đã đảo ngược lập trường của mình trong chiến dịch gần đây sau khi gặp tỷ phú Jeff Yass, một nhà đầu tư lớn của ByteDance và là nhà tài trợ lớn của GOP. Ông Trump đã nói rằng ông và Yass không thảo luận về TikTok. Hiện không rõ ông Trump có thể ảnh hưởng đến kết quả của luật này như thế nào.

ByteDance trong những ngày gần đây đã nói với các nhà đầu tư rằng họ đang tìm cách mua lại cổ phiếu với giá khoảng 180 USD một cổ phiếu. Việc huy động tiền để mua lại cổ phiếu đã trở thành một cách phổ biến để các công ty cung cấp thanh khoản cho các nhà đầu tư và nhân viên ban đầu trong khi thị trường chào bán công khai lần đầu (IPO) vẫn còn ảm đạm.

ByteDance sở hữu một số doanh nghiệp ngoài TikTok, bao gồm các dịch vụ internet phổ biến ở Trung Quốc. Tại Mỹ, TikTok đã bị cuốn vào tầm ngắm của căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

CÔNG TY TRUNG QUỐC?

Tương lai TikTok tại Mỹ hiện vẫn là dấu hỏi lớn. Giới chức lo ngại những tác động xấu từ phía Bắc Kinh và vì vậy, cố gắng buộc chủ sở hữu Trung Quốc từ bỏ quyền kiểm soát.

Cho đến nay, rất ít bằng chứng cho thấy TikTok bán dữ liệu cho chính phủ đại lục. Bản thân ứng dụng này chưa bao giờ hoạt động tại Trung Quốc và điều này liên tục được Giám đốc điều hành người Singapore Shou Chew nhấn mạnh mỗi lần bị quan chức Mỹ tra hỏi.

Vậy, TikTok có phải của Trung Quốc không?

Nhìn bề ngoài, câu trả lời có vẻ là Không.

Theo tài liệu của tòa án Mỹ, TikTok được thành lập lần đầu tiên tại California vào tháng 4 năm 2015. Ứng dụng chưa bao giờ tồn tại ở Trung Quốc, thậm chí còn cố gắng tránh xa nước này trước áp lực ngày càng tăng từ chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Ở Trung Quốc, có một phiên bản khác của TikTok gọi là ứng dụng chị em Douyin, ra mắt trước TikTok và trở thành một trong những cơn sốt lan truyền khắp đại lục. Thuật toán mạnh mẽ trở thành nền tảng cho TikTok, đồng thời là chìa khóa cho sự thành công mang quy mô toàn cầu.

Vào tháng 3 năm 2023, CEO Chew liên tục bị các nhà lập pháp Mỹ gặng hỏi về việc liệu TikTok có phải của Trung Quốc hay không. Ông không trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng ứng dụng không có sẵn trong nước; trụ sở chính cũng lại đặt tại Los Angeles và Singapore.

Câu trả lời không làm công chúng thỏa mãn. Nguyên nhân là bởi TikTok nằm dưới trướng tập đoàn ByteDance thông qua một bộ máy rất phức tạp.

Trang web của ByteDance cho thấy công ty này đã phát triển TikTok như một sản phẩm video ngắn toàn cầu và chính thức ra mắt vào tháng 5 năm 2017. Sáu tháng sau, công ty mua lại đối thủ Musical.ly và sáp nhập với nền tảng chính. Theo trang web riêng của TikTok, các công ty con trên toàn cầu đều được cơ cấu dưới sự quản lý của Bytedance.

Vậy ByteDance có phải của Trung Quốc không?

Câu trả lời chắc chắn là Có.

ByteDance được thành lập vào năm 2012 tại Bắc Kinh bởi Zhang Yiming và Liang Rubo. Trụ sở được đặt ngay tại thủ đô kể từ đó.

Năm 2021, Zhang tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành ByteDance và giao quyền điều hành cho Liang. Hiện ByteDance có hơn 110.000 nhân viên, sở hữu TikTok, Douyin, trang tổng hợp tin tức Jinri Toutiao và nền tảng chia sẻ video Xigua.

ại phiên điều trần quốc hội năm ngoái, CEO Chew không trả lời trực tiếp bất kỳ câu hỏi nào về việc liệu ByteDance có phải của Trung Quốc hay không. Ông chỉ thừa nhận rằng ByteDance là một công ty tư nhân do Trung Quốc thành lập, điều hành nhiều hoạt động kinh doanh trong nước nhưng mang tính chất “toàn cầu”.

Ngoài ra, CEO Chew nói thêm rằng 60% ByteDance thuộc sở hữu của các tổ chức toàn cầu như Carlyle Group, General Atlantic và Susquehanna International Group. 20% công ty thuộc sở hữu của Zhang và 20% còn lại thuộc sở hữu của nhân viên trên toàn thế giới. 3 trong số 5 thành viên hội đồng quản trị cũng là người Mỹ.

Chew nhấn mạnh rằng ByteDance không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, song giống như hầu hết các công ty đại lục khác, ByteDance buộc phải thành lập một ủy ban pháp lý. Tập đoàn cũng phải cho phép chính phủ Trung Quốc nắm giữ cái gọi là ‘cổ phần vàng’ tại một trong những công ty con quan trọng. Wu Shugang, quan chức của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cũng có một ghế trong hội đồng quản trị.

Theo các chuyên gia, ‘cổ phần vàng’ giúp chính phủ Trung Quốc tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ. Chew thừa nhận chúng tồn tại, song chỉ nhằm mục đích cấp phép Internet cho doanh nghiệp Trung Quốc. ByteDance cho biết đây chỉ là thỏa thuận chung và không ảnh hưởng đến các hoạt động bên ngoài biên giới.

Là một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, ByteDance phải tuân theo vô số luật tình báo, bảo mật dữ liệu và an ninh mạng. Năm 2018, Trung Quốc sửa đổi Luật Tình báo Quốc gia, trong đó yêu cầu mọi tổ chức, công dân phải hỗ trợ và hợp tác với công tác tình báo. Điều này đồng nghĩa với việc ByteDance bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc hỗ trợ thu thập thông tin.

Vào tháng 8 năm 2020, sau nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhằm buộc TikTok bán mình, Bắc Kinh đã sửa đổi một số quy tắc để kiểm soát những công nghệ mà họ cho là nhạy cảm.

Trước đó, một cuộc phỏng vấn với 7 nhân viên, cựu nhân viên và hơn 60 báo cáo tài liệu, hình ảnh và video từ các trung tâm dữ liệu tiết lộ rằng TikTok có rất nhiều lỗ hổng bảo mật. Đây là hệ lụy sau khi ứng dụng này cố gắng tăng dung lượng lưu trữ quá nhanh và đôi khi, đi tắt đón đầu.

Ngoài ra, tài liệu cũng cho thấy hoạt động của trung tâm dữ liệu TikTok gắn liền với hoạt động kinh doanh ByteDance tại Trung Quốc. Các trung tâm dữ liệu sử dụng máy chủ do Inspur sản xuất - công ty nằm dưới sự kiểm soát của đại lục và từng bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen.

“Mỗi câu chuyện mới làm dấy lên nhiều lo ngại hơn và cung cấp thêm bằng chứng về việc TikTok không trung thực đối với hoạt động bảo mật dữ liệu của mình”, Thượng nghị sĩ Mark Warner nói.

Để xoa dịu dư luận, TikTok công bố Dự án Texas, thông báo xóa toàn bộ dữ liệu riêng tư của người dùng Mỹ ra khỏi các máy chủ ở Virginia, sau đó cô lập chúng trong một tập hợp các trung tâm dữ liệu có trụ sở tại Texas.

Theo: WSJ

Phương Linh

Từ khóa:  tiktok , trung quốc
Cùng chuyên mục
XEM