Nỗi trăn trở của bác sỹ Nhật mổ mắt miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân Việt Nam

22/07/2016 08:51 AM | Sống

Mổ mắt miễn phí cho hàng nghìn người Việt Nam suốt mười mấy năm qua, bác sỹ Tadashi Hattori cũng có không ít trăn trở và khó khăn. Ông cho biết mỗi khi muốn thực hiện một chuyến phẫu thuật, đó là cả một quá trình chuẩn bị dài về tài chính, nhân lực, phương tiện. Tuy nhiên nhiều khi ông cảm thấy khó khăn đến từ chính phía Việt Nam.

Bác sỹ Hattori chia sẻ khi muốn làm từ thiện ở một địa phương nào đó, ông và ekip của mình sẽ cần phải xin phép của chính quyền tỉnh, chính quyền xã, sở y tế địa phương, giám đốc bệnh viện và cần phải có các cuộc đối thoại chính thức với các bác sỹ Việt Nam.

Hơn 10 năm qua, ekip của ông đã đi qua hàng chục tỉnh thành tại Việt Nam như Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An và rất nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Nam. Về phía chính quyền tỉnh, chính quyền xã, sở y tế địa phương, bác sỹ Hattori cho biết ông đã được tạo điều kiện, nhận được sự hợp tác rất tốt tại tất cả các nơi ông đến.

Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở chính một số bác sỹ tại không ít tỉnh của Việt Nam.

Khi ông hoặc đại diện của ông đã hoàn thành việc kết nối để xin phép với chính quyền các tỉnh thì nhiều bác sỹ lại đáp lại mong muốn thiện nguyện của bác sỹ với thái độ rất thờ ơ. Nhân viên trong ekip của bác sỹ phải gọi điện đi gọi điện lại rất nhiều lần, thậm chí đến tận nơi gặp mà cũng không nhận được sự hợp tác của các bác sỹ địa phương.

Lý do, theo bác sỹ Hattori, chính là việc nhiều bác sỹ muốn giữ bệnh nhân lại để họ mổ lấy tiền chứ không muốn bệnh nhân được mổ miễn phí.

Trên thực tế, chi phí của một ca mổ thay thủy tinh thể không hề thấp. Số liệu từ Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chi phí của một ca mổ thay thủy tinh thể cho một mắt hiện cũng dao động từ 4 đến 42 triệu đồng (chưa tính các chi phí cho xét nghiệm trước mổ).

Bác sỹ Hattori cho biết trong số rất nhiều tỉnh thành mà ông đã từng đi qua, ông cảm thấy hài lòng nhất với lãnh đạo, giám đốc bệnh viện, sở y tế và bác sỹ địa phương ở tỉnh Quảng Ninh. Ông khẳng định đó là sự hợp tác tốt nhất mà ông từng biết, chính vì vậy công việc khám chữa bệnh và mổ mắt cho bệnh nhân ở đây gặp rất nhiều thuận lợi.

Khi được hỏi về chi phí cho các ca phẫu thuật mắt vốn rất tốn kém, bác sỹ Hattori cho biết nó đến từ lương của chính bản thân ông, tiền tiết kiệm của vợ chồng ông, đại sứ quán Nhật tại Việt Nam, cộng đồng người Nhật tại Việt Nam…

Theo chị Hoàng Thị Thanh Hoài, quản lý của bác sỹ Hattori tại Việt Nam, hàng năm, tổ chức của bác sỹ Hattori đều có những buổi hội thảo gây quỹ. Cộng đồng người Nhật tại Việt Nam ngày càng đông, nguồn tiền đóng góp từ người Nhật tại Việt Nam cũng ngày một nhiều, ngoài ra là nguồn tài chính từ các tổ chức tại Nhật.

Thế nhưng vì nhiều lý do mà sự đóng góp của chính người Việt Nam tại Việt Nam dành cho hoạt động của bác sỹ Hattori gần như không có.

Cho đến nay, sự đóng góp của phía Việt Nam chủ yếu ở sự nhiệt tình của một số bác sỹ và cộng sự đi theo bác sỹ Hattori cũng như sự hợp tác của các cơ quan chức năng chứ chưa thấy có đóng góp tài chính cụ thể.

Chị Hoài đặt câu hỏi rằng chị được biết tại Việt Nam rất nhiều người có điều kiện tài chính dư dả và cũng làm từ thiện rất nhiều, bản thân bác sỹ Hattori và những hoạt động của bác sỹ đã được chính phủ và các cơ quan ban ngành của Việt Nam thừa nhận nhưng không hiểu vì sao nguồn tài chính đến từ phía người Việt Nam cho hoạt động của quỹ còn rất ít, hoặc có thể coi như bằng không.

Sau loạt bài về bác sỹ Hattori mà CafeBiz thực hiện tháng trước, đã có rất nhiều doanh nghiệp liên hệ muốn hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế và cùng đồng hành với bác sỹ Hattori trong các chuyến thiện nguyện của ông.

Đại diện cho bác sỹ Hattori, chị Hoài muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các doanh nghiệp đó, tuy nhiên chị Hoài cũng có đôi lời muốn nhắn gửi đến những người bạn tốt muốn đồng hành cùng chương trình.

Theo chị Hoài, chương trình khám chữa và mổ mắt thay thủy tinh thể cho bệnh nhân thị lực yếu và có điều kiện tài chính khó khăn của bác sỹ Hattori hiện tại cần đến một số vật tư tiêu hao như thủy tinh thể nhân tạo, chỉ khâu, dao, chất nhầy để phục vụ cho phẫu thuật. Các vật tư thiết bị khác tạm thời chưa cần đến.

Sự hỗ trợ thiết thực nhất là tiền để tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động của tổ chức đến thêm với nhiều bà con còn khó khăn ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Ngoài nguồn tiền lương của mình, nguồn kêu gọi từ phía nhiều tổ chức ở Nhật và cộng đồng Nhật tại Việt Nam, mỗi năm bác sỹ Hattori vẫn đứng ra xin hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật cho các bệnh viện ngành mắt tại Việt Nam mà bác sỹ thấy nơi đó quá thiếu thốn. Cho đến nay, bác sỹ đã xin cho một số bệnh viện 9 dự án ODA, mỗi dự án nhận được số tiền 90.000 USD.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM